JVC: Kỳ vọng lãi 2 tỷ đồng trong năm 2016
Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) sẽ thực hiện khôi phục niềm tin từ khách hàng, gây dựng lại thương hiệu công ty, tăng cường các dịch vụ hậu mãi.
CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (mã CK: JVC) công bố tài liệu họp ĐHCĐ thường niên năm 2016. Đại hội sẽ được tổ chức vào ngày 30/9 tới.
Trình kế hoạch lãi 2 tỷ đồng trong năm 2016
Đánh giá về hoạt động năm 2016, ban điều hành JVC cho biết việc tái cấu trúc Công ty chỉ bắt đầu vào giữa năm 2016 khi mà các dự án của bệnh viện đã hầu hết hình thành và hoàn tất đấu thầu nên ảnh hưởng đến việc tiêu thụ hàng hóa. Mảng kinh doanh thiết bị y tế và vật tư tiêu hao cũng bị ảnh hưởng do sự cạnh tranh mạnh mẽ của các đại lý và việc JVC không được tham gia đấu thầu vào một số dự án. Theo đó, HĐQT công ty dự kiến sẽ trình Đại hội kế hoạch kinh doanh năm 2016 với chỉ tiêu doanh thu 432 tỷ đồng, giảm 19% so với kết quả năm 2015; lợi nhuận 2 tỷ đồng, trong khi năm trước lỗ 1.336 tỷ đồng. Được biết kết thúc quý 1/2016 (niên độ 1/4- 30/6) lỗ hơn 5 tỷ đồng do bị phạt chậm nộp thuế hơn 7 tỷ đồng. Theo đó con số mục tiêu lãi 2 tỷ đồng mặc dù thấp nhưng sẽ đủ để JVC giảm áp lực lỗ lũy kế cận kề vốn điều lệ và thoát được án hủy niêm yết.
Giải pháp được công ty đặt ra để hoàn thành mục tiêu là tái cấu trúc công ty, lập các bộ phận kinh doanh chuyên trách, bộ phận hỗ trợ kinh doanh, chính sách mở rộng mạng lưới đại lý, đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng hóa; Xúc tiến các dự án của cuối năm 2016 và đầu năm 2017; Khôi phục niềm tin từ khách hàng, gây dựng lại thương hiệu công ty, tăng cường các dịch vụ hậu mãi; Duy trì dòng tiền lành mạnh và bảo toàn vốn; Tăng cường quản trị công ty.
Năm 2015 lỗ lớn do trích lập dự phòng cho các khoản công nợ phải thu
Giải trình nguyên nhân thua lỗ nặng trong năm 2015, báo cáo của ban điều hành cho biết khi Chủ tịch kiêm Giám đốc Lê Văn Hướng bị bắt giữ và khởi tố về tội lừa dối khách hàng, các khách hàng mất niềm tin, e ngại khi tiếp tục hợp tác với JVC. Nhiều dự án JVC không thể tham gia đấu thầu, ngoài ra việc tiếp cận các khoản vay ngân hàng cũng rất khó làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Kết thúc năm 2015, tổng giá trị tài sản của JVC chỉ còn 842 tỷ đồng, giảm 67% so với thời điểm kết thúc năm 2014, doanh thu thuần giảm 49% xuống 507 tỷ đồng, lỗ ròng ghi nhận 1.336 tỷ đồng. Nguyên nhân chính do JVC đã trích lập dự phòng cho các khoản công nợ phải thu, trả trước cho người bán và các khoản phải thu khác dựa trên đánh giá về khả năng có thể thu hồi. Các khoản công nợ phải thu khó đòi này liên quan đến các giao dịch có liên quan đến lãnh đạo tiền nhiệm.
Với kết quả kinh doanh thua lỗ trong năm 2015 và mức lãi thấp trong năm 2016, HĐQT JVC cũng đề xuất không phân phối lợi nhuận cả 2 năm 2015 và 2016.
Thay máu nhân sự
Liên quan đến vấn đề bầu HĐQT và BKS cho nhiệm kỳ 2016 - 2020, HĐQT JVC cũng đề xuất cổ đông thông qua số lượng dự kiến của HĐQT là 5 thành viên và BKS là 3 thành viên, mức tối thiểu theo quy định của Luật doanh nghiệp thay cho con số 6 thành viên trước đó.
Đáng chú ý nhân sự ban điều hành và HĐQT của JVC trong nửa đầu năm 2016 đã có những biến động đáng kể, với sự xuất hiện của những nhân vật hoàn toàn mới, những cá nhân có liên quan đến nguyên Chủ tịch Lê Văn Hướng tại những vị trí chủ chốt đã lần lượt bị miễn nhiệm và thay thế.
Ngoài ra, 2 thành viên của BKS cũng từ nhiệm từ ngày 7/7/2016, Ban kiểm soát mới dự kiến sẽ có 3 thành viên.
Cổ phiếu JVC đã vào diện kiểm soát đặc biệt từ 15/08/2016, do Công ty thường xuyên vi phạm quy định về CBTT trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện cảnh báo. Chốt phiên giao dịch sáng 21/9, JVC ghi nhận phiên đứng giá tham chiếu thứ 4 liên tiếp tại mức giá 3.200 đồng/CP.
HNX