Jones Lang Lasalle: Hàng tỷ USD đang chờ rót vào BĐS Việt Nam thông qua các thương vụ M&A
Theo nhận định của Jones Lang Lasalle (JLL) Việt Nam, mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bất động sản có thể sẽ tăng mạnh trong năm 2017 với hàng tỷ USD đang chờ rót vốn. Trong đó, TP.HCM sẽ là địa phương diễn ra nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập nhất trong thời gian tới.
- 17-01-2017Lộ diện thương vụ thâu tóm dự án lớn nhất của CapitaLand đầu năm 2017
- 17-12-2016Hưng Thịnh bỏ ra hơn 460 tỷ thâu tóm 2 dự án của BCCI
- 23-11-2016Gia đình ông Trương Anh Tuấn cùng một nhóm cổ đông đã thâu tóm Công ty Hoàng Quân
- 13-10-2016Nhờ thâu tóm dự án, những đại gia này đang trên con đường trở thành “ông lớn” địa ốc
Các chuyên gia nhận định thị trường bất động sản Việt Nam được hưởng lợi từ những yếu tố kinh tế vĩ mô phát triển ổn định cũng như Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng sẽ dẫn đến sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường nhiều hơn thông qua các thương vụ M&A. Các nhà đầu tư tham gia các thương vụ M&A hoặc liên doanh mới đây cũng có cái nhìn lạc quan hơn về thị trường bất động sản trong nước.
Mở đầu cho xu hướng này là việc tập đoàn Capitaland thông qua công ty con của mình ở Việt Nam ngay đầu năm 2017 đã thâu tóm một khu đất rộng lớn ngay trung tâm quận 1 để chuẩn bị đầu tư một dự án cao ốc.
Theo đó, CapitaLand sẽ nắm giữ 100% cổ phần khu đất có diện tích 0,6ha tại quận 1 với diện tích sàn xây dựng dự kiến là 106.000 m2. Tòa tháp này sẽ kết nối trực tiếp với tuyến tàu điện ngầm số 1 Bến Thành – Suối Tiên đang được xây dựng. Tòa tháp cũng có tầm nhìn trực diện ra sông Sài Gòn.
Dự án dự kiến sẽ khởi công quý đầu năm 2017 này và hoàn thành năm 2020, cùng thời điểm tuyến metro số 1 đi vào hoạt động. Trước đó, vào cuối năm 2016, CapitaLand cũng đã thâu tóm một dự án đang xây dựng dang dở do tập đoàn VRG đầu tư. Được biết, CapitaLand Việt Nam đang hướng tới việc thâu tóm thêm 2.000 – 2.500 căn hộ trong năm 2017 và có thể là thêm từ 1-2 dự án thương mại nữa với các đối tác.
Phát biểu trên tờ Straits Times, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn CapitaLand Lim Ming Yan chia sẻ: “Chúng tôi nhìn thấy nhiều cơ hội phát triển bất động sản tại Việt Nam. Vì thế, chúng tôi đang chuẩn bị để có chỗ đứng trên thị trường này. Tôi nghĩ Việt Nam có tiềm năng và xu hướng này sẽ tiếp diễn ít nhất 10 năm nữa".
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam đánh giá, năm 2017 các thương vụ mua bán, sáp nhập ngành bất động sản có thể tăng mạnh và đạt kỷ lục vì Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong khu vực và trên thế giới.
“Năm 2016 thị trường bất động sản đã ghi nhận nhiều vụ mua bán, sáp nhập lớn. Theo quan sát của JLL, năm tới, có hàng tỉ đô la Mỹ đang chờ cơ hội rót vốn vào thị trường địa ốc Việt Nam nhờ tình hình kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường kinh doanh ngày một cải thiện”, ông Stephen nói.
Bên cạnh đó, tình hình thu hút vốn FDI trong năm 2017 được kỳ vọng vẫn sẽ diễn biến tích cực. Và JLL dự báo FDI vào Việt Nam sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2016. Trong năm qua, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt khoảng 15,8 tỷ USD. Trong đó, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đứng thứ 3, tăng 12% so với năm trước.
Theo các chuyên gia tư vấn M&A, các thương vụ chuyển nhượng dự án bất động sản thường phức tạp, đòi hỏi phải hoàn thiện nhiều thủ tục nên cả bên bán lẫn bên mua đều không muốn công bố, trừ phi bên mua hoặc bên bán là các công ty niêm yết phải công bố thông tin theo quy định. Do đó, khả năng sẽ còn nhiều thương vụ khác chưa được công bố và theo các chuyên gia này, thị trường M&A bất động sản 2017 có thể sẽ có yếu tố bất ngờ đến từ các nhà đầu tư nước ngoài khác.
Trao đổi với báo giới, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cũng cho rằng năm 2017 này, khả năng trên thị trường bất động sản sẽ bùng nổ mạnh xu hướng mua bán các dự án và liên doanh-liên kết, cùng nhau phát triển dự án.
Còn theo Marc Townsend - Tổng Giám đốc CBRE Việt Nam, CBRE đã thực hiện nhiều thương vụ M&A trong năm 2016. Trong đó có một số thương vụ được ký kết M&A tại nước ngoài thông qua những chương trình xúc tiến đầu tư giữa các công ty BĐS trong nước. Các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản vẫn giữ vị trí số 1 trong nhiều thương vụ M&A với các dự án nhà ở phân khúc trung cao, tiếp đến là Singapore với các dự án khu đô thị cao cấp và Hàn Quốc với các dự án BĐS khu công nghiệp.
Theo quy định mọi thương vụ này đều chưa được công bố rộng rãi, tuy nhiên bắt đầu tư quý 2/2017 thị trường địa ốc TP.HCM sẽ chứng kiến nhiều cuộc thâu tóm giá trị khá lớn. Song song đó, năm 2017 cũng sẽ là thời điểm nhiều quỹ đầu tư nước ngoài thâm nhập thị trường BĐS thành phố thông qua việc liên kết, nhận chuyển nhượng các khu đất có vị trí đắc địa để đầu tư xây dựng dự án nhà ở cao cấp, trung tâm thương mại...
"Qua đó cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá khá tốt triển vọng thị trường BĐS Việt Nam. Yếu tố kinh tế vĩ mô đóng góp phần lớn cho xu hướng M&A hiện nay, bên cạnh hệ thống hạ tầng giao thông đã và đang được xây dựng khá khép kín, đồng bộ giúp kết nối với nhiều địa phương trong cả nước thông suốt", ông Marc nói thêm.