KBC tổ chức họp ĐHCĐ bất thường, dự chi 1.500 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt hoặc mua cổ phiếu quỹ
HĐQT dự kiến xin ý kiến ĐHĐCĐ thực hiện chia cổ tức hay mua vào cổ phiếu quỹ để giảm vốn điều lệ, tăng giá trị cổ phiếu để đem lại lợi ích cho cổ đông khi tình hình thị trường chứng khoán khó lường, giá cổ phiếu xuống thấp gây thiệt hại cho cổ đông.
- 08-11-2022CEO Masan tiết lộ "hệ sinh thái tiêu dùng" sau M&A: Dùng AI xem khách thích Hảo Hảo hay Omachi, gửi cho từng khách giỏ hàng đã cá nhân hóa
- 08-11-2022Viglacera (VGC) ước lợi nhuận 10 tháng vượt 38% kế hoạch năm
- 08-11-2022Cổ phiếu giảm 40% trong 2 tháng, CEO Thế Giới Di Động muốn chi hơn 20 tỷ đồng bắt đáy
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã CK: KBC) vừa công bố chốt Danh sách cổ đông để tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022 lần 02 hoặc năm 2023 lần 01 tùy thuộc vào điều kiện hoàn thiện thủ tục tổ chức Đại hội với các mốc thời hạn phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo đó, HĐQT triệu tập ĐHĐCĐ để bàn về công tác Quản trị và Kế hoạch đầu tư, phát triển kinh doanh năm 2023 và các vấn đề liên quan khác.
Theo KBC, việc triệu tập ĐHĐCĐ để trình Đại hội kế hoạch cho năm tài chính mới sớm nhất là cần thiết trên cơ sở KBC vừa ký được các hợp đồng và thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn dự kiến mang về cho KBC một khoản tiền lớn trong năm tới.
KBC cho biết trong tình hình hiện nay, do ảnh hưởng chung của kinh tế thế giới và các chính sách tài khóa nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô, chúng ta đã chứng kiến một thực tế là Thị trường chứng khoán chao đảo, cổ phiếu rớt giá nghiêm trọng (đặc biệt là cổ phiếu BĐS nhà ở, tạo hiệu ứng cho nhiều cổ phiếu khác rớt giá theo mà không còn phân biệt giá trị của từng công ty, trong đó có KBC).
Văn bản của KBC cho rằng điều này không phản ánh thực trạng hoạt động kinh doanh vẫn ổn định của KBC. KBC là doanh nghiệp quản lý phát triển bất động sản Khu công nghiệp, vẫn thu hút rất tốt các nhà đầu tư nước ngoài, và dòng tiền của KBC đều đến từ các nhà đầu tư nước ngoài trước bối cảnh thương mại và chính sách Zero Covid của các nước lân cận nên các nhà đầu tư nước ngoài đã đổ về Việt Nam – nơi vẫn có nhiều lợi thế cho họ.
Đặc biệt, ngay trong tháng 11/2022 này KBC lại được Chính phủ và các cơ quan liên quan phê duyệt nhiều KCN. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh khác như xây dựng nhà ở xã hội KBC đang làm rất tốt, và dòng tiền thu từ dịch vụ cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, phi hạ tầng luôn duy trì ổn định cho hoạt động của Tổng Công ty.
Tại thời điểm 30 tháng 9 năm 2022, theo báo cáo tài chính đã soát xét bởi công ty kiếm toán E&Y Việt nam, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 9 tháng của Tổng Công ty đã hơn 2. 135 tỷ đồng, bằng 27,81% vốn điều lệ. Vốn chủ sở hữu hợp nhất của Tổng Công ty tại 30/9/2022 đạt 18.641 tỷ đồng. Giá trị sổ sách hợp nhất của một cổ phần là 24.285 VND, bằng 2,43 lần mệnh giá.
Vì vậy, HĐQT đã họp và quyết định triệu tập chốt danh sách cổ đông để tổ chức ĐHĐCĐ bất thường với các nội dung dự kiến bao gồm:
1. Xin ý kiến ĐHĐCĐ thực hiện chia cổ tức 20% bằng tiền hay mua vào cổ phiếu quỹ để giảm vốn điều lệ, tăng giá trị cổ phiếu để đem lại lợi ích chính đáng cho cổ đông khi tình hình thị trường chứng khoán khó lường, giá cổ phiếu xuống thấp gây thiệt hại cho cổ đông thì việc mua vào lượng lớn cổ phiếu là động thái tích cực khi Công ty có dòng tiền tốt.
Với hơn 767,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, như vậy nếu thực hiện chia cổ tức, dự kiến KBC sẽ chi 1.535 tỷ đồng để trả cổ tức.
2. Xin ý kiến ĐHĐCĐ về kế hoạch kinh doanh năm 2023 và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ để HĐQT và Ban Tổng giám đốc chủ động triển khai ngay từ đầu năm 2023 thay vì chờ đến ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 mới phê duyệt kế hoạch thì khá muộn.
Phiên giao dịch ngày 11/8, giá cổ phiếu KBC giảm 0,7% về mức 15.250 đồng/cp. Tính từ vùng đỉnh hồi tháng 1/2022, thị giá của KBC đã giảm gần 70%.
Nhịp sống thị trường