Ít vốn, có nên chung tiền để đầu tư bất động sản?
Đây là vấn đề mà nhiều người trẻ hay có mức vốn mỏng nhưng có nhu cầu đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, làm thế nào để đầu tư theo hình thức góp vốn hiệu quả, an toàn?
- 01-11-2021Đi tìm liều vacxin cho sale bất động sản hậu Covid-19
- 01-11-2021"Xuống tiền" đầu tư BĐS ở đâu trong thời điểm này?
- 31-10-2021Nhà đầu tư lâu năm sẽ tích cực “săn hàng” sau dịch
Chỉ cần khoản tiền nhỏ cũng có thể đầu tư
Tại talkshow "Chiến lược cho nhà đầu tư bất động sản trong giai đoạn mới" do CafeLand tổ chức mới đây, các chuyên gia cũng đã đưa ra câu trả lời cho băn khoăn này của các nhà đầu tư trẻ.
Theo TS. Diệp Gia Hoàng - Giám đốc tư vấn và quản lý danh mục đầu tư Aura Capital, góp vốn mua chung bất động sản là một cách thức đầu tư dành cho những người ít vốn muốn tham gia đầu tư bất động sản. Người mua có thể góp vốn cùng bạn bè, anh em, đồng nghiệp để đầu tư. Cách thức này cũng rất thích hợp trong nền kinh tế 4.0 là nền kinh tế chia sẻ, chia sẻ những cơ hội đầu tư cho nhau.
Ông Hoàng cho biết, ưu điểm của hình thức góp vốn đầu tư này là bạn chỉ cần một khoản tiền nhỏ là cũng có thể đồng sở hữu đất. Khi góp vốn mua chung đất, sẽ tồn tại 2 trường hợp:
Thứ nhất, số tiền góp vốn của các bên là bằng nhau khi đó quyền lợi sẽ như nhau.
Thứ hai, số tiền góp vốn chênh lệch người ít, người nhiều sẽ dễ phát sinh tranh chấp về lợi ích. Trên thực tế cũng có không ít trường hợp bạn bè, người thân góp tiền mua chung đất đã không thể nhìn mặt nhau do phát sinh tranh chấp về việc khai thác hoặc định đoạt “số phận” mảnh đất đó.
Theo TS Hoàng, để tránh được rủi ro, tranh chấp, mâu thuẫn sau này, cần phải ký cam kết một bản thỏa thuận chung bởi nguồn vốn góp của mỗi cá nhân và nhu cầu là khác nhau. Khi góp vốn chung thì cũng giống như việc góp cổ phần, phải lập hợp đồng thỏa thuận cụ thể giữa các bên về phần đóng góp, tỷ lệ sở hữu của mỗi bên, các vấn đề về quản lý, phân chia đất, chia lợi nhuận, định đoạt tài sản chung,.... tránh tình trạng người tham gia nửa chừng rút vốn, tranh chấp quyền lợi.
Đồng quan điểm với ông Hoàng, Th.S Hồ Bá Tình - Chuyên gia tài chính cho biết, đã nói đến đầu tư chung thì trước tiên phải có sự tin tưởng lẫn nhau. Bên cạnh đó, đây là cách thức đầu tư mà những người trẻ hiện nay có thể tham gia đầu tư bất động sản. Mỗi người có một thế mạnh riêng, người thì am hiểu thị trường, người thì bỏ công sức hoặc tài chính, có mối quan hệ,... kết nối với nhau để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Về vấn đề pháp lý, ông Tình chia sẻ: “Hiện nay có nhiều cách để hạn chế được rủi ro cho những người góp vốn mua chung bất động sản. Những người tham gia có thể đứng đồng sở hữu trên sổ đỏ, sau này khi chuyển nhượng thì phải có sự đồng thuận của các thành viên để có thể bán được”.
Ông Tình nhấn mạnh thêm: “Đây là cách thức đầu tư mà người ít vốn có thể tham gia khi muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường bất động sản”.
Tuyệt đối không giao kèo miệng
Chia sẻ kỹ hơn về vấn đề này với PV, luật sư Nghiêm Quang Vinh - Giám đốc công ty Luật Nghiêm Quang (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, việc góp vốn mua chung nhà đất hoàn toàn là chuyện bình thường và đảm bảo an toàn nếu các bên nắm vững quy định pháp luật.
Nhưng hiện nay, rất nhiều người vẫn còn mơ hồ, hiểu sai về pháp lý khi góp tiền mua chung đất và chỉ để một người đứng tên. Trong khi đó lại không lập văn bản ghi nhận tỷ lệ góp vốn. Do vậy, rất dễ phát sinh tranh chấp về sau, người góp vốn chung không có tên trong sổ đỏ có thể mất trắng nếu người kia có ý định lừa đảo.
Nhiều trường hợp mua chung dẫn tới mất trắng tài sản hoặc tranh chấp. (ảnh minh họa)
Vị luật sư cho biết, thực tế hiện không thiếu những trường hợp góp tiền mua đất chung. Sau đó, khi xảy ra tranh chấp hoặc lừa đảo mất trắng lại phải đưa nhau ra tòa giải quyết. Do đó, khi xác định góp vốn chung nhà đầu tư cần lưu ý những nội dung sau:
Thứ nhất, trong trường hợp góp vốn mua chung đất nhưng chỉ một người đứng tên trên sổ đỏ thì về mặt pháp lý thửa đất đó là tài sản riêng của họ. Do đó, người góp vốn không đứng tên trên sổ đỏ rất dễ mất trắng tài sản. Nếu có bằng chứng để chứng minh có góp vốn cùng thì thời gian để xác thực cũng rất lâu và thủ tục rắc rối.
Thứ hai, trong trường hợp 2 hay nhiều người góp tiền mua chung đất và cùng đứng tên sổ đỏ, dưới hình thức đồng sở hữu thì cần lập văn bản rõ ràng về tỷ lệ góp vốn và có công chứng theo quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo có cơ sở chia lợi nhuận, tránh tranh chấp về sau.
Thứ ba, trường hợp một nhóm người cùng rủ nhau mua chung thì có thể căn cứ vào khoản 3 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, Nhà nước cho phép người mua chung nhà đất đều được đứng tên trong sổ đỏ, cụ thể như sau:
Trường hợp thửa đất có nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận được cấp cho từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sau khi đã xác định được quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của từng người.
Trên mỗi Giấy chứng nhận ghi thông tin đầy đủ về người được cấp Giấy chứng nhận theo quy định; tiếp theo ghi "Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với... (ghi lần lượt tên của những người còn lại có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)".
Trường hợp thửa đất có nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất mà có thỏa thuận bằng văn bản cấp một Giấy chứng nhận cho người đại diện (có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật) thì Giấy chứng nhận được cấp cho người đại diện đó. Trên Giấy chứng nhận ghi thông tin của người đại diện theo quy định, dòng tiếp theo ghi "Là người đại diện cho những người cùng sử dụng đất (hoặc cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cùng sử dụng đất và cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất) gồm:... (ghi lần lượt tên của những người cùng sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất)".
Qua đó, luật sư Vinh cũng khuyến cáo, khi tham gia đầu tư chung người dân cần tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật. Tuyệt đối không chỉ giao kèo bằng miệng mà cần các văn bản rõ ràng và có công chứng theo quy định pháp luật.