JPMorgan: Nga có thể sắp đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc như năm 1998
Các nhà kinh tế của JPMorgan Chase & Co. nói với khách hàng trong một báo cáo hôm thứ Sáu rằng, họ dự đoán GDP của Nga sẽ giảm 7% trong năm nay.
Theo các nhà kinh tế của JPMorgan, Nga đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tương tự hay thậm chí còn lớn hơn cuộc suy thoái năm 1998 từng khiến nước này vỡ nợ. Song, cuộc suy thoái này lại có những tác động không "ghê gớm" như thời điểm đó.
Vài ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, các nhà kinh tế bắt đầu đưa ra dự báo về nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới. Họ cũng cảnh báo rằng, triển vọng vẫn chưa thực sự chắc chắn và có thể sẽ phải điều chỉnh.
Các nhà kinh tế của JPMorgan Chase & Co. nói với khách hàng trong một báo cáo hôm thứ Sáu rằng, họ dự đoán GDP của Nga sẽ giảm 7% trong năm nay. Trước đó, Goldman Sachs và Bloomberg Economics ước tính mức giảm là khoảng 9%. Năm 1998, kinh tế Nga sụt giảm 5,3% trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ.
Tăng trưởng GDP của Nga kể từ vụ vỡ nợ năm 1998 và dự báo của JPMorgan trong năm 2022.
Nền kinh tế Nga đang gặp phải những thách thức lớn sau khi chính phủ các nước phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt về thương mại, tài chính, du lịch, đóng băng dự trữ của NHTW và loại bỏ nhiều ngân hàng khỏi hệ thống SWIFT. Nga đã nỗ lực "bảo vệ" nền kinh tế và thị trường bằng các biện pháp kiểm soát vốn, nâng gấp đôi lãi suất và đưa ra những động thái khẩn cấp khác. Tất cả những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của quốc gia này.
Các nhà kinh tế của JPMorgan - do Bruce Kasman làm nhóm trưởng, cho biết trong báo cáo của họ, các lệnh trừng phạt làm suy yếu 2 trụ cột thúc đẩy sự ổn định của Nga, đó là dự trữ ngoại tệ của NHTW và thặng dư tài khoản vãng lai. Nhóm các nhà kinh tế nói thêm: "Các biện pháp trừng phạt sẽ giáng đòn mạnh vào kinh tế Nga - vốn đang chuẩn bị rơi vào cuộc suy thoái sâu sắc."
Các nhà đầu tư cho biết dù mức độ ảnh hưởng của cuộc xung đột đến con người, địa chính trị lớn hơn những gì từng xảy ra năm 1998. Song, trong ngắn hạn thì đồng Rúp sụt giá ở mức độ nhỏ hơn và có khả năng giúp Nga ngăn chặn khả năng vỡ nợ, đặc biệt là nếu các quốc gia khác không áp lệnh trừng phạt với hoạt động xuất khẩu năng lượng của họ.
Diễn biến của đồng Rúp và lộ trình nâng lãi suất của NHTW Nga.
Tim Graf - trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô EMEA tại State Street Global Markets, cho hay: "Dài hạn mới là vấn đề đáng lo ngại hơn. Các biện pháp trừng phạt duy trì càng lâu, đặc biệt là nếu được mở rộng để ‘đánh’ cả vào hoạt động xuất khẩu khí đốt và dầu, thì Nga càng có khả năng trở thành một thị trường vốn không thể đầu tư trong nhiều năm tới."
Ông nói thêm: "Việc đồng tiền tệ sụt giá hiện nay chúng ta chứng kiến chắc chắn sẽ dẫn đến lạm phát, đặc biệt nếu nền kinh tế này đóng cửa với phần còn lại của thế giới. Không khó hình dung ra các kịch bản tiêu cực tương tự như thời kỳ sau năm 1998 ở trường hợp này."
Doanh thu từ dầu khí đã và đang là yếu tố "trợ lực" cho Nga, vì hoạt động bán và vận chuyển năng lượng không nằm trong danh sách bị trừng phạt của Mỹ và châu Âu. Các chính phủ khác lo ngại rằng áp lệnh trừng phạt với lĩnh vực này sẽ gây tổn hại đến nền kinh tế của họ nhiều hơn. Theo Bloomberg Economics, việc ngăn chặn hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga có thể khiến nền kinh tế nước này giảm khoảng 14% trong năm nay.
Tham khảo Bloomberg