Ít người biết đến và không đến từ thung lũng Silicon nhưng công ty này đã vượt eBay và đang đặt mục tiêu hạ gục Amazon
Trong khi nhiều nhà bán lẻ truyền thống và trực tuyến vẫn đang chật vật đối đầu với "cửa hàng bán mọi thứ" Amazon, Shopify đã giành chiến thắng nhờ cung cấp công nghệ và năng lực tương tự cho các nhà bán lẻ cá nhân trong phạm vi kiểm soát lớn hơn.
- 29-08-2019Forever 21: Từ chuỗi bán lẻ 800 cửa hàng đến thương hiệu bên bờ vực phá sản chỉ vì pha loãng chất "mãi mãi tuổi 21" khiến giới trẻ quay lưng
- 29-08-2019Amazon sắp rót vốn vào GoJek, thâm nhập thị trường đông dân nhất Đông Nam Á?
- 03-05-2019Chuỗi cửa hàng có mọi thứ của Nhật Bản: Sắp trở thành nhà bán lẻ lớn thứ 5 cả nước với doanh thu gần 13 tỷ USD, không marketing hay bán hàng trực tuyến và thành công nhờ chiến lược "không quy tắc"
Tobi Lütke, giám đốc điều hành của Shopify, không thích nhân viên của mình thường xuyên kiểm tra giá cổ phiếu của công ty. Vì vậy, ở Shopify có một quy định: nếu bị "bắt tại trận", nhân viên sẽ phải mua bánh cho những thành viên khác trong nhóm.
Cổ phiếu của Shopify ra mắt vào tháng 5/2015 tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York. Đây là một trong những cổ phiếu năng động nhất trong năm nay. Kể từ đầu năm 2019, giá cổ phiếu của Shopify đã tăng hơn 150%, giúp giá trị của công ty vượt qua nhiều doanh nghiệp Internet đình đám như Twitter, Square hay Spotify. Và vào đầu năm nay, giá trị vốn hoá thị trường của Shopify, hiện là trên 40 tỉ USD, đã vượt qua nhà tiên phong trong lĩnh vực thương mại điện tử eBay.
Lütke so sánh thị trường chứng khoán với cá cược thể thao và chia sẻ: "Tôi phải nhắc nhở mọi người trong Slack [ứng dụng tin nhắn được nội bộ các công ty ưa chuộng] rằng giá cổ phiếu của công ty dựa trên cung và cầu, tương tự như những gì Phố Wall làm."
Các nhà đầu tư hứng thú với Shopify bởi công ty này hiện được đánh giá là mối đe doạ lớn cho vị thế thống trị của Amazon. Trong khi nhiều nhà bán lẻ truyền thống và trực tuyến vẫn đang chật vật đối đầu với "cửa hàng bán mọi thứ" Amazon, Shopify đã giành chiến thắng nhờ cung cấp công nghệ và năng lực tương tự cho các nhà bán lẻ cá nhân trong phạm vi kiểm soát lớn hơn.
Các nhà bán lẻ, từ doanh nghiệp bán đồ trang điểm triệu đô của Kylie Jenner đến các cửa hàng trực tuyến nhỏ lẻ, đều có thể sử dụng công cụ của Shopify để xây dựng trang web, đăng tải sản phẩm và thu tiền – tất cả đều dưới tên miền và thương hiệu riêng của họ. Hầu hết các đơn vị bán hàng có mức chi trên 40 tỉ USD trong tổng số 800.000 thành viên của Shopify vào năm ngoái không hề biết mình đang giao dịch với một doanh nghiệp Canada.
Lütke cho biết: "Không hề có bất kỳ dòng chữ "do Shopify cung cấp" nào. Chúng tôi xây dựng thương hiệu đằng sau thương hiệu của người dùng." Vào năm 2014, Shopify từng chỉ là một dự án phụ trong cửa hàng bán ván trượt trực tuyến của Lütke.
