KBC tạm ứng hàng nghìn tỷ đồng cho lãnh đạo và nhân viên để chuẩn bị cho dự án mới
Đô thị Kinh Bắc ghi nhận khoản tạm ứng cho nhân viên 1.744 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý II, tăng mạnh so với đầu năm. Doanh nghiệp tạm ứng cho nhân viên để thực hiện các nghiệp vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người dân tại địa phương có kế hoạch thực hiện dự án.
- 02-08-2022Giao dịch kỳ lạ nhất mùa BCTC quý 2: Rót thêm 57 tỷ, Kinh Bắc City (KBC) thu về khoản lãi tới 2.400 tỷ đồng
- 11-04-2022Bị HoSE nhắc nhở giao dịch cổ phiếu quỹ, Kinh Bắc (KBC) ghi nhận sự thiếu sót và xin tự kiểm điểm
- 11-04-2022Lợi nhuận DN bất động sản khu công nghiệp năm 2021: VSIP vượt SNZ, BCM và KBC?
Theo BCTC hợp nhất quý II, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc ( HoSE: KBC ) có khoản tạm ứng cho nhân viên lên đến 1.744 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 903 tỷ đồng nửa đầu năm. Khoản chi tạm ứng cho nhân viên đặc biệt tăng mạnh trong năm 2021 và nửa đầu năm nay trong khi các năm trước chỉ khoảng vài chục tỷ đồng.
Doanh nghiệp cho biết một trong những hậu quả của cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ là làn sóng chuyển dịch địa điểm đầu tư sang các quốc gia Đông Nam Á, trong đó, Việt Nam là mối quan tâm hàng đầu nhờ tình hình kinh tế - chính trị ổn định và cơ chế đầu tư thông thoáng.
Nắm bắt cơ hội này, lãnh đạo KBC đã lập kế hoạch, tập trung mọi nguồn lực tài chính và nhân lực để mở rộng quỹ đất đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư. Tính đến nay, tổng công ty đã đạt nhiều thành quả như được ghi nhận là chủ đầu tư của cụm công nghiệp (CCN) Tân Lập (71,2 ha), CCN Phước Vĩnh Đông 2 (49,1 ha), CCN Phước Vĩnh Đông 4 (49,8 ha), khu công nghiệp (KCN) Tân Lập (654 ha), KCN Lộc Giang (466 ha) tại tỉnh Long An; CCN Đặng Lễ, Chính Nghĩa, Kim Động tại Hưng Yên (225 ha); KCN Tràng Duệ mở rộng (687 ha).
Đặc biệt, doanh nghiệp thông tin đang chuẩn bị các thủ tục cần thiết để khởi công xây dựng dự án nhà máy điện tử Quảng Yên với quy mô diện tích 33,06 ha ở Quảng Minh.
Tổng công ty cho biết để đạt được kết quả trên, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp thì chính sách pháp lý thông thoáng cũng đóng góp không nhỏ. Cụ thể, trên cơ sở quy định của pháp luật và quy chế quản trị nội bộ, doanh nghiệp và các đơn vị thành viên đã tạm ứng cho cán bộ, nhân viên thực hiện các nghiệp vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người dân tại địa phương có kế hoạch thực hiện dự án. Doanh nghiệp khẳng định đây là nghiệp vụ thường xuyên phục vụ hoạt động, được thực hiện theo quy định của pháp luật và tuân thủ nghiêm túc quy chế quản trị nội bộ.
Đồng thời, tổng công ty cũng có giải trình về khoản lợi nhuận ròng đột biến 1.893 tỷ đồng quý II nhờ thu nhập khác 2.3987 tỷ sau khi nâng sở hữu Công ty đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng (SDN).
Cụ thể, Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng là chủ đầu tư KCN Liên Chiểu (289 ha), KCN Khánh Hòa mở rộng (133 ha), dự án đô thị Bầu Tràm Lake side (46 ha), dự án đô thị Dragon City (78 ha) và các dự án khu dân cư, nhà ở xã hội khác. Ban lãnh đạo đánh giá tiềm năng phát triển các dự án tại công ty này lớn và sẽ mang lại lợi ích cho cổ đông trong ít nhất 3-5 năm tới.
Do vậy, trong quý II, KBC đã mua thêm 28,5% cổ phần SDN nâng tổng sở hữu từ 19,5% lên 48% và trở thành công ty liên kết. Sau nâng sở hữu, KBC sẽ hỗ trợ để đảm bảo các dự án của SDN trong thời gian tới được triển khai mạnh.
KBC khẳng định việc đánh giá lại khoản đầu tư được thực hiện theo quy trình, chuẩn mực và quy ước pháp lý, căn cứ trên kết quả báo cáo định giá giá trị doanh nghiệp SDN từ các tổ chức định giá uy tính và trên cơ sở thận trọng.
NDH