MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

KDC trở lại thời “vàng son”

2 phiên giao dịch ngày 15 và 16/08, cổ phiếu KDC của CTCP Tập đoàn Kido bất ngờ tăng kịch trần lên 30.400đ và không còn dư bán. Tiếp tục tăng giá trong phiên 17/07, KDC vươn lên mức giá 32.800 đồng - cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đây.

Mặc dù vẫn nằm trong xu hướng đi lên nhưng đây là lần tăng điểm tích cực nhất của KDC từ đầu năm đến nay. Điều gì đã tạo nên sức hấp dẫn của cổ phiếu này?

Không chỉ 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận 2016 của KIDO sẽ đạt trên 2.000 tỷ đồng

Đó là tiết lộ của ông Trần Lệ Nguyên – Tổng Giám đốc của KIDO. Con số này lớn hơn rất nhiều so với 141 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế mà KIDO đạt được sau 6 tháng đầu năm 2016. Tuy nhiên, ông Trần Lệ Nguyên hoàn toàn tự tin, bởi lẽ KIDO sẽ chuyển nhượng 20% cổ phần tại CTCP Kinh Đô Bình Dương cho Tập đoàn Mondelēz International, thoái hoàn toàn khỏi mảng bánh kẹo và thu về 2.000 tỷ đồng. Theo thỏa thuận, trong năm nay KIDO có thể ghi nhận khoảng 1.700 tỷ đồng với thương vụ này.

Ông Trần Lệ Nguyên - Tổng Giám Đốc Tập Đoàn Kido.

Không những vậy, riêng mảng hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty – gồm ngành hàng lạnh (kem, sữa chua…) và dầu ăn cũng có thể đạt mức lợi nhuận 460 tỷ đồng.

Cụ thể, đối với ngành kem, trong 7 tháng đầu năm, KIDO lãi hơn 160 tỷ đồng – cao hơn cả con số lãi 110 tỷ đồng trong cả năm 2015, ước tính cả năm 2016 có thể ghi nhận 230 - 240 tỷ đồng lợi nhuận từ mảng này. Hiện tại, KIDO đã có 60.000 điểm được trang bị tủ kem và hệ thống xe đông lạnh để vận chuyển khắp cả nước. Dự kiến đến tháng 8, KDC sẽ xây xong nhà máy ở Bắc Ninh, tiết kiệm chi phí vận chuyển ra miền Bắc.

Trong mảng dầu ăn, Công ty vẫn giữ kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% đối với Vocarimex vào cuối năm nay nhằm hợp nhất doanh thu, lợi nhuận. Trong tương lai, sản phẩm dầu của Vocarimex và các công ty liên kết sẽ sử dụng hệ thống phân phối của KIDO để đưa ra thị trường.

Riêng mảng mì gói, trước sự cạnh tranh gay gắt của thị trường này, KIDO xác định sẽ tập trung vào phân khúc sản phẩm cao cấp, thay vì phủ khắp các phân khúc như kế hoạch ban đầu.

Một sản phẩm mới ít được mọi người biết đến của KIDO là bánh bao. Từ cuối năm 2015, KIDO đã thử nghiệm sản phẩm bánh bao cấp lạnh. Hiện nhà máy bánh bao tại Củ Chi (TP. HCM) đang làm việc hết công suất, mỗi ngày sản xuất khoảng 120.000 sản phẩm bánh bao nhân ngọt, mặn. Đây là thị trường rất tiềm năng với biên lợi nhuận tốt.

Ông Trần Lệ Nguyên tự hào chia sẻ rằng, với tốc độ tăng trưởng tốt, nhà máy kem hiện tại không kịp sản xuất để cung ứng trên thị trường. Chính vì thế, hiện nay KIDO đang tiếp tục xây dựng nâng công suất nhà máy kem lên gấp 3 so với hiện tại và xây dựng một nhà máy sản xuất bánh bao tại Tp.Hồ Chí Minh.

Nếu mọi việc tiếp tục tiến triển tốt như hiện nay, KIDO ước tính ngành lạnh (gồm kem và bánh bao cấp lạnh) có thể đạt 350 tỷ đồng lợi nhuận. Năm 2017 lợi nhuận KDC ước đạt 600 tỷ đồng, vượt mục tiêu lãnh đạo KDC đã cam kết với cổ đông tại ĐHCĐ năm 2015 là “3 năm tới sẽ quay lại mức lợi nhuận 600 tỷ đồng”.

Với những con số này, nhà đầu tư có thể yên tâm trước câu hỏi: “Bán bánh kẹo đi thì KIDO sống bằng gì?”

KIDO sẽ còn tiếp tục M&A để khẳng định vị thế?

Báo cáo ngày 16/8 của công ty chứng khoán HSC đã nâng dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm 2016 cũng như 2017 của KIDO do những tín hiệu tích cực từ thương vụ mua lại Vocarimex. Công ty này cho biết quá trình mua lại đang được đẩy nhanh và có thể đến cuối quý 3 KIDO sẽ nắm quyền kiểm soát Vocarimex – doanh nghiệp hàng đầu trong ngành dầu ăn.

Bên cạnh đó, Dầu thực vật Tường An (TAC) cũng có thể là một mục tiêu mà KIDO hướng đến. Dù mới chỉ là tin đồn nhưng điều này phần nào khiến nhà đầu tư đặt niềm tin vào cổ phiếu KDC. M&A là một chiến lược vô cùng hiệu quả đối với những doanh nghiệp giàu năng lực tài chính, giàu kinh nghiệm và đang chuyển mình sang lĩnh vực mới như KIDO.

Có lẽ rất nhiều nhà đầu tư vẫn còn nhớ ngành lạnh – lĩnh vực nòng cốt của KIDO sau khi bán đi mảng bánh kẹo - cũng được hình thành nên bởi một quyết định M&A vô cùng “táo bạo” cách đây 13 năm khi công ty mua lại hệ thống kem Wall’s từ Unilever.

Với những bước chuyển mình mạnh mẽ cùng nền tảng tài chính vững chắc, kinh nghiệm quản trị, marketing, ông Trần Lệ Nguyên khá lạc quan về việc KIDO sẽ sớm cán mốc doanh thu 10.000 tỷ đồng. Khi đó, “giá cổ phiếu KDC đạt mức 4x là bình thường”, ông Nguyên tự tin nói.

A.D

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên