JLL: Mô hình văn phòng linh hoạt đang 'lớn' nhanh tại Việt Nam
Các loại hình không gian làm việc linh hoạt phổ biến nhất là không gian làm việc chung và văn phòng dịch vụ - cả hai loại hình trên đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam.
Theo đánh giá của JLL, không gian làm việc linh hoạt là tên gọi cho những loại không gian làm việc được sử dụng bởi các khách thuê, tính linh hoạt của loại hình này được thể hiện qua thời gian thuê ngắn và trung hạn nhằm tiết kiệm chi phí. Mô hình này vượt ra khỏi khái niệm văn phòng truyền thống thiên về không gian làm việc tách biệt.
Các loại hình không gian làm việc linh hoạt phổ biến nhất là không gian làm việc chung và văn phòng dịch vụ - cả hai loại hình trên đang dần cải thiện sản phẩm và dịch vụ của mình bằng việc cung cấp dịch vụ theo mô hình lai, có thể dung hòa khu vực làm việc chung và văn phòng riêng. Trong khi các mô hình không gian làm việc chung cung cấp nhiều phòng làm việc riêng hơn, các văn phòng dịch vụ đang dần trang bị khu vực làm việc chung.
Tại TP.HCM, một số đơn vị điều hành không gian làm việc chung nổi bật bao gồm Toong, Dreamplex, Circo, Workyos và UP. Tương tự, các đơn vị điều hành văn phòng dịch vụ điển hình có thể kể đến như Regus, Kloud và CEO Suites.
Theo JLL, thị trường không gian linh hoạt của Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn sơ khởi mặc dù văn phòng dịch vụ đầu tiên - Regus, bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1999. Cùng với sự bùng nổ không gian linh hoạt tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, bắt đầu tại Singapore vào khoảng năm 2016, nguồn cung tại Việt Nam đã tăng vọt từ năm 2017 với nhiều nhà khai thác địa phương bắt đầu mở cửa cho người dùng.
Tại Việt Nam, từ năm 2018 thị trường đã chào đón đơn vị điều hành khác như Kloud, CEO Suites, The Executive Center và đặc biệt WeWork sẽ mở trụ sở đầu tiên vào tháng 12/2018. "Chúng tôi nhận thấy có sự khác biệt trong yêu cầu về diện tích của đơn vị điều hành quốc tế và trong nước. Trong khi các đơn vị điều hành trong nước có xu hướng tìm các không gian linh hoạt ở các tòa nhà Hạng B hoặc thấp hơn, các đơn vị điều hành quốc tế thường tìm kiếm các tòa nhà chất lượng cao hơn có thể đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn của họ", báo cáo JLL cho hay.
Cũng theo JLL, hiện tại, nhu cầu về không gian linh hoạt chủ yếu đến từ các công ty khởi nghiệp có nhu cầu thuê văn phòng ngắn hạn hoặc thời gian thuê linh hoạt cũng như các doanh nghiệp tìm kiếm vị trí văn phòng tạm thời.
Cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhờ nền kinh tế triển vọng cũng như sự hỗ trợ từ các chương trình hỗ trợ của chính phủ. Chúng tôi kỳ vọng những yếu tố hấp dẫn này của thị trường sẽ tiếp tục trong thời gian tới và nhu cầu về không gian linh hoạt tiếp tục theo quỹ đạo tăng trưởng trong tương lai.
Không gian linh hoạt thường được xem là câu trả lời cho bài toán thay đổi thói quen làm việc để tăng sự hợp tác và tinh thần sáng tạo. Ngoài ra, mô hình này là một lựa chọn kinh tế và linh hoạt hơn cho các công ty so với loại hình văn phòng truyền thống, do chi phí giảm thiểu từ việc chia sẻ không gian và cơ sở vật chất.
Mặc dù có những cơ hội nhưng mô hình không gian làm việc linh hoạt cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Với nguồn cung văn phòng Hạng A và Hạng B hiện tại đang hạn chế và nguồn cung dự kiến thấp trên thị trường TP.HCM, các đơn vị điều hành đã bắt đầu cân nhắc đến loại hình thay thế là nhà phố hoặc diện tích bán lẻ mới để thiết lập không gian làm việc linh hoạt của mình.
Ngoài ra, một đơn vị điều hành không gian làm việc chung đang gặp trở ngại trong việc giữ chân người thuê. Một số khách thuê ngắn hạn có xu hướng chuyển sang các không gian mới hơn trong khi các khách thuê lớn đang nâng thời gian thuê từ ngắn hạn lên trung và dài hạn. Việc thành lập cộng đồng các không gian làm việc chung có thể là giải pháp cho những thử thách này. Nhìn chung, miễn là người dùng không gian linh hoạt tiếp tục được hưởng lợi từ việc cộng tác và phát triển mối quan hệ với những người dùng khác, sẽ ít có khả năng họ chuyển sang các lựa chọn mới hơn.