MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Infographic: Tài khoản định danh điện tử mức 1, mức 2 là gì? Mức độ nào thì được dùng thay cho CCCD?

21-03-2023 - 14:40 PM | Kinh tế số

Infographic: Tài khoản định danh điện tử mức 1, mức 2 là gì? Mức độ nào thì được dùng thay cho CCCD?

Tài khoản định danh điện tử sẽ trở thành một trong những thứ không thể thiếu của mỗi công dân Việt Nam khi thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính. Vậy tài khoản định danh điện tử là gì? Có gì khác nhau giữa mức độ 1 và 2?

Tài khoản định danh điện tử là gì?

Infographic: Tài khoản định danh điện tử mức 1, mức 2 là gì? Mức độ nào thì được dùng thay cho CCCD? - Ảnh 1.

Theo quy định tại Khoản 7, Điều 2, Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg, tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm: Tên đăng nhập (mã số định danh cá nhân của công dân) và mật khẩu (được gửi qua tin nhắn SMS cho mỗi cá nhân) hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an.

Tài khoản định danh điện tử được cấp cho: Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên; đối với công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi hoặc là người được giám hộ được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ; Người nước ngoài từ đủ 14 tuổi trở lên nhập cảnh vào Việt Nam; đối với người nước ngoài là người chưa đủ 14 tuổi hoặc là người được giám hộ được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ và Cơ quan, tổ chức được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam.

Các mức độ của tài khoản định danh điện tử

Hiện nay, theo quy định tại Điều 5, Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg, tài khoản định danh điện tử bao gồm 2 mức độ như sau:

Mức độ 01:

Là tài khoản được tạo trong trường hợp:

- Thông tin của công dân kê khai đã được so sánh, đối chiếu trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

- Thông tin của người nước ngoài được so sánh, đối chiếu trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh (trừ ảnh chân dung và vân tay).

Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử "mức độ 1" đối với công dân Việt Nam có giá trị chứng minh các thông tin của người đó.

Mức độ 02:

Tài khoản được tạo lập trong trường hợp thông tin của cá nhân kê khai đã được xác minh bằng ảnh chân dung, hoặc vân tay trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân hoặc Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh.

Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử "mức độ 2" có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ Căn cước công dân trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ Căn cước công dân và cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ (thẻ bảo hiểm y tế, chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông, giấy phép lái xe, mã số thuế hoặc giấy tờ tùy thân khác) của công dân đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ này.

Infographic: Tài khoản định danh điện tử mức 1, mức 2 là gì? Mức độ nào thì được dùng thay cho CCCD? - Ảnh 2.

Infographic: Phân biệt tài khoản định danh điện tử mức độ 1, mức độ 2 và lợi ích khi sử dụng dành cho công dân Việt Nam

Tài khoản định danh điện tử mang lại nhiều lợi ích cho người dân

Bộ Công an cho biết, tài khoản định danh điện tử có tính bảo mật cao, tích hợp nhiều thông tin của công dân, do vậy, có thể xuất trình Căn cước công dân điện tử thông qua ứng dụng VNeID thay thế nhiều loại giấy tờ để thực hiện các thủ tục.

Infographic: Tài khoản định danh điện tử mức 1, mức 2 là gì? Mức độ nào thì được dùng thay cho CCCD? - Ảnh 3.

Quá trình sử dụng, chủ tài khoản định danh điện tử phải bảo mật, không cung cấp mật khẩu cho người khác. Nếu mất kiểm soát tài khoản định danh của mình hoặc phát hiện người sử dụng trái phép danh tính điện tử của mình thì cần báo ngay cho Công an theo số 19000368 để được hỗ trợ.

Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), công dân khi sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện các dịch vụ công sẽ giảm thủ tục xác minh thông tin, có thể chia sẻ thông tin của mình để tạo tài khoản ngân hàng, tài chính, viễn thông... Thông tin tự điền vào các biểu mẫu (form) đăng ký mà không cần phải khai báo, điền nhiều lần như trước đây.

Khi đăng ký tài khoản ở mức độ 2, thông tin trên thẻ Căn cước công dân gắn chip sẽ được tích hợp, tạo thành một thẻ Căn cước công dân điện tử. Đáng chú ý, Căn cước công dân điện tử có giá trị tương đương thẻ Căn cước công dân gắn chip vật lý. Có thể phục vụ cơ quan chức năng, công dân sử dụng trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính mà không cần xuất trình thẻ Căn cước công dân gắn chip.

Theo Huỳnh Duy

Thể thao và Văn hóa

Trở lên trên