MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

IMF nói gì về triển vọng kinh tế Trung Quốc?

11-04-2019 - 11:50 AM | Tài chính quốc tế

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng năm 2019 cho Trung Quốc với lý do Bắc Kinh đã nỗ lực cải thiện nền kinh tế. Đồng thời, IMF cũng cho thấy triển vọng về cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới nhất, IMF dự báo Trung Quốc tăng trưởng 6,3% trong năm nay, cao hơn con số 6,2% trong dự báo trước đó. Năm 2018, Trung Quốc tăng trưởng 6,6%, mức thấp nhất trong 28 năm.

“Trung Quốc tăng cường kích thích tài chính và tiền tệ nhằm đối phó với ảnh hưởng tiêu cực từ thuế quan thương mại. Hơn nữa, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cải thiện khi triển vọng về một thỏa thuận đang hình thành”, Gita Gopinath, cố vấn kinh tế IMF viết trong báo cáo.

Tuy nhiên, IMF hạ tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Trung Quốc xuống còn 6,1%, so với con số 6,2% trong dự báo trước đó.

“Trong khi triển vọng chung giữ ở mức ổn định, vẫn còn nhiều rủi ro suy giảm. Không dễ dàng có một thỏa thuận đình chiến thương mại, khi các căng thẳng có thể bùng phát trở lại và xảy ra ở các lĩnh vực khác (như ngành công nghiệp ôtô), gây nên sự gián đoạn lớn tới các chuỗi cung ứng toàn cầu. Tăng trưởng tại Trung Quốc có thể bất ngờ suy giảm”, Gopinath nói.

Trung Quốc và Mỹ bắt đầu chiến tranh thương mại từ năm 2018. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tạm dừng áp thuế trong khi đàm phán một thỏa thuận thương mại.

Từ tháng 10/2018 đến nay, IMF đã 3 lần hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu, một phần do căng thẳng giữa Mỹ và các đối tác thương mại.

'Lý do để lạc quan'

Dự báo kinh tế Trung Quốc năm 2019 của IMF được đưa ra khi một số nhà kinh tế cũng bày tỏ sự lạc quan về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Á.

Ngân hàng lớn nhất châu Âu, HSBC cho biết tăng trưởng Trung Quốc có thể đạt 6,6% trong năm nay – cao hơn mức dự báo từ 6,0% đến 6,5% của chính phủ Trung Quốc. Citi dự kiến Trung Quốc tăng trưởng 6,2% trong năm nay.

“Trong ngắn hạn, tôi nghĩ có lý do để lạc quan (về kinh tế Trung Quốc) do sự nới lỏng chính sách. Hành động này bắt đầu có tác động, vì vậy, chúng tôi dự đoán có sự ổn định và phục hồi trong các quý tiếp theo”, Johanna Chua, lãnh đạo bộ phận kinh tế châu Á và phân tích thị trường tại Citi nói ngày 10/4.

Chính quyền Trung Quốc thực hiện các biện pháp tiền tệ và tài chính nhằm cải thiện nền kinh tế giảm tốc, bao gồm cắt giảm thuế và giảm quy mô dự trữ tại các ngân hàng. Tuy nhiên, về dài hạn, tăng trưởng kinh tế chậm lại do những thay đổi trong nhân khẩu học và tiềm năng sản xuất, Chua nói.

Theo CNBC

Theo Chấu Anh

Người đồng hành

Trở lên trên