Italy siết chặt thêm các quy định nhập cư và tị nạn
Chính phủ Italy hôm qua (24/9) đã thông qua một bộ Luật mới gồm nhiều quy định vô cùng cứng rắn đối với người tị nạn.
- 27-08-2018Bất đồng vấn đề nhập cư, liệu có nguy cơ Italy rời EU?
- 30-05-2018Italy có thể là Hy Lạp tiếp theo, chỉ có điều tệ hơn
- 30-05-2018Vì sao những diễn biến ở Italy lại khiến thị trường tài chính quốc tế khiếp sợ?
Luật mới được chính phủ Italy thông qua hôm 24/9 bao gồm nhiều điều khoản mới siết chặt điều kiện tị nạn và nhập cư vào Italy. Tác giả của bộ luật này là Bộ trưởng Nội vụ Italy, Matteo Salvini, người nổi tiếng vì các quan điểm chống người nhập cư từ khi lên nhậm chức vào tháng 3/2018.
Người tị nạn châu Phi tìm mọi cách đến châu Âu với hy vọng đổi đời. Ảnh minh họa: Reuters.
Nội dung chính xác của luật mới sẽ được công bố ngay sau khi Tổng thống Italy, ông Sergio Mattarella ký lệnh ban hành. Tuy nhiên, theo báo chí Italy, luật mới có 3 điểm đáng chú ý.
Thứ nhất, Italy sẽ bãi bỏ việc cấp “thẻ cư trú nhân đạo”, trước đây quy định là ở mức 25% tổng số những người xin tị nạn, thay vào đó là các thẻ cư trú đặc biệt chỉ dành cho những trường hợp được cho là “rất xứng đáng”.
Tiếp theo, chính phủ Italy cũng sẽ đẩy mạnh việc trục xuất ngay lập tức những người tị nạn phạm tội, dù là lần đầu tiên. Ngoài ra, người xin tị nạn sẽ bị treo hồ sơ ngay lập tức ở bất cứ thời điểm nào được coi là “nguy hiểm” đối với an ninh và trật tự xã hội của Italy.
Điểm đáng chú ý cuối cùng, đó là Italy sẽ bãi bỏ các “Trung tâm bảo vệ người xin tị nạn” (Sprar), vốn được lập ra trên khắp Italy và chỉ dành các trung tâm này để tiếp nhận những người tị nạn là trẻ em không có người lớn đi cùng.
Để bảo vệ cho luật mới, Bộ trưởng Nội vụ Italy, Matteo Salvini cho rằng luật này “sẽ giúp Italy an toàn hơn, đồng thời đấu tranh với các nhóm mafia buôn người hiệu quả hơn”. Tuy nhiên, đa số các đảng phái và hiệp hội tại Italy đều lên tiếng phản đối và cho rằng luật mới này có nhiều tính chất bài ngoại và cực đoan.
Đảng “Phong trào 5 sao” nằm trong chính phủ liên minh cũng lên tiếng phản đối và yêu cầu đưa luật này ra Quốc hội Italy để điều chỉnh./.
VOV