IMF đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam
Bà Atoinette Monsio Sayeh, Phó Tổng Giám đốc IMF phụ trách châu Á – Thái Bình Dương, phát biểu tại buổi tiếp.
Đại diện IMF cũng bày tỏ ấn tượng trước những kết quả kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2022 vừa qua.
- 10-01-2023IMF đánh giá cao chính sách của Việt Nam trong ổn định kinh tế vĩ mô
- 01-01-20232023: Triển vọng kinh tế Việt Nam tươi sáng theo đánh giá của IMF và WB
Ngày 09/01/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã có buổi tiếp bà Atoinette Monsio Sayeh, Phó Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phụ trách châu Á – Thái Bình Dương.
Tại buổi tiếp, bà Phó Tổng Giám đốc bày tỏ ấn tượng trước những kết quả kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2022 vừa qua. Với việc đạt được mức tăng trưởng GDP cả năm là 8,02%, Việt Nam đã thành công vượt qua các thách thức, bất ổn lớn như xung đột Nga - Ukraine, lạm phát toàn cầu tăng mạnh, các điều kiện tài chính thắt chặt... Bà Phó Tổng Giám đốc cũng đánh giá cao NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, bám sát tình hình thực tế, góp phần quan trọng vào những thành quả đạt được trong năm 2022.
Thống đốc cảm ơn và đánh giá cao IMF đã đồng hành cùng Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội thông qua các hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn chính sách cho Chính phủ và các Bộ, ngành. Thông báo với bà Sayeh về công tác điều hành của NHNN, Thống đốc cho biết 2022 là năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế cả ở bên trong và bên ngoài. Với những giải pháp điều hành chủ động, linh hoạt, chắc chắn, bám sát diễn biến thực tế, chính sách tiền tệ đã góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn đủ thận trọng trước áp lực lạm phát. Năm 2022, lạm phát bình quân ở mức 3,15%, thấp hơn chỉ tiêu 4% Quốc hội đặt ra.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại buổi tiếp.
Thống đốc cho biết trong năm 2023, NHNN sẽ tiếp tục tiến trình hiện đại hóa khuôn khổ chính sách tiền tệ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành chính sách. NHNN sẽ tiếp tục cải thiện khuôn khổ pháp lý và quản lý, tăng cường công tác thanh tra giám sát, tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, nhận diện sớm những rủi ro, khó khăn, hạn chế. Cùng với đó, NHNN cũng tiếp tục thúc đẩy tiến trình số hóa trong ngành Ngân hàng, trong đó thúc đẩy cung ứng các dịch vụ ngân hàng và trung gian thanh toán trên nền tảng số. Thống đốc mong IMF sẽ đồng hành, hỗ trợ NHNN trong quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của NHNN cũng như ngành Ngân hàng.
Chia sẻ với NHNN về những khó khăn, thách thức trong công tác điều hành, bà Phó Tổng Giám đốc cho biết, IMF luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong việc tư vấn và truyền thông chính sách, củng cố khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ, tăng cường khuôn khổ pháp lý, quản lý và thanh tra giám sát đối với hệ thống ngân hàng... thông qua hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cũng như tư vấn chính sách.
Nhịp sống thị trường