MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

KBSV: VN-Index sẽ đối mặt áp lực rung lắc mạnh tại 1.300-1.350 điểm

KBSV: VN-Index sẽ đối mặt áp lực rung lắc mạnh tại 1.300-1.350 điểm

Trên khung thời gian tuần và tháng, các yếu tố rủi ro có phần thể hiện rõ nét hơn với việc chỉ số đang tiếp cận trở lại vùng cản đáng chú ý tương ứng với vùng đỉnh của nhịp hồi ngắn vào tháng 8/2022.

Trong báo cáo triển vọng mới đây, Chứng khoán KBSV nhận định VN-Index đã có chuỗi tăng điểm tháng thứ 4 liên tiếp, hồi phục mạnh từ ngưỡng 1.020 điểm được thiết lập vào đầu tháng 11.

Thị trường sẽ phản ứng trước bức tranh BCTC quý 1

Về mặt định giá, mức P/E hiện tại của VN-Index khoảng 16.2x lần (theo số liệu từ Bloomberg – mức P/E này đã loại bỏ các lợi nhuận bất thường của doanh nghiệp nên có sự khác biệt so với tính toán của các tổ chức khác). Mức định giá này hiện đang tiến đến vùng cao trong trung bình 2 năm nhưng nhỉnh hơn không quá nhiều so với mức trung bình 10 năm của VN-Index. 

Trên cơ sở kỳ vọng nền kinh tế phục hồi trong cả năm 2024 và mặt bằng lãi suất thấp được duy trì, KBSV cho rằng định giá thị trường vẫn phù hợp để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu cho mục tiêu trung dài hạn nhưng cơ hội với mức lợi nhuận hấp dẫn sẽ ít dần khi nhiều cổ phiếu dần tiếp cận các vùng định giá cao. 

Ảnh chụp Màn hình 2024-03-06 lúc 20.36.25.png

Về biến động của thị trường chứng khoán trong tháng 3, đội ngũ phân tích cho rằng VN-Index sẽ vận động trên vùng cao với xu hướng phục hồi được duy trì nhưng không kỳ vọng thị trường sẽ bứt phá mạnh mẽ như trong 2 tháng đầu năm cùng rủi ro điều chỉnh ngắn hạn đang gia tăng. 

Về tình hình trong nước, lãi suất được duy trì ở mức nền thấp và kỳ vọng vào sự phục hồi KQKD của các doanh nghiệp trong năm 2024 sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán. Đặc biệt, một vài nhóm ngành như Bất động sản KCN đã có những tín hiệu đầu tiên từ số liệu FDI đăng ký mới công bố 2 tháng đầu năm gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ nhờ số lượng dự án tăng 55% và có những dự án quy mô lớn. Ngoài ra, lợi nhuận của nhóm xuất khẩu kỳ vọng có thể được cải thiện khi số liệu về xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm cho thấy ít nhiều điểm tích cực. 

Đặc biệt, KBSV lưu ý rằng tháng 3 cũng là thời điểm bức tranh kinh doanh trong kỳ của các doanh nghiệp dần lộ rõ và thị trường có thể phản ứng trước khi là báo cáo tài chính Quý I. Theo đó, KQKD của các doanh nghiệp sẽ phân hoá theo các nhóm ngành và giá cổ phiếu cũng sẽ có trạng thái phản ứng tương tự. Tâm lý nhà đầu tư vẫn được hỗ trợ khi nhìn sang các thị trường khác trên thế giới. 

Tại Mỹ, các chỉ số chính vẫn đang vận động tích cực trên vùng đỉnh lịch sử. Sự chú ý của thị trường sẽ đổ dồn vào của họp của FED vào cuối tháng 3. Theo công cụ theo dõi lãi suất CME FedWatch Tool, thị trường hiện dự báo khả năng FED giảm lãi tháng 3 là 3%. Xác suất rơi vào tháng 5 là 77,6%. Tại thị trường Châu Á, các chỉ số ở Trung Quốc, Hàn Quốc, ... đều duy trì được xu hướng phục hồi.

VN-Index sẽ đối mặt áp lực rung lắc đáng kể tại 1.300-1.350

Trên khung đồ thị ngày, VN-Index vẫn đang duy trì xu hướng tăng ngắn hạn với đỉnh/đáy sau cao hơn đỉnh/đáy trước. Việc thanh khoản đang hình thành mặt bằng giá trị giao dịch mới lên tới hơn 20 nghìn tỷ/phiên, giúp cho xu hướng ngày càng được củng cố và có các phiên hồi phục khá thuyết phục sau những nhịp điều chỉnh kỹ thuật. 

Bên cạnh đó, việc chỉ báo ADX – chỉ báo định hướng trung bình, đã bật mạnh từ vùng nền 24 từ đầu tháng 2, lên khoảng 41 vào thời điểm cuối tháng, thể hiện mức độ mạnh mẽ của xu hướng và cũng cho thấy nhiều khả năng quán tính tăng điểm trong ngắn hạn vẫn được duy trì.

Tuy nhiên, trên khung thời gian tuần và tháng, các yếu tố rủi ro có phần thể hiện rõ nét hơn với việc chỉ số đang tiếp cận trở lại vùng cản đáng chú ý tương ứng với vùng đỉnh của nhịp hồi ngắn vào tháng 8/2022. Đồng thời, chỉ báo ADX ở cả 2 khung thời gian đều nằm dưới mức 25 trong suốt nhịp hồi phục từ vùng đáy tháng 10/2023. 

Ảnh chụp Màn hình 2024-03-06 lúc 20.35.49.png

Do đó nhiều khả năng VN-Index sẽ đối mặt với áp lực rung lắc đáng kể tại vùng kháng cự 1.300-1.350, và đây cũng là vùng cản đáng lưu ý để xác nhận liệu thị trường đã quay lại xu hướng tăng điểm trong trung hạn hay chưa. Khối lượng giao dịch sẽ là yếu tố cần theo dõi sát trong các nhịp vượt đỉnh sau khi chỉ số đã tiến lên vùng cản. 

Nếu chỉ số tiếp tục đi lên với đỉnh sau cao hơn đỉnh trước nhưng khối lượng khớp lệnh lại suy giảm, thì đó sẽ là một tín hiệu để nhóm phân tích nghiêng về kịch bản (70% khả năng) VN-Index sẽ bước vào một nhịp điều chỉnh mạnh sau đó với vùng hỗ trợ gần quanh 1.220 (+-10) và sâu hơn tại 1.170 (+-10). 

Kịch bản còn lại (30% khả năng), VN-Index có thể duy trì đà tăng điểm bứt phá qua vùng 1.300-1.350, tuy nhiên xác suất cho kịch bản này không cao do nhiều nhóm ngành dẫn dắt đã có những nhịp tăng vượt đỉnh trung hạn và trạng thái kỹ thuật đều thể hiện tín hiệu quá mua.

Mai Chi

An ninh Tiền tệ

Trở lên trên