MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Jack Ma đối thoại với doanh nhân Việt Nam: Tôi đến đây không phải để cạnh tranh mà để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ

06-11-2017 - 12:05 PM | Tài chính quốc tế

Jack Ma - nhân vật có ảnh hưởng rất lớn đến ngành thương mại điện tử thế giới, ông chủ của tập đoàn có giá trị vốn hóa 570 tỷ USD sẽ chia sẻ các kinh nghiệm thúc đẩy nền kinh tế không dùng tiền mặt và thanh toán di động.

Sáng nay (6/11), tại khách sạn JWMarriott (Hà Nội), tỷ phú Jack Ma – nhà sáng lập của tập đoàn thương mại điện tử nổi tiếng thế giới Alibaba – đã có mặt tại hội thảo Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam do báo điện tử VnExpress và CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức với chủ đề bao trùm là “Mobile Payment - nhân tố thúc đẩy nền kinh tế không tiền mặt”.

Đây là sự kiện thu hút rất đông người tham dự với gần 700 đại diện cộng đồng doanh nhân, chủ yếu là giới ngân hàng, tài chính và các công ty công nghệ, công ty cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến và cả cộng đồng startup. Và Jack Ma - nhân vật có ảnh hưởng rất lớn đến ngành thương mại điện tử thế giới, ông chủ của tập đoàn có giá trị vốn hóa 570 tỷ USD sẽ chia sẻ các kinh nghiệm thúc đẩy nền kinh tế không dùng tiền mặt và thanh toán di động.

Tham gia phiên đối thoại này cùng với Jack Ma còn có ông Eric Jing - giám đốc điều hành Ant Financial ,công ty mẹ của AliPay. Chủ tịch tập đoàn FPT Trương Gia Bình là người điều phối.

Đúng 11h36, ông Jack Ma xuất hiện trên sân khấu.

Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và người trẻ

Ông Trương Gia Bình mở đầu bằng câu hỏi về cuộc gặp giữa Jack Ma với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thống đốc NHNN sáng nay. "Ông có chia sẻ về cuộc cách mạng thanh toán điện tử. Ông có thể hỗ trợ như thế nào cho các đơn vị Việt Nam trong thực hiện cuộc cách mạng đó?", ông Bình đưa ra câu hỏi.

Jack Ma trả lời rằng: "Khi bắt đầu xây dựng Alibaba, chúng tôi không có nhiều mối quan hệ với các ngân hàng, Chính phủ để cạnh tranh với người khác. Tôi nói với các cộng sự rằng các bạn đừng chờ 10 năm nữa. Hãy bắt đầu ngay từ bây giờ. Sau 10 năm nữa chúng ta không cạnh tranh được đâu, bắt đầu ngay từ giờ thì cơ hội trong tương lai rất tốt. Chúng tôi tin tưởng sau 10 năm chúng tôi sẽ chiến thắng, Alibaba đã làm như thế".

Theo ông, muốn thành công phải bao trùm, bao hòa tất cả mọi người. Cần đảm bảo tất cả người trẻ đều được trao cơ hội. Hệ thống tài chính thế giới nay vẫn là tàn dư của cái cũ. Hiện nay trong nền kinh tế toàn cầu chỉ có 20% là các doanh nghiệp lớn - những doanh nghiệp thành công, 80% còn lại là doanh nghiệp nhỏ - chưa thành công. Vì thế phải tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, hỗ trợ người trẻ. Đó chính là mục đích của thanh toán điện tử, để sao cho vấn đề thanh toán di động thúc đẩy tài chính bao trùm.

"Tôi đi thăm đường phố, thấy nhiều người trẻ, thanh niên. Họ có trong tay nhiều tiền, hơn tôi ngày xưa. Làm sao mà có thể bỏ thật nhiều tiền vào trong 1 cái ví mà tiêu. 54% dân số Việt Nam đã dùng điện thoại di động rồi, nhưng vừa dùng di động vừa dùng tiền mặt là không tốt. Xã hội phi tiền mặt đang tới rất gần rồi".

Nếu phải đi tù vì AliPay, tôi sẽ là người đầu tiên

Nói về AliPay là công ty cung cấp dịch vụ thanh toán di động của Alibaba và là ví dụ tiêu biểu cho chủ đề thảo luận ngày hôm nay, Jack Ma chia sẻ cách đây 14 năm, khi ông nảy ra ý tưởng về AliPay, có người nói với ông rằng điều đó là không thể vì người dân Trung Quốc không có thẻ tín dụng, họ rất thích tiền mặt, thích nhìn thấy tận mắt thì mới mua, rằng ý tưởng này khó thực hiện được lắm.