Vượt khỏi biên giới Thung lũng Silicon
Quyết định không xây dựng Shopify trong Thung lũng Silicon là chủ ý của Lütke. Từ lâu trước đây, Lütke đã không hứng thú với sức hút của Vùng Vịnh San Francisco, và không đánh giá cao trận chiến tranh giành tài năng và tài sản đắt đỏ ở đây.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng Shopify không có tham vọng kiểu Thung lũng Silicon. Công ty vừa bắt đầu tiến hành quá trình chuyển đổi đầy khó khăn từ một doanh nghiệp trực tuyến sang thế giới thực sau khi ra mắt hệ thống đáp ứng nhu cầu kho bãi và logistics của các đơn vị bán hàng, tương tự như Amazon.
Lütke đã "ôm mộng" xử lý vấn đề logistics trong nhiều năm. Những doanh nghiệp nhỏ chiếm phần đông trong lực lượng bán hàng trên Shopify. Đối với họ, việc giao hàng và lưu trữ hàng tồn kho là một vấn đề nan giải, đặc biệt là khi Amazon với những đơn hàng được giao chỉ trong 1-2 ngày đã đẩy mức độ mong đợi của người tiêu dùng lên cao.
Lütke cho biết: "Điều chúng tôi thực sự muốn làm là trao năng lực này cho những người không thuộc gia tộc Jenner và Kardashian. Nếu không có ai làm điều này, thì chỉ có những doanh nghiệp lớn mới được hưởng lợi."
Tuy nhiên, những "quan sát viên" trong ngành công nghệ cho rằng động thái mới của Shopify đã đẩy công ty vào trận chiến khó nhằn với Amazon – một trận chiến rất ít công ty thương mại điện tử tham chiến và giành chiến thắng.
Hiện nay, các đơn vị bán hàng trên Shopify có thể sử dụng nền tảng này để bán hàng sang thị trường cũng như trang web của Amazon. Tuy vậy, trọng tâm trong kế hoạch của Shopify là giúp các nhà bán lẻ xây dựng cửa hàng trực tuyến và duy trì mối quan hệ gần gũi với khách hàng, thay vì giúp họ sử dụng danh sách mẫu của Amazon.
Lütke không coi Shopify là đối thủ của Amazon. Thay vào đó, với ông, công ty là "nhà máy cho các đối thủ của Amazon."
Ngoài thách thức từ Amazon, tương lai của nguồn thu nhập hiện tại của Shopify cũng tạo ra khá nhiều áp lực. Cụ thể là thương mại điện tử trên các nền tảng truyền thông xã hội như Instagram và Pinterest. Phương thức này được coi là tối quan trọng đối với việc phát triển bán lẻ trực tuyến ngoài Amazon. Và vai trò của phương thức này cũng ngày càng quan trọng đối với Shopify.
Lütke cho biết: "Instagram là véc tơ tăng trưởng phi thường đối với các doanh nghiệp nhỏ. Đây là một cách giới thiệu sản phẩm tuyệt vời mà Amazon không làm được."
Tuy nhiên, phương thức này tồn tại một trở ngại, đó là bản thân Facebook cũng đang xúc tiến tiến hành thương mại điện tử, từ tạo ra Instagram Checkout cho phép người dàng mua sản phẩm mà không cần thoát ứng dụng, tới dự án tiền số Libra đầy tham vọng.
Tuy vậy, Lütke vẫn đặt cược rằng một lượng lớn người dùng Instagram sẽ vẫn lựa chọn xây dựng cửa hàng trên Shopify dù Facebook sở hữu một vài bước trong chuỗi mua bán.
Lütke không phải là không có tính hiếu thắng. Ông cho biết mình rất bất ngờ khi có không nhiều đối thủ chú ý tới Shopify dù công ty này cung cấp dịch vụ tương tự, kể cả khi công ty đạt được mức tăng trưởng nhanh chóng trong một vài năm.
Lütke chia sẻ: "Đôi khi, tôi muốn có một đối thủ vì khi đó điều hành công ty sẽ dễ dàng hơn bởi bạn không phải dựa quá nhiều vào động lực nội tại. Bạn có thể chỉ cần chỉ vào ai đó và bảo ‘Này, họ muốn chúng ta chết!’ – và đó sẽ là một động lực mạnh."