Iran bùng nổ triệu phú nhờ chứng khoán và tiền điện tử
Việc bị hạn chế mua bán các tài sản quốc tế do các lệnh trừng phạt đã khiến tầng lớp giàu có của Iran đổ tiền vào thị trường cổ phiếu.
- 01-07-2021Công ty được mệnh danh là 'chúa nợ' đã được Bắc Kinh cứu khỏi bờ vực sụp đổ như thế nào?
- 30-06-2021Thảm kịch của một trong những khoản đầu tư thất bại nhất SoftBank: Đốt sạch 3 tỷ USD với tham vọng cách mạng hóa ngành xây dựng, phá sản vì sự mù quáng của CEO
Số lượng triệu phú tại Iran đã tăng lên mạnh mẽ, bất chấp cuộc khủng hoảng do Covid-19 cũng như các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Năm 2020, số lượng các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao (High net worth individual – HNWI) tại Iran tăng 21,6%, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình 6,3% của toàn thế giới. Tổng giá trị tài sản của những triệu phú USD này thậm chí còn tăng mạnh hơn, tới 24,3%.
Theo báo cáo mới công bố của công ty tư vấn Capgemini, “giá trị giao dịch của Sàn giao dịch chứng khoán Tehran từ tháng 3 tới tháng 7 đã tăng 625% so với cùng kỳ năm trước", trong khi đó, nếu so sánh, chỉ số giao dịch của S&P 500 chỉ tăng hơn 16% trong cùng kỳ.
Việc bị hạn chế mua bán các tài sản quốc tế do các lệnh trừng phạt đã khiến tầng lớp giàu có của Iran đổ tiền vào thị trường cổ phiếu. Hàng triệu triệu phú cũng được sinh ra từ đà tăng giá của thị trường cổ phiếu. Theo Capgemini, Iran hiện có khoảng 250.000 triệu phú, hầu hết đều đang sống ở thủ đô Tehran.
Đà bùng nổ của thị trường chứng khoán, kéo theo đó là số lượng triệu phú, được hỗ trợ bởi các khoản tiền công từ phía chính phủ. Tháng 9 năm ngoái, chính phủ Iran đã bơm lượng tiền tương đương 1% giá trị của Quỹ phát triển quốc gia Iran vào thị trường, đồng thời tuyên bố sẽ rót thêm 25.000 tỷ rial (tương đương 595,2 triệu USD) vào tháng 1.
Ảnh: Getty Images
Một người khai thác bitcoin giấu tên người Iran cho biết, hoạt động này “mang lại lợi nhuận khủng khiếp” và anh đã kiếm được nhiều tiền từ việc khai thác bitcoin hơn là hành nghề luật sư.Tiền điện tử cũng là một yếu tố khác góp phần vào sự gia tăng số lượng triệu phú mới của Iran, khi cộng đồng khai thác bitcoin phát triển mạnh mẽ nhờ giá điện rẻ trong nước. Báo cáo Tài sản Thế giới của Capgemini cho biết, khoảng 72% các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao tại Iran đã đầu tư vào tiền điện tử.
“Đúng là một số người đã thực sự kiếm được hàng triệu USD bằng cách khai thác bitcoin", người đàn ông này cho hay. “Hàng triệu USD kiếm được một cách dễ dàng và nếu so sánh với đồng nội tệ đang mất giá thì hàng triệu USD này sẽ có giá hơn rất nhiều nếu họ quyết định vẫn tiếp tục sinh sống ở trong nước".
Bây giờ thì “trò chơi đã kết thúc”, anh thừa nhận. Cơn sốt khai thác tiền điện tử trở nên dữ dội đến mức vào tháng 5 vừa qua, chính phủ Iran đã công bố lệnh cấm kéo dài 4 tháng đối với hoạt động này. Lượng điện cần thiết cho hoạt động khai thác tiền điện tử tăng mạnh tới mức thậm chí gây mất điện ở nhiều khu vực trên cả nước.
Theo ước tính của Capgemini, đà tăng nhanh chóng số lượng triệu phú khiến Iran trở thành quốc gia xếp thứ 14 trong danh sách những nước giàu nhất thế giới và đứng đầu các nước giàu có ở khu vực Trung Đông. Iran thậm chí đã vượt qua đối thủ lớn nhất là Saudi Arabia, hiện xếp thứ 17 với 210.000 triệu phú.
Đà gia tăng khối tài sản mà các triệu phú Iran sở hữu trái ngược hẳn với sự đi xuống của nền kinh tế cũng như tầng lớp nghèo đói. Theo số liệu từ Hội đồng Lao động Hồi giáo, chi phí sinh hoạt cao là nguyên nhân khiến hơn 60% người dân Iran hiện đang rơi vào tình trạng nghèo đói.
Giá cả các hàng hóa thiết yếu đã tăng mạnh sau quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran hồi năm 2018 của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. Một năm sau, các cuộc biểu tình bạo lực đã diễn ra khắp các thành phố lớn của Iran phản đối tình trạng chi phí sinh hoạt tăng cao.
Hiện, chỉ số lạm phát tại Iran đã tăng lên tới 50%. Đại dịch Covid-19 bùng phát càng khiến tình trạng thất nghiệp và nghèo đói tại quốc gia này trở nên trầm trọng hơn.
Khoảng cách giàu nghèo và bài toán kinh tế
Những thông tin về việc tầng lớp giàu có tại Iran đang ngày càng trở nên giàu có hơn sẽ là một vấn đề không dễ dàng với ông Ebrahim Raisi, người sẽ nhậm chức vào tháng 8 tới sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.
“Nhiều người Iran đã lên tiếng chỉ trích và bày tỏ sự tức giận về sự phân hóa rõ rệt giữa người giàu và người nghèo và sự bất bình đẳng về kinh tế giữa tầng lớp thượng lưu và người bình thường", Majid Rafizadeh, một nhà khoa học chính trị người Mỹ gốc Iran và là chủ tịch của Tổ chức Người Mỹ Quốc tế, cho biết.
Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp kỷ lục trong cuộc bầu cử vừa qua là dấu hiệu cho thấy sự thất vọng của người dân với chính phủ, ông Rafizadeh nói thêm.
Tổng thống đắc cử Raisi đã ủng hộ các cuộc đàm phán đang diễn ra ở Vienna về một thỏa thuận hạt nhân mới với Mỹ. Nếu các cuộc đàm phán thành công, các lệnh trừng phạt được bãi bỏ sẽ cho phép dòng vốn đầu tư quốc tế quay trở lại Iran, mang lại lợi ích lớn hơn cho nền kinh tế.
NDH