MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

IMF: Việt Nam nằm trong nhóm hiếm hoi các nền kinh tế tăng trưởng dương năm 2020

14-10-2020 - 10:34 AM | Tài chính quốc tế

Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 10 của IMF cho thấy Việt Nam, cùng với Trung Quốc, là 2 nền kinh tế hiếm hoi duy trì được mức tăng trưởng dương trong năm 2020 khi Covid-19 hoành hành.

Theo dự báo của IMF, GDP của Việt Nam trong năm 2020 sẽ tăng 1,6% và đột phá lên mức 6,7% vào năm 2021. Đây là nền kinh tế duy nhất ở nhóm ASEAN-5 (bao gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam) duy trì được mức tăng trưởng dương trong một năm mà đại dịch Covid-19 hoành hành, làm trầm trọng thêm các vấn đề từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong khi đó, Philippines được dự báo là nền kinh tế sụt giảm GDP tồi tệ nhất trong nhất trong nhóm ASEAN-5 với 8,3%. Thái Lan đứng thứ 2 với mức sụt giảm 7,1% trong khi Malaysia và Indonesia lần lượt sụt giảm GDP ở mức 6,0 và 1,5%. Trung bình, nhóm ASEAN-5 hứng chịu mức sụt giảm lên tới 3,4% cho năm 2020.

IMF: Việt Nam nằm trong nhóm hiếm hoi các nền kinh tế tăng trưởng dương năm 2020 - Ảnh 1.

IMF dự báo tăng trưởng GDP của các nền kinh tế châu Á trong năm 2020.

Ở châu Á, Trung Quốc cũng duy trì mức tăng trưởng dương là 1,6% trong khi Ấn Độ được dự báo sụt giảm GDP tới 10,3%. Các nền kinh tế phát triển tại châu Á cũng hứng chịu mức sụt giảm trung bình lên tới 2,2% trong đó Đặc khu Ma Cao của Trung Quốc sụt giảm tới 52,3%. Đài Loan, Trung Quốc là nền kinh tế phát triển hiếm hoi ở châu Á không sụt giảm nhưng cũng không tăng trưởng. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Australia lần lượt có mức sụt giảm GDP là 5,3%, 1,9%, 6% và 4,2%.

Mặc dù duy trì những con số không mấy khả quan nhưng các khu vực này vẫn tươi sáng hơn so với phần còn lại của thế giới. Tất cả các nền kinh tế ở châu Mỹ đều được dự báo tăng âm trong năm 2020. Cụ thể, GDP của Mỹ giảm 4,3%, Canada giảm 7,1%, Mexico giảm 9%, Brazil giảm 5,8%.... Venezuela là nền kinh tế có mức sụt giảm GDP lớn nhất châu Mỹ với 25% trong năm 2020. Tuy nhiên, nó vẫn thấp hơn với con số 35% của năm 2019.

Đồng cảnh với châu Mỹ, sụt giảm GDP cũng được dự báo sẽ bao trùm các nền kinh tế châu Âu, bao gồm cả các đầu tàu như Đức (giảm 8,3%), Pháp (giảm 9,8%, Italy (giảm 10,6%) và Tây Ban Nha (giảm 12,8%). Mức giảm trung bình của khu vực EU là 8,3%. Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tại châu Âu cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Nga hứng chịu mức giảm 4,1%, Thổ Nhĩ Kỳ giảm 5%, Ba Lan giảm 3,6%. Nền kinh tế sụt giảm nhiều nhất trong khu vực này là Croatia với mức sụt giảm 9%.

Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 dường như không ảnh hưởng quá nhiều tới các nước châu Phi hoặc ảnh hưởng theo từng quốc gia nhất định. Các nước xuất khẩu dầu mỏ như Nigeria, Angola, Gabon, Cộng hòa Congo (giả định giá dầu trung bình năm 2020 là 41,69 USD/thùng)… đều được dự báo duy trì mức tăng trưởng GDP âm. Tuy nhiên, trong các nước thu nhập trung bình có Bờ biển Ngà và Ghana duy trì mức tăng trưởng dương lần lượt là 1,8 và 0,9%. Ở các nước thu nhập thấp, Ethiopia, Kenya, Tanzania đều có thể duy trì mức tăng trưởng dương lần lượt là 1,9%, 1% và 1,9%.

Đại dịch Covid-19 được xem là nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm triển vọng GDP toàn cầu trong năm 2020. Tuy nhiên, phần lớn các nền kinh tế đều được dự báo sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2021 dù nhiều quốc gia không bù đắp được những mất mát của năm 2020. Điều này cho thấy tác động của dịch bệnh, vốn đang làm hơn 38 triệu người mắc, sẽ không sớm biến mất. Nó giống với tiêu đề của bản báo cáo mà IMF vừa công bố: Một chặng đường dài và khó khăn.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên