MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

KBSV: Lãi suất và VN-Index có mối quan hệ ngược chiều, cơ hội vẫn hiện hữu tại một số nhóm ngành

KBSV: Lãi suất và VN-Index có mối quan hệ ngược chiều, cơ hội vẫn hiện hữu tại một số nhóm ngành

Theo KBSV, nền lãi suất tăng phản ánh giai đoạn “tiền rẻ” đã đi qua, song cơ hội đầu tư vẫn xuất hiện ở một số nhóm cổ phiếu điều chỉnh sâu trong khi hoạt động kinh doanh ít chịu tác động từ yếu tố lãi suất.

Fed đã 6 lần điều chỉnh tăng lãi suất mục tiêu lên 4% và dự báo tiếp tục tăng trong tháng cuối năm và sang cả 2023.

Trong nước, NHNN Việt Nam đã công bố 2 lần điều chỉnh nâng lãi suất điều hành trong tháng 9 và tháng 10, với các mức lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, trần lãi suất huy động dưới 6 tháng tăng thêm 1% trong mỗi lần điều chỉnh.

VN-Index thường diễn biến ra sao trước các biến động về lãi suất trong quá khứ?

Báo cáo đánh giá xu hướng và tác động của lãi suất lên thị trường chứng khoán của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng lãi suất với VN-Index có mối quan hệ ngược chiều.

Ngược về giai đoạn 2007-2008, lạm phát tăng mạnh đến 2 chữ số (đỉnh điểm CPI lên 23%), cùng với tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến vấn đề lạm phát càng trở nên trầm trọng hơn, buộc SBV phải nâng lãi suất điều hành 4 lần từ 6,5 lên 15% để kìm hãm đà tăng của lạm phát. Trước động thái quyết liệt kiểm soát lạm phát về dưới ngưỡng 20% và tình hình tài chính thế giới khó lường, thị trường chứng khoán đã giảm 70% giá trị từ 1.100 xuống còn 315 điểm, mất khoảng 15 tỷ USD.

Sang đến năm 2009, lạm phát hạ nhiệt hơn, Chính phủ công bố gói kích cầu và hỗ trợ lãi suất 4% đối với các doanh nghiệp đi vay. Đồng thời giãn và giảm thuế, kết hợp việc SBV giảm mạnh lãi suất chính sách xuống 7%, giúp VN-Index phục hồi từ cuối tháng 3/2009 đến tháng 10/2009 từ 245 điểm lên 620 điểm tương ứng tăng 140%.

Tuy nhiên, gói kích cầu đã làm mức tăng trưởng tín dụng lên tới 38% so với cùng kỳ, tạo áp lực lên lạm phát giai đoạn sau, tháng 10/2009 SBV đã quyết định siết chặt tín dụng và thực hiện nâng lãi suất cơ bản từ 7% lên 8%, việc bất ngờ tăng lãi suất đã khiến thị trường đảo chiều giảm 20% từ 620 điểm xuống còn 495 điểm, kết thúc quá trình phục hồi của chỉ số.

KBSV: Lãi suất và VN-Index có mối quan hệ ngược chiều, cơ hội vẫn hiện hữu tại một số nhóm ngành - Ảnh 1.

Giai đoạn 2010 – 2011 , gói kích cầu chỉ mang lại kết quả ngắn hạn khi lạm phát tăng trở lại đạt 11,75% vượt chỉ tiêu kiểm soát lạm phát dưới 5%. Từ tháng 10/2010, SBV liên tục nâng lãi suất điều hành tổng 6 lần từ 8% lên 15%. Xu hướng chính của thị trường là sụt giảm, đến cuối năm 2011 VN-Index giảm 32% từ 500 về 340 điểm.

Trong giai đoạn 2012-2019 khi SBV thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng khi quyết định 11 lần điều chỉnh hạ lãi suất điều hành từ 15% xuống 6,25% và duy trì ở mức thấp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, phục hồi nền kinh tế. Nhờ đó, VN-Index đã tăng 170% từ 350 điểm lên 960 điểm.

Trước bối cảnh khó lường của dịch Covid 19 năm 2020-2021 , VN-Index giảm mạnh từ 960 xuống 650 điểm trong quý 1/2020, SBV đã 3 lần hạ lãi suất điều hành xuống còn 4% và duy trì nền lãi suất thấp. Đồng thời giảm lãi suất cho vay, giãn nợ, cơ cấu lại nợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, từ đó giúp VNIndex phục hồi 130% từ 650 điểm lên 1.525 – mốc đỉnh lịch sử của VN-Index.

