Johnathan Hạnh Nguyễn muốn đầu tư nhà ga ở Tân Sơn Nhất
Ông trùm hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn đề xuất đầu tư nhà ga lưỡng dụng công suất 10 triệu lượt khách/năm tại sân bay Tân Sơn Nhất bằng vốn trong nước.
- 22-11-2016Thủ tướng đồng ý cho TP.HCM xây 2 cầu vượt cấp bách giảm ùn tắc ở sân bay Tân Sơn Nhất
- 21-11-2016TP.HCM: Tuyến metro nối sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đi ngầm trong lòng đất
- 17-11-2016Cận cảnh nhà xe "5 sao" hạng sang, có khu thương mại ở sân bay Tân Sơn Nhất
Công ty Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) vừa có văn bản đề xuất Bộ Giao thông Vận tải về việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng mở rộng hệ thống nhà ga hành khách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Cụ thể, IPP đề xuất thực hiện đầu tư xây dựng thêm một nhà ga hành khách công suất khoảng 10 triệu khách/năm tại sân bay này, góp phần nâng tổng công suất khai thác của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất lên 40-50 triệu khách/năm theo nhu cầu phát triển từ nay đến năm 2025. Vốn đầu tư 100% trong nước, không liên danh, liên kết với bất kỳ đối tác nước ngoài nào.
Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hiện trong tình trạng quá tải với khu vực làm thủ tục check in luôn đông hành khách - Ảnh: Hoàng Triều
Đề xuất của IPP xuất phát từ chủ trương của Chính phủ đã lên kế hoạch cho phép triển khai xây dựng một nhà ga lưỡng dụng với công suất khoảng 10 triệu khách/năm để giảm tải cho sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Nhưng với tốc độ phát triển như hiện nay, IPP nhận thấy nhà ga lưỡng dụng này vẫn chưa đủ công suất để phục vụ hành khách theo nhu cầu phát triển trong những năm tới.
Trước mắt, sân bay Tân Sơn Nhất vẫn cần phải được đầu tư, xây dựng, mở rộng thêm một hệ thống nhà ga hành khách với tổng công suất đạt khoảng 40-50 triệu khách/năm. Kết hợp với việc nâng cao năng lực khai thác sân đỗ máy bay và đường lăn cho đến khi sân bay quốc tế Long Thành được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2025.
Công ty IPP được biết đến là "đế chế" hàng hiệu của diễn viên Thuỷ Tiên và đại gia Johnathan Hạnh Nguyễn nắm quyền phân phối khoảng 60 thương hiệu hàng đầu trên thế giới tại Việt Nam. Đến nay, IPP đã tham gia khá nhiều hoạt động đầu tư vào hạ tầng hàng không và dịch vụ phi hàng không tại nhiều sân bay trong và ngoài nước.
Tại Việt Nam, IPP có cổ phần tại một số công ty phục vụ mặt đất và nắm các chuỗi cửa hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế Nội Bài , Đà Nẵng, TP HCM, Phú Quốc…. IPP cũng tham gia cung cấp dịch vụ phi hàng không tại sân bay Manila (Philippines), có thỏa thuận hợp tác với đơn vị điều hành sân bay Incheon (Hàn Quốc) về hỗ trợ điều hành hoạt động của các cảng hàng không tại Việt Nam… Năm 2015, IPP cũng từng đề xuất được nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc, trở thành nhà đầu tư chiến lược của Tổng công ty Càng hàng không Việt Nam (ACV)…
IPP là doanh nghiệp tư nhân có hơn 31 năm đầu tư và phát triển tại Việt Nam với tổng số 47 dự án có vốn đầu tư hơn 480 triệu USD. Cùng với chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh, chủ tịch IPP Johnathan Hạnh Nguyễn còn là người có ảnh hưởng lớn trong việc thiết lập đường bay chính thức giữa Việt Nam và Philippines trong thời gian Việt Nam còn khó khăn, chưa mở rộng quan hệ hợp tác với các nước.
Người lao động