MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kế hoạch ‘đi lùi’ cho năm 2019

09-01-2019 - 08:36 AM | Doanh nghiệp

Tình hình kinh tế vĩ mô được dự báo không thuận lợi như năm 2018, nhiều doanh nghiệp đã đề ra kế hoạch kinh doanh 2019 giảm so với ước thực hiện 2018.

Năm 2019, Quốc hội chốt chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6-6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chỉ tiêu tăng GDP 6,6-6,8% cho năm 2019 là bảo đảm tính thận trọng, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, tiếp tục tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và giải quyết các vấn đề xã hội. Đồng thời, theo nhiều dự báo, sức ép lạm phát ngày càng lớn như giá dầu thô trong xu hướng tăng, tỷ giá, lãi suất và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng, ảnh hưởng của xung đột thương mại của một số nước.

Báo cáo chiến lược của CTCK Bảo Việt (BVSC) chỉ ra rằng kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2019 bớt thuận lợi hơn năm 2018 nhưng vẫn ở trong trạng thái ổn định. Năm 2018, tăng trưởng GDP đạt 7,08% mức cao nhất kể từ 2011 nhờ động lực từ khu vực công nghiệp-xây dựng cùng khu vực nông lâm thủy sản nhưng sang năm 2019, tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự báo ở mức thấp hơn năm trước khiến GDP được dự báo tăng thấp hơn 6,8%.

Theo đó, BVSC nhận định tăng trưởng các ngành trong 2019 có chậm lại nhưng vẫn ở mức khả quan, dự báo lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu tại Sở giao dịch chứng khoán TP HCM tăng trưởng khoảng 10%, thấp hơn mức tăng 20% của năm 2018.

Cụ thể, ngành ngân hàng sau năm 2018 tăng trưởng lợi nhuận rất tốt sẽ chậm lại trong 2019; ngành bất động sản vẫn có kết quả tăng trưởng ấn tượng nhờ VHM và VIC trong khi nhóm còn lại bao gồm DXG, KDH, NVL, NLG lợi nhuận dự báo đi ngang hoặc tăng trưởng thấp; với ngành dầu khí thì giá dầu đối mặt với nhiều nhân tố cản trở đà tăng giá, chưa có bước ngoặt trong hoạt động chính của các doanh nghiệp dầu khí; ngành bán lẻ dự báo tiếp tục là một điểm sáng của năm 2019.

Trước những dự báo kinh tế vĩ mô không còn thuận lợi như 2018, nhiều doanh nghiệp đã đề ra “bước lùi” trong kế hoạch kinh doanh năm nay.

Kế hoạch ‘đi lùi’ cho năm 2019 - Ảnh 1.

Năm 2018 có thể nói là năm thành công của Tổng CTCP Khí Việt Nam (HoSE: GAS) sau 3 năm (2015-2017) kết quả kinh doanh giảm mạnh do giá dầu lao dốc. GAS ước doanh thu năm 2018 đạt 74.050 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 14.098 tỷ đồng, vượt 48% kế hoạch điều chỉnh (9.500 tỷ đồng) và tăng từ 12-14% so với năm 2017.

Sang năm 2019, GAS đề ra kế hoạch giảm khá mạnh với doanh thu đạt 63.908 tỷ đồng và lãi trước thuế 9.546 tỷ đồng, nộp ngân sách 3.363 tỷ đồng. Trong đó, chỉ tiêu doanh thu giảm 13,6% và lãi trước thuế giảm 32% so với con số ước 2018.

Một đơn vị khác cũng đề ra kế hoạch kinh doanh giảm mạnh là CTCP Công nghiệp Thương mại Sông Đà (HNX: STP). Theo Nghị quyết HĐQT, STP đặt mục tiêu doanh thu hơn 181,2 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 6 tỷ đồng; giảm lần lượt 11,3% và 40% so với kế hoạch năm 2018.

Công ty chưa công bố ước kết quả kinh doanh 2018 nhưng 9 tháng đầu năm có sự cải thiện đáng kể khi lợi nhuận trước thuế đạt 6,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 120 triệu đồng. Dù vậy, lợi nhuận cải thiện nhờ chi phí bán hàng và chi phí quản lý giảm mạnh trong khi doanh thu công ty giảm 19% so với cùng kỳ năm trước, biên lãi gộp duy trì ở mức 10,2%.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VNRubber, UPCoM: GVR) cho biết tổng doanh thu năm qua đạt 20.822 tỷ đồng, thực hiện 94,5% kế hoạch năm. Tổng lợi nhuận trước thuế ước 4.552 tỷ đồng, đạt 89,8% kế hoạch. Riêng với công ty mẹ, doanh thu ghi nhận 4.275 tỷ đồng, vượt 16% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế ước 2.659 tỷ đồng, vượt 6% kế hoạch.

Sang năm 2019, tập đoàn thống nhất kế hoạch kinh doanh có lợi nhuận từ 2.800 tỷ đến 3.000 tỷ đồng.

CTCP Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS) ước năm 2018 doanh thu đạt 8.350 tỷ đồng, vượt 11% so với kế hoạch năm và tăng 9,4% so với năm trước; lãi sau thuế 1.097 tỷ, gấp 5,6 lần kế hoạch và tăng 7%.

Dẫu vậy, đến năm 2019, công ty đề ra kế hoạch doanh thu tăng nhẹ so với con số ước thực hiện năm 2018 lên 8.400 tỷ đồng nhưng lãi ròng giảm mạnh về 199,2 tỷ, giảm 82%.

Việc đề ra kế hoạch kinh doanh “đi lùi” mạnh vốn không có gì lạ với Đường Quảng Ngãi khi mà năm 2018, công ty cũng đề ra con số lợi nhuận kế hoạch cực thấp 194 tỷ so với kết quả ghi nhận 2017 lên đến 1.026,8 tỷ đồng.

Theo Thùy Yên

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên