MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

JVC sau 1 năm: Bao giờ qua cơn bĩ cực?

10-06-2016 - 06:17 AM | Doanh nghiệp

Trong 16 phiên giao dịch liên tiếp kể từ 10/6- 1/7/2015, cổ phiếu JVC giảm sàn đến 15 phiên và không ít nhà đầu tư “cháy tài khoản” vì cổ phiếu này.

Cách đây tròn 1 năm, ngày 10/6/2015 là cột mốc khó quên đối với cổ đông CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật- JVC khi cổ phiếu bất ngờ giảm sàn với dư bán lớn. Trong 2 phiên giao dịch tiếp theo, JVC vẫn tiếp tục giảm sàn và rơi vào tình trạng mất thanh khoản khiến nhà đầu tư muốn “thoát hàng” cũng không được.

Thời điểm đó, JVC được đánh giá là cổ phiếu có tính cơ bản tốt với ngành nghề kinh doanh thiết bị y tế đầy triển vọng và “kín room” khối ngoại. Tuy vậy, việc cổ phiếu giảm sàn bất thường 3 phiên liên tiếp mà không có một lời giải thích được phía công ty đưa ra đã khiến nhà đầu tư hết sức hoang mang.

Phải vài phiên giao dịch sau, JVC mới lên tiếng trấn an nhà đầu tư khi cho biết hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, cổ phiếu JVC vẫn không ngừng giảm sàn và nhà đầu tư chỉ thực sự biết nguyên nhân khi cơ quan điều tra bắt giam Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ JVC- ông Lê Văn Hướng về tội danh lừa dối khách hàng.

Trong 16 phiên giao dịch liên tiếp kể từ 10/6- 1/7/2015, cổ phiếu JVC giảm sàn đến 15 phiên và không ít nhà đầu tư “cháy tài khoản” vì cổ phiếu này. Trong quãng thời gian đó, vợ chồng chủ tịch Lê Văn Hướng cũng bị các CTCK giải chấp hơn 11 triệu cổ phiếu. Các quỹ đầu tư như Dragon Capital, Vietnam Equity Holding, Dream Incubator…cũng chịu thiệt hại không nhỏ khi giá cổ phiếu giảm quá sâu.

Tính tới hết phiên 9/6/2016, thị giá JVC chỉ còn 4.100 đồng/cp, giảm tới 80% so với thời điểm cách đây 1 năm. Vốn hóa thị trường JVC hiện chỉ còn vỏn vẹn 461 tỷ đồng.

Nhiều nhà đầu tư cháy tài khoản vì JVC

Nhiều nhà đầu tư "cháy tài khoản" vì JVC

Khủng hoảng sau biến cố

Sau “biến cố Lê Văn Hướng”, JVC đã rơi vào cuộc khủng hoảng thực sự khi nhiều hợp đồng ký kết với các bệnh viện trước đó đã bị tạm ngưng.

Không những vậy, Vietinbank còn “siết nợ” 235 tỷ đồng khiến JVC rơi vào trạng thái thiếu hụt trầm trọng nguồn tiền hoạt động. Theo báo cáo KQKD năm 2015, số dư tiền mặt của JVC hiện chỉ còn gần 9 tỷ đồng, trong khi vào thời điểm đầu kỳ công ty có gần 500 tỷ đồng tiền mặt và 285 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn.

Hiện tại, tổng giá trị các khoản phải thu ngắn hạn bao gồm phải thu khách hàng, trả trước cho người bán, các khoản phải thu khác của JVC gần 1.200 tỷ đồng và công ty đã phải trích lập dự phòng lên tới 615 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2015 (niên độ 1/4/2015- 31/3/2016), JVC đạt doanh thu thuần 507 tỷ đồng và lỗ tới 713 tỷ đồng đã cho thấy những khó khăn bủa vây công ty thời kỳ “hậu Lệ Văn Hướng”.

JVC lỗ lớn sau biến cố Lê Văn Hướng

JVC lỗ lớn sau "biến cố Lê Văn Hướng"

Niềm tin đánh mất

Kể từ khi xảy ra biến cố, hoạt động công bố thông tin của JVC liên tục chậm trễ, từ việc lên tiếng trấn an cổ đông cho tới công bố KQKD. Kết quả, UBCKNN đã phải đưa JVC vào diện cảnh báo do thường xuyên vi phạm các quy định về công bố thông tin.

Trong cơ cấu cổ đông của JVC, khối ngoại hiện vẫn nắm giữ 40% cổ phần với những gương mặt như Vietnam Equity Holding và đặc biệt là cổ đông chiến lược DI Asian Industrial Fund (DIAIF). Tuy nhiên, vai trò của các cổ đông này là khá mờ nhạt và thậm chí ông Kyohei Hosono- người đại diện DIAIF cũng từ nhiệm HĐQT JVC chỉ một thời gian ngắn sau khi ông Hướng bị bắt.

Ông Lê Văn Giáp, người trợ lý thân cận trước đây của ông Hướng đã được bổ nhiệm vào giữ chức vụ TGĐ JVC nhưng cũng không nhận được sự tin tưởng từ cổ đông công ty. Còn nhớ tại ĐHCĐ năm ngoái, không ít cổ đông đã lên tiếng phản đối ông Giáp nắm quyền và còn có vị đã phát biểu “niềm tin của tôi với JVC là con số 0”.

Cũng tại ĐHCĐ năm trước, JVC cho biết sẽ tiến hành mua 5,65 triệu cổ phiếu quỹ và thời gian thực hiện dự kiến vào tháng 11-12/2015 nhưng cho đến lúc này công ty vẫn chưa mua cổ phiếu nào. Với hoàn cảnh hiện tại thì việc mua cổ phiếu quỹ là điều không dễ dàng với JVC nhưng có lẽ công ty không nên đưa ra tuyên bố như vậy vì sẽ càng làm cổ đông thêm phần thất vọng.

1 năm sau biến cố, JVC vẫn chìm trong khó khăn và cần nỗ lực rất nhiều để vượt qua cơn khủng hoảng. Nhưng có lẽ, điều quan trọng nhất mà JVC cần phải làm là khôi phục lại niềm tin với cổ đông công ty bởi “Mất tiền là mất ít- Mất niềm tin là mất tất cả”.

Tuấn Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên