In tiền âm phủ như tiền thật, xử lý sao?
Các quy định pháp luật đã có nhưng việc chế tài, xử phạt các cơ sở sản xuất tiền âm phủ có thiết kế như đồng tiền Việt Nam không dễ khi lượng hình mức độ vi phạm.
- 12-03-2020Khởi tố 2 đối tượng lập thẻ ngân hàng giả, mở dịch vụ "rửa tiền" để lừa đảo
- 03-03-2020Cảnh giác với tiền giả
- 14-02-2020Liên tiếp phát hiện các vụ tự in tiền giả tại Việt Nam
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo sau hơn 15 năm triển khai, thi hành Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg về bảo vệ tiền Việt Nam.
Tiền âm phủ giống hệt tiền thật
Nội dung Quyết định 130/2003/QĐ-TTg quy định nghiêm cấm sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong những năm gần đây, tại một số địa phương xuất hiện "tiền giấy đồ chơi" là các ấn phẩm có in hình ảnh đồng tiền Việt Nam trên giấy cứng hoặc nền nhựa, được bày bán với tính chất như đồ chơi.
Tiền âm phủ có họa tiết giống hệt tiền VNĐ thật với đủ mệnh giá Ảnh: PHẠM DŨNG
Một số cá nhân, nhóm cá nhân sản xuất, tiêu thụ tiền vàng mã có sử dụng hình ảnh đồng tiền Việt Nam các loại mệnh giá đang diễn ra khá phổ biến ở các tỉnh, TP trong cả nước như: tiền vàng mã, tiền âm phủ mô phỏng theo mẫu tiền polymer, bao lì xì in hình ảnh đồng tiền Việt Nam… Việc này dễ gây nhầm lẫn, tạo ấn tượng không tốt về hình ảnh đồng tiền Việt Nam.
Chúng tôi vào một sạp bán vàng mã ở chợ Thiếc (quận 11, TP HCM), chủ sạp cho biết có đủ các loại tiền âm phủ ngoại tệ (USD, euro…) và tiền Việt Nam có nhiều mệnh giá khác nhau với họa tiết giống hệt như tiền thật. Tùy theo giấy tốt hay xấu, giá mỗi xấp tiền âm phủ từ 7.000 đồng đến 13.000 đồng. Về nguồn gốc các loại tiền âm phủ, chủ sạp nói không biết các xưởng in ở đâu, chỉ lấy thông qua các đầu mối, cần gọi điện là có người chở đến.
Tương tự, tại chợ Bình Tây (quận 6, TP HCM), các mặt hàng vàng mã, tiền âm phủ cũng rất đa dạng chủng loại. Các sạp có những loại tiền âm phủ giống như tiền Việt Nam đủ mệnh giá với giá bán 12.000 đồng/xấp.
Cần bổ sung quy định cụ thể
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đối chiếu với các quy định pháp luật hiện nay, các cơ quan chức năng sẽ gặp khó khăn để xác định việc sản xuất (tiền giấy đồ chơi, tiền vàng mã, tiền âm phủ mô phỏng theo mẫu tiền polymer) có vi phạm pháp luật hay không và nếu vi phạm thì xử lý như thế nào.
Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cho biết Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng có nêu rõ các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ tiền Việt Nam (đồng VNĐ) sẽ bị xử phạt từ cảnh cáo đến phạt tiền.
Cụ thể, đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng với hành vi phá hoại, hủy hoại đồng VNĐ trái pháp luật. Phạt tiền từ 40-80 triệu đồng đối với hành vi sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của đồng VNĐ không đúng quy định và nhiều hình thức xử phạt bổ sung...
Tuy nhiên, dù quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm, mức phạt có từ vài năm nay nhưng xử phạt không dễ vì bản chất của đối tượng vi phạm không phải mục tiêu để làm tiền giả, có hành vi lừa đảo. Những đối tượng này dùng hình ảnh, hoa văn, chi tiết của đồng VNĐ in lên bao lì xì, tiền vàng mã hay tiền giấy đồ chơi... ở góc độ nào đó ảnh hưởng hình ảnh đồng tiền nhưng nói họ vi phạm cũng khó.
"Trước đây, từng có 2 du khách người nước ngoài dùng tiền âm phủ trả cho tài xế taxi. Vị khách này cho rằng số tiền này do một người chạy xích lô đã thối cho họ. Như vậy, tiền âm phủ chúng ta có thể phân biệt được nhưng người nước ngoài thì khó phân biệt hơn, rất dễ nhầm lẫn. Hành vi của người chạy xích lô có dấu hiệu lừa đảo, có thể xử lý nhưng người sản xuất thì khó xử phạt vì mục đích của họ không phải làm tiền giả. Chưa kể gần đây, theo một số chuyên gia tài chính, có tình trạng đối tượng cũng dùng hình ảnh nhưng in những tờ tiền cũ, đã hết giá trị lưu thông hoặc in mờ hơn không giống tiền thật cũng khó xử lý" - luật sư Trương Thanh Đức nói.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động phòng chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần thiết phải bổ sung các quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn sao chụp tiền Việt Nam như quy định màu sắc hình ảnh sao chụp (đen trắng hoặc sao chụp màu); sự khác nhau giữa kích thước hình ảnh sao chụp và kích thước đồng tiền thật (sao chụp một mặt/sao chụp cả hai mặt với kích thước nhỏ hơn hoặc lớn hơn đồng tiền thật; chất liệu dùng để sao chụp...).
Hãy làm những việc thực tế!
Thượng tọa Thích Duy Trấn (trụ trì chùa Liên Hoa, quận 11, TP HCM) cho biết đã hơn 22 năm qua, chùa khuyến khích người dân, phật tử không nên đốt vàng bạc, tiền âm phủ khi tổ chức cúng kiếng. Trong tất cả tài liệu, kinh sách của đạo Phật, không thấy bất kỳ chứng cứ nào khuyến khích đốt tiền vàng mã cho người quá cố.
"Trong dân gian, người ta bày đủ trò để moi tiền người dân nên có đủ loại ngoại tệ và gần đây là tiền Việt Nam dạng vàng mã. Cho nên, người dân cần quên đi chuyện đốt vàng mã, tiền bạc mà hãy làm những việc thực tế. Lấy tiền thật đi ủng hộ đồng bào lũ lụt, thiên tai, hạn mặn, dịch bệnh, mua tập sách cho trẻ em nghèo vùng cao..." - Thượng tọa Thích Duy Trấn nói.
Theo Thượng tọa Thích Duy Trấn, để các cơ sở sản xuất tiền âm phủ không còn đưa tiền vàng mã ra thị trường, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần ban hành các văn bản quy định rõ mức phạt và có chế tài mạnh mẽ các hành vi vi phạm.
Người lao động