MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Infographic] Toàn cảnh kinh tế - xã hội hai tháng đầu năm 2022 qua những con số

[Infographic] Toàn cảnh kinh tế - xã hội hai tháng đầu năm 2022 qua những con số

Việc CPI tăng 1% trong tháng và cao hơn 1,42% cùng kỳ, kéo theo tăng giá của vận tải hành khách và nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ là diễn biến đáng chú ý nhất trong tháng 02 và hai tháng đầu năm.

Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố báo cáo về Tình hình kinh tế – xã hội tháng 02/2022, trong đó cập nhật những thông tin toàn cảnh về tình hình kinh tế xã hội trong giai đoạn.

Điểm đáng chú ý đầu tiên trong kỳ công bố vào ngày 28/2 là việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước trong tháng đã tăng 1% so với tháng trước và cao hơn 1,42% so với cùng kỳ tháng 2/2021.

Cụ thể, ghi nhận mức tăng cao nhất tháng là nhóm hàng hóa dịch vụ thuộc ngành giao thông với việc tăng 2,35% so với tháng 01. Việc mặt hàng xăng dầu tăng 5,8% trong tháng khiến CPI chung tăng 0,21 điểm, do ảnh hưởng từ các đợt tăng giá xăng dầu gần nhất.

Giá xăng dầu tăng cao cũng kéo giá vận tải hành khách đường bộ tăng 3,92% so với tháng trước khi một số đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai tăng giá phụ thu theo giá xăng dầu và ảnh hưởng của dịch bệnh đến số lượng hành khách.

Ngoài ra, giá vé tàu hỏa tăng 7,95% so với tháng 1 do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tăng giá vé đối với tuyến TP.HCM - Hà Nội vào trước Tết Nguyên đán 2022 và từ mùng 4 Tết giá vé tăng đối với tuyến ngược lại.

Theo sau mức tăng của nhóm ngành giao thông là hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Trong đó, nhóm này tăng tổng cộng 1,54% trong tháng 2, làm CPI chung tăng 0,52 điểm %...

Điểm đáng chú ý tiếp theo là việc cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đã đảo chiều mạnh, ước tính nhập siêu 937 triệu USD trong 2 tháng đầu năm trong khi cùng kỳ 2021 xuất siêu tới 1,6 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,96 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 3,02 tỷ USD.

Trong giai đoạn, cả nước có 32,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; 8,9 nghìn doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể và gần 3,3 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Trong khi, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 42,6 nghìn.

Một diễn biến đáng lo ngại là trong khi có 2,8 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng dừng hoạt động, giảm 12,8%, thì có tới 49 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng phải giải thể, tăng 32,4%.

Về thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN), trong tháng 2, nhờ nhiều khoản thu tăng cao, NSNN sau hai tháng đầu năm ước bội thu hơn 95 nghìn tỷ đồng .

Những thông tin đáng chú ý khác về hoạt động sản xuất nông nghiệp - công nghiệp, đăng ký kinh doanh, vốn đầu tư và hoạt động bán lẻ - dịch vụ... trong hai tháng đầu năm 2022 được GSO thống kê trực quan, cụ thể qua Infographic dưới đây:

[Infographic] Toàn cảnh kinh tế - xã hội hai tháng đầu năm 2022 qua những con số - Ảnh 1.

Theo Tuấn Việt

BizLive

Trở lên trên