"Nhưng tôi nói với đội của tôi rằng cứ làm đi, nếu chúng ta làm AliPay, nếu chúng ta thất bại, nếu có ai phải đi tù vì chuyện này thì tôi sẽ đi đầu tiên, tôi sẵn sàng làm điều đó", Ma nói. "Nhưng tôi cũng nói rằng, nếu tôi mà vào tù thì cậu này sẽ là người thứ 2, cậu kia sẽ là người thứ 3", lời nói đùa của Ma khiến cả hội trường phải bật cười.

Ma triết lý nếu muốn giải quyết vấn đề thì luôn luôn có con đường, luôn luôn có cách thức. Muốn làm là làm được, nếu không muốn làm thì cũng có cả triệu lý do để không làm.

Trả lời câu hỏi cần thay đổi tư duy thế nào để hệ sinh thái thanh toán di động phát triển?", ông Eric, CEO của Ant Financial là công ty mẹ của AliPay chia sẻ ban đầu khách hàng rất hoài nghi về mức độ an toàn, bảo mật... nhưng Alibaba vẫn làm và đã vượt qua những rào cản ban đầu, để rồi xây dựng được niềm tin từ người tiêu dùng, thay đổi thói quen, hành vi của họ trong thanh toán trực tuyến.

Để thay đổi tư duy, ông Eric cho rằng rất cần môi trường chính sách hỗ trợ từ cơ quan quản lý. Hiện ở Việt Nam 50% dân số sử dụng điện thoại thông minh, yếu tố này cần được tận dụng để giúp khơi gợi sáng tạo, khởi nghiệp trong doanh nhân.

Bên cạnh đó, cũng cần tận dụng, sử dụng công nghệ để khiến khách hàng thấy thoải mái, tin cậy với dịch vụ.

Alibaba tới Việt Nam không phải để cạnh tranh

Trong phần trao đổi giữa Jack Ma với các chuyên gia, doanh nghiệp có mặt tại hội thảo, Thành viên trong Tổ tư vấn của Chính phủ Vũ Viết Ngoạn đặt câu hỏi dành cho Jack Ma: Với sự thống trị của những công ty công nghệ hàng đầu, liệu có còn dư địa, đất sống cho doanh nghiệp nhỏ và các startup hay không?

Jack Ma chia sẻ trước đây ông hay kêu ca về chuyện bị người này người kia lấy mất cơ hội. Tuy nhiên, thực tế, cơ hội lớn lao vẫn còn cho tất cả mọi người. Lớn như Alibaba cũng vẫn gặp phải những vấn đề chưa từng gặp phải. Thời đại internet mới chỉ vừa bắt đầu mà thôi. Và Chính phủ các nước cần quan tâm tới 30 năm tới, những người trẻ dưới 30 tuổi, những doanh nghiệp có dưới 30 nhân công.

Nhà sáng lập của Alibaba nhận định cơ hội phát triển thanh toán điện tử ở Việt Nam là rất lớn. "Cách đây 10 năm, vào năm 2006, có ý kiến cho rằng Việt Nam sẽ là Trung Quốc tiếp theo. Tôi đã sang Việt Nam vào năm 2006 đó và khá thất vọng, nghĩ Việt Nam còn mất nhiều thời gian đấy. Nhưng trong chuyến đi lần này thì cảm nhận khác, Việt Nam là đất nước có rất nhiều cơ hội.

Ma nói: "Chúng tôi đã may mắn sống sót và tăng trưởng là nhờ học được bài học đến quốc gia nào đó không phải là chiếm lĩnh thị trường mà là hỗ trợ cho các doanh nghiệp bản địa. Alibaba đến Việt Nam không phải để làm ăn mà giúp các doanh nghiệp nhỏ phát triển tại thị trường nội địa và vươn ra bên ngoài, đặc biệt là hoạt động xuất nhập là lĩnh vực mà chúng tôi muốn làm.

"Chúng tôi không cạnh tranh mà tạo điều kiện nâng đỡ các bạn từ đó chúng tôi vẫn có lợi ích".

Kim Tiền - Thu Hương

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:
Trở lên trên