MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Indonesia: Số ca Covid-19 ở trẻ em không ngừng tăng, bác sĩ đau xót thừa nhận thất bại

13-07-2021 - 12:30 PM | Tài chính quốc tế

Indonesia: Số ca Covid-19 ở trẻ em không ngừng tăng, bác sĩ đau xót thừa nhận thất bại

Các trường hợp nhiễm COVID-19 ở Indonesia đang gia tăng và các chuyên gia y tế lo ngại về số lượng trẻ em bị nhiễm bệnh do cha mẹ lơ là các quy định phòng dịch.

Số ca mắc Covid-19 ở trẻ em không ngừng tăng

Đã 9 ngày kể từ khi Seli Aisyah về thăm cha mẹ mình, mặc dù đã được cảnh báo là không nên. Hiện tại, cô và tất cả các con của cô đều có kết quả dương tính với COVID-19. Đứa nhỏ nhất mới 18 tháng tuổi.

"Ba đứa con của tôi bị sốt, ho, nhức đầu và rất yếu", cô nói. "Chúng liên tục kêu đau người, nhưng tôi bất lực, tôi không thể giúp chúng."

Những đứa con của Seli Aisyah nằm trong số 250.000 trẻ em bị nhiễm bệnh trên cả nước kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Ban đầu, cô không muốn cho bản thân và con mình xét nghiệm COVID-19 nhưng khi con trai cô bắt đầu khó thở, cô đã đến thẳng bệnh viện.

"Tôi thật may mắn khi vẫn còn giường bệnh cho con tôi. Đó là thời điểm tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi, khi nhìn thấy con trai mình phải thở bằng máy thở", cô nói.

Trong khi đó, Karmida cho biết cô đã tuân thủ các quy trình chăm sóc sức khỏe nhưng không bao giờ nghĩ rằng việc có khách đến thăm có thể mang vào nhà.

Bây giờ cả hai đều đã bình phục, Karmida thận trọng hơn nhiều về việc ai sẽ đến thăm. "Nhìn lại những gì đã xảy ra trong bệnh viện, tôi cảm thấy rất biết ơn vì con mình vẫn còn sống", cô nói.

Theo số liệu chính thức đến tháng 6 năm 2021, tổng số trẻ em ở Indonesia bị nhiễm bệnh là khoảng 250.000 trẻ em - chiếm 12,6% tổng số trường hợp mắc bệnh. Trong suốt đại dịch, 676 trẻ em đã chết vì COVID-19 - chiếm khoảng 1,2% tổng số ca tử vong.

Điều đáng báo động là 50% trẻ em tử vong dưới 5 tuổi.

Tiến sĩ Aman Pulungan, chủ tịch Hiệp hội Nhi khoa Indonesia cho biết: "Để trẻ em mắc Covid là sự thất bại của chúng tôi".

Tiến sĩ Pulungan nói với ABC rằng 11.872 trẻ em ở Indonesia đã bị nhiễm COVID-19 trong một tuần.

"Thật đáng lo ngại, con số đang tăng lên", Tiến sĩ Pulungan nói.

Vẫn gặp vấn đề sức khỏe sau khi hồi phục

Bất chấp các ca bệnh đang gia tăng, mọi người vẫn đang mạo hiểm sức khỏe của con mình bằng cách đưa chúng ra ngoài mà không tuân theo các hướng dẫn y tế đúng cách, bác sĩ Pulungan nói.

Các bậc cha mẹ đưa con cái đến các nhà hàng, trung tâm mua sắm và đi du lịch, nghỉ mát.

Nếu không có việc gì gấp, hãy cứ ở nhà, ông khuyến cáo. Bác sĩ Pulungan cũng cho rằng cần phải tăng cường xét nghiệm và truy vết, đồng thời bố trí các bệnh viện dành riêng cho trẻ em.

Ngay từ đầu khi xảy ra đại dịch, Tiến sĩ Aman Pulungan đã cảnh báo rằng trẻ em cũng có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao.

Tại Yogyakarta, Tiến sĩ Kurniawan Satria Denta, một bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện Dr Sardjito, cũng nhận thấy số lượng trẻ em nhập viện vì COVID-19 ngày càng tăng.

"Năm ngoái, số bệnh nhân trẻ em có thể đếm được trên đầu ngón tay, không quá nhiều. Nhưng số lượng không ngừng tăng lên theo thời gian, bao gồm cả trẻ sơ sinh, thậm chí nhiều hơn trẻ mới biết đi", ông nói với ABC.

Bác sĩ Denta cho biết hầu hết các bệnh nhân trẻ em của ông đều bị lây nhiễm từ cha mẹ hoặc những người khác sống cùng.

Nhưng ông nói rằng còn có một yếu tố khác.

"Gần đây, [các quy định] đã trở nên rất lỏng lẻo, đặc biệt là trong 1 hoặc 2 tháng gần đây, các bậc cha mẹ bắt đầu đưa con họ ra ngoài để gặp gỡ những người khác," ông nói.

Các chuyên gia y tế đã cảnh báo về tỷ lệ trẻ em tử vong do COVID-19 ở Indonesia vẫn còn rất cao kể từ khi đại dịch bắt đầu tấn công quốc gia này vào năm ngoái. Điều nguy hiểm là ngay cả sau khi một số em đã bình phục và xét nghiệm âm tính, chúng vẫn gặp phải các vấn đề về sức khỏe.

Ông nói: "Sáu đến tám tháng sau khi hồi phục, chúng tôi có thể thấy những đứa trẻ trở nên yếu ớt, khó thở, khó tập trung, rụng tóc và đau cơ.

Tiến sĩ Denta cho biết nỗ lực tiêm chủng này sẽ là "một biện pháp phòng ngừa", đặc biệt là đối với những thanh thiếu niên hiếu động. Bộ Y tế Indonesia cho biết trẻ em từ 12 đến 17 tuổi có thể tiêm hai liều vắc xin Sinovac, với khoảng cách tối thiểu 28 ngày, kể từ cuối tháng Sáu.

Cho đến nay, hơn 13 triệu trong tổng số 276 triệu dân đủ điều kiện đã được tiêm liều thứ hai.

Theo Minh Khôi

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên