Indonesia triển khai tàu phà làm nơi “cách ly và tiêm chủng Covid-19 nổi”
Để giảm tải cho các bệnh viện và cơ sở cách ly trên bộ, đồng thời nỗ lực tiếp cận vaccine cho người dân vùng sâu, vùng xa và hải đảo, Indonesia tiếp tục triển khai các tàu phà làm "cơ sở cách ly tạm thời và tiêm chủng nổi".
- 12-08-2021Quân đội Indonesia xóa bỏ "cuộc kiểm tra 2 ngón" đáng sợ với các nữ quân nhân
- 05-08-2021Nghề đóng quan tài trong đại dịch Covid-19 tàn khốc ở Indonesia
- 27-07-2021Tín hiệu đáng sợ từ Indonesia: Trẻ em không còn "an toàn" với Covid-19, hàng trăm ca đã tử vong
Từ đầu tháng 9, ít nhất 5 chiếc tàu phà cỡ lớn thả neo tại các tỉnh Papua, Tây Papua, Bắc Sumatra, Nam Sulawesi và Bắc Sulawesi của Indonesia. Tất cả tàu phà này do Công ty vận tải biển Nhà nước sở hữu, được sử dụng để cách ly bệnh nhân Covid-19 triệu chứng nhẹ, với tổng quy mô lên tới 3.000 giường bệnh. Tại tỉnh Papua, nơi sẽ diễn ra Đại hội Thể thao Quốc gia Indonesia vào tháng 10 tới, chính quyền đã yêu cầu điều động tàu phà cách ly MV Tidar lớn nhất, với quy mô hơn 900 giường bệnh. “Cơ sở cách ly nổi” này có 6 bác sỹ, 12 y tá, 1 chuyên gia dinh dưỡng và 4 tình nguyện viên.
Phát biểu trong chuyến thăm kiểm tra tại cảng biển tỉnh Papua hôm qua (4/9), Bộ trưởng Bộ Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết, mục đích triển khai “cơ sở cách ly nổi” là để sơ tán các bệnh nhân Covid-19 đang tự cách ly ra khỏi nhà riêng, giảm nguy cơ bùng phát cụm dịch Covid-19 trong các hộ gia đình. Đây cũng được coi là giải pháp tạm thời ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta tại các tỉnh thành bên ngoài đảo Java và Bali, những khu vực mà chính quyền địa phương không thể chuẩn bị đủ các tòa nhà công cộng làm cơ sở cách ly cho hàng trăm bệnh nhân, trong lúc các bệnh viện quá tải.
Trước đó, Indonesia đã thí điểm chuyển đổi tàu vận tải biển thành cơ sở cách ly người mắc Covid-19 ở thành phố cảng Makassar, tỉnh Nam Sulawesi.Một số tàu phà chở khách cũng được sử dụng làm địa điểm tiêm chủng. Ngoài ra, với người dân ở các khu vực ven biển bị cô lập, không thể tiếp cận bằng đường bộ, cảnh sát và quân đội đã huy động các tàu thuyền để tối ưu hóa việc tiêm chủng cho hàng nghìn người dân ở các vùng sâu vùng xa, cũng như ngư dân. Hải quân Indonesia đã phát động “Chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 cho cộng đồng hàng hải”, đưa tàu chiến đến các vùng hải đảo xa xôi để triển khai tiêm phòng vaccine Covid-19 miễn phí cho ngư dân và cư dân ven biển, đồng thời hỗ trợ phát trợ cấp xã hội trong vùng này. Trong khi đó, lực lượng cảnh sát đường thủy một số địa phương cũng tổ chức chương trình “Tiêm chủng vaccine nổi” cung cấp các thuyền tiêm phòng, đưa bác sĩ ra khơi tiêm chủng cho ngư dân.
Mặc dù tình hình đại dịch ở Indonesia đã có phần lắng xuống, tuy nhiên, bên ngoài 2 đảo Java và Bali, biến thể biến thể Delta vẫn tiếp tục lây lan khiến chính quyền phải tăng tốc tiêm chủng cho người dân. Quốc gia vạn đảo đặt mục tiêu hoàn thành tiêm chủng vaccine Covid-19 cho hơn 200 triệu dân vào đầu năm 2022 để đạt miễn dịch cộng đồng. Trong 24 giờ qua, quốc gia này ghi nhận gần 7.800 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên hơn 2,1 triệu ca, trong đó có hơn 135.000 trường hợp đã tử vong./.
VOV