Kể từ đầu năm 2022 đến nay , mặt bằng lãi suất huy động tại các NHTM đã bắt đầu có xu hướng tăng ở tất cả các kỳ hạn khi các ngân hàng chịu nhiều áp lực từ thanh khoản, mặc dù lãi suất điều hành phải tới tháng 9 mới bắt đầu tăng. Trong khi đó, xu hướng chính của VN-Index là giảm điểm, từ thời điểm bắt đầu nâng lãi suất điều hành đến hiện tại, VN-Index đã giảm 20% từ 1.210 xuống 950 điểm.

Cơ hội đầu tư vẫn hiện hữu trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đang có xu hướng tiếp tục gia tăng

Theo KBSV, nền lãi suất tăng phản ánh giai đoạn “tiền rẻ” đã đi qua cùng với chính sách tiền tệ đã bắt đầu chuyển sang xu hướng thắt chặt. Các doanh nghiệp niêm yết thận trọng hơn và có xu hướng giảm huy động vốn mới để mở rộng mô hình kinh doanh, sản xuất. Từ đó, tác động không mấy khả quan lên TTCK khi động lực tăng trưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết khó có thể bứt phá trong thời gian tới.

Hơn nữa, đội ngũ phân tích cho rằng mặt bằng lãi suất tăng khiến lãi suất chiết khấu trong các mô hình định giá tăng, theo đó khiến giá trị thực của cổ phiếu (theo các phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền, dòng cổ tức, lợi nhuận thặng dư...) bị kéo giảm và trở nên kém hấp dẫn.

Đồng thời, mặt bằng lãi suất tăng tác động kém tích cực lên gần như toàn bộ các doanh nghiệp trên sàn, trong đó có 4 nhóm ngành chịu ảnh hưởng nhất:

(1) Ngành thâm dụng vốn, có tính đầu cơ cao, tỷ lệ đòn bẩy lớn chịu ảnh hưởng do chi phí lãi vay tăng như Bất động sản, nguyên vật liệu xây dựng, công nghiệp.

(2) Nhóm bất động sản do nền lãi suất cho vay mua nhà tăng, đồng thời kiểm soát chặt tín dụng BĐS khiến cầu bất động sản suy giảm có thể ảnh hưởng tiêu cực tới thanh khoản các dự án, và lợi nhuận các doanh nghiệp.

(3) Ngành chứng khoán do mặt bằng lãi suất tăng khiến dòng tiền hạn chế vào kênh chứng khoán, giá trị giao dịch giảm khiến thu từ phí môi giới giảm, trong khi danh mục tự doanh cũng thường chịu ảnh hưởng tiêu cực do thị trường điều chỉnh.

(4) Ngành ngân hàng do các quan sát trong quá khứ cho thấy lãi suất huy động phản ứng nhanh hơn lãi suất cho vay dưới ảnh hưởng từ chính sách của SBV. Theo đó NIM của ngành ngân hàng có xu hướng giảm khi lãi suất điều hành tăng. Ngoài ra chất lượng tài sản ngành ngân hàng cũng bị ảnh hưởng do hoạt động khó khăn của ngành bất động sản.

KBSV: Lãi suất và VN-Index có mối quan hệ ngược chiều, cơ hội vẫn hiện hữu tại một số nhóm ngành - Ảnh 2.

Mặc dù mặt bằng lãi suất tăng tác động không mấy tích cực lên nền kinh tế cũng như hầu hết tất cả các nhóm ngành, nhóm phân tích KBSV cho rằng cơ hội đầu tư vẫn xuất hiện ở một số nhóm cổ phiếu điều chỉnh sâu trong khi hoạt động kinh doanh ít chịu tác động từ yếu tố lãi suất.

" Các cổ phiếu có dòng tiền tốt hoạt động kinh doanh ổn định, nợ vay dài hạn thấp và sở hữu lượng tiền mặt lớn cần được ưu tiên, tập trung các ngành như: thực phẩm, bán lẻ, công nghệ thông tin, thiết bị và dịch vụ dầu khí,… Đặc biệt là ngành bảo hiểm khi ít nhiều được hưởng lợi từ giảm giá trị trích lập dự phòng toán học và hưởng lợi từ hiệu quả đầu tư tài chính khi 60% danh mục đầu tư là tiền gửi ", báo cáo cho hay.

Dương Ngọc

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên