MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Jeff Bezos: Từ con số 0 đến tỷ phú thế giới, áp dụng quy tắc ‘ngược đời’...nhưng ai nắm vững là khởi nghiệp ‘ngon lành’

30-12-2022 - 16:44 PM | Tài chính quốc tế

Jeff Bezos: Từ con số 0 đến tỷ phú thế giới, áp dụng quy tắc ‘ngược đời’...nhưng ai nắm vững là khởi nghiệp ‘ngon lành’

Amazon là một trong những công ty có giá nhất thế giới. Đằng sau sự thành công của gã khổng lồ công nghệ là nhờ bộ óc thiên tài của Jeff Bezos.

Sau khi tiên đoán rằng ngành thương mại điện tử sẽ phát triển, tỷ phú Jeff Bezos đã thành lập Amazon với vai trò là công ty bán lẻ sách trực tuyến vào năm 1994.

Là đơn vị tiên phong về phát triển kỹ thuật số cũng như tập trung vào trải nghiệm khách hàng, Amazon - nơi bán “tất tần tật” đã trở thành một trong những công ty có giá trị vốn hóa thị trường, doanh thu và danh tiếng thương hiệu cao nhất thế giới. Tất cả là nhờ phong cách lãnh đạo và chiến lược tài tình của Jeff Bezos.

Jeff Bezos: Từ con số 0 đến tỷ phú thế giới, áp dụng quy tắc ‘ngược đời’...nhưng ai nắm vững là khởi nghiệp ‘ngon lành’ - Ảnh 1.

Bezos đã từ chức chủ tịch và CEO của Amazon vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, ông vẫn là chủ sở hữu của công ty hàng không vũ trụ Blue Origin cũng như tờ báo The Washington Post. Giá trị tài sản ròng của Bezos ước tính khoảng 122 tỷ USD.

Vị tỷ phú đã đi từ con số 0 đến một trong những người giàu nhất thế giới như thế nào? Các chuyên gia tin rằng phong cách lãnh đạo khác biệt của ông liên quan đến thành công này.

Bí kíp 14 nguyên tắc

Amazon nổi tiếng bởi có 14 nguyên tắc vận hành giúp gây dựng nền tảng công ty cũng như chuẩn bị cho quá trình đưa ra quyết định. Các nguyên tắc bao gồm: tập trung vào sở thích/mong muốn của khách hàng (insight), sáng tạo mới và đơn giản hóa, ưu tiên hành động, luôn có “xương sống” cho mọi dự án, luôn biết phản biện, cam kết hiệu suất, cùng nhiều nguyên tắc khác. Jeff Bezos tin rằng một bộ nguyên tắc nghiêm túc sẽ giúp có được thành công lâu dài.

Can đảm, tò mò và đặt khách hàng lên hàng đầu

Ông Sydney Finkelstein, giáo sư Đại học Dartmouth, chủ podcast kinh doanh "The Sydcast", đã nói với Insider rằng Bezos đã làm đúng rất nhiều điều. Ông cũng nói: “Triết lý bất thành văn của Bezos là lòng dũng cảm và sự tò mò. Tôi thấy đó là dấu hiệu của hầu hết các nhà lãnh đạo vĩ đại mà tôi được làm việc hoặc học tập cùng”.

Trong một cuộc phỏng vấn với Insider vào năm 2018, Bezos nói rằng quãng thời gian ở trang trại của ông bà đã dạy cho vị tỷ phú một bài học "cực kỳ quan trọng" về cách xoay sở trước mọi tình huống. "Nếu có một vấn đề, chắc chắn sẽ có giải pháp tương ứng" ông nói.

Finkelstein cho rằng cách “xoay sở nhanh” này của Bezos thể hiện ở sự tò mò. Ông luôn hiếu kỳ với những cái mới và liên tục phát triển những ý tưởng đa dạng và cải tiến hơn. Đây chính là chìa khóa cho sự phát triển của Amazon.

Một ví dụ điển hình là Bezos luôn duy trì địa chỉ email Jeff@amazon.com. Ông sẽ chuyển tiếp phản hồi của khách hàng đến các giám đốc điều hành có liên quan để có phương án điều chỉnh phù hợp.

Vì vậy, Amazon luôn được xếp ở vị trí đầu hoặc gần đầu trong các cuộc khảo sát mức độ hài lòng của khách hàng được Đại học Michigan tổ chức hàng năm. Bezos khẳng định mình và công ty không tập trung vào phần “nhìn” mà quan tâm tới trải nghiệm tốt nhất của khách hàng.

Xây dựng đoàn đội thông minh và luôn là ‘ngày đầu tiên’

Một trong những thách thức của Bezos là Amazon có đội ngũ quản lý cao cấp rất tài năng. Ông cần cân bằng giữa họ và mong muốn cá nhân của mình.

Bezos đã lãnh đạo Amazon bằng cách trao nhiều quyền hạn cho đội ngũ quản lý. Ông sẵn sàng tiếp thu ý kiến của người khác kể cả khi ý tưởng đó không đúng. Nếu họ tranh luận đủ tốt, Bezos sẽ chấp nhận, và nếu sai các ý tưởng vẫn sẽ được thực hiện dưới quyền kiểm soát của ông.

Finkelstein nói thêm rằng Amazon đã tận dụng "cách điều hành" này để đa dạng hóa các dịch vụ của mình, chẳng hạn như mở rộng sang lĩnh vực phát trực tuyến với Amazon Prime hay dịch vụ giao đồ ăn của nhà hàng Amazon. Khi nhà hàng Amazon không hoạt động tốt, Bezos sẽ cho đóng cửa. Việc này tốn một khoản tiền lớn nhưng ông không ngại điều đó.

Việc xây dựng đội ngũ quản lý phù hợp cũng như điều hành công ty theo chiến lược “ngày đầu tiên” là một phần quan trọng để tạo nên sự thành công của vị tỷ phú.

Finkelstein cho biết: “Khi các công ty có quy mô lớn hơn, thành công hơn và có nhiều thứ để mất hơn, họ sẽ có xu hướng trở nên bảo thủ và sợ hãi trước những quyết định phá cách. Chính bởi vậy, nước đi “dám nghĩ-dám làm-dám chịu rủi ro”, vận hành như một công ty khởi nghiệp chính là một nước đi khôn ngoan.

Bezos luôn điều hành công ty như 1 start-up, chẳng hạn như tiết kiệm mọi chi phí. Tại đây, công ty sẽ không cung cấp phòng nghỉ hay bữa ăn miễn phí như một số công ty công nghệ khác. Điều này thúc đẩy Amazon có văn hóa đổi mới và sáng tạo hàng ngày.

Tập trung vào các mục tiêu đo lường được

Jeff Bezos luôn tập trung vào “việc đo lường” để làm cơ sở cho các quyết định. Amazon theo dõi hiệu suất của mình dựa trên khoảng 500 mục tiêu có thể đo lường được (chữ M trong mô hình SMART). 80% trong số đó liên quan tới insight của khách hàng.

Amazon tập trung vào việc cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng và độ khắt khe về mặt kỹ thuật. Ví dụ: trễ 0,1 giây trong quá trình tải trang tương đương với việc giảm 1% trong hoạt động của khách hàng, theo dữ liệu từ một bài báo năm 2012 của Forbes về Jeff Bezos. Vì vậy các nhân viên cần làm việc cẩn thận để tăng tốc độ truy cập.

Mô hình ‘two pizza'

Jeff Bezos: Từ con số 0 đến tỷ phú thế giới, áp dụng quy tắc ‘ngược đời’...nhưng ai nắm vững là khởi nghiệp ‘ngon lành’ - Ảnh 2.

Tỷ phú Bezos được cho là không tổ chức các cuộc họp trừ khi chúng thực sự cần thiết. Khi không thể tránh khỏi, ông sẽ áp dụng quy tắc “hai chiếc bánh pizza". Ông chỉ tổ chức một cuộc họp với số người tương ứng với số miếng của 2 chiếc pizza. Điều này là vì ông tin rằng cuộc họp càng có nhiều người thì hiệu quả càng kém. Và "Amazon không có văn hóa sử dụng Powerpoint", Bezos nói. Các cuộc họp sẽ áp dụng biên bản dài 6 trang có cấu trúc tường thuật.

Sức mạnh của “ngõ cụt”

Một văn hóa của Amazon là luôn tiếp cận và tìm cách cải thiện những dự án tưởng chừng sẽ đi vào ngõ cụt. Ví dụ, một ý tưởng đang đi vào ngõ cụt nhưng nếu một số khách hàng đón nhận ý tưởng này, ngõ cụt đó sẽ trở thành một đại lộ rộng lớn và phá cách. Lý thuyết này dựa trên niềm tin của Bezos trong việc tập trung vào những gì khách hàng muốn hơn là những gì nhiều đối thủ khác đang làm.

Chiến lược này từng tạo thất bại như việc ra mắt chiếc smartphone Amazon Fire nhưng chỉ tồn tại trong 1 năm và tiêu tốn 170 triệu USD. Tuy nhiên, nó cũng đem về không ít thành công, nổi bật nhất là dịch vụ điện toán đám mây Amazon Web Services (AWS). Năm ngoái, AWS đạt doanh thu hơn 62 tỷ USD.

Tham khảo: BI

Thùy Bảo

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên