Kế hoạch tỉ mỉ của tên cướp hơn 2 tỷ tại ngân hàng ở Trà Vinh
Lê Lâm Hưng - nghi can cướp ngân hàng ở Trà Vinh mượn xe bạn 4 lần rồi hóa trang đến ngân hàng định thực hiện vụ cướp nhưng tới nơi lại không làm vì sợ bị bắt...
- 07-05-2017Nghi phạm cướp ngân hàng tại Trà Vinh khai gì?
- 07-05-2017Cướp ngân hàng ở Trà Vinh: Nghi phạm khai gì về nguồn gốc khẩu súng?
- 07-05-2017Nghi phạm cướp ngân hàng chỉ mất 8 phút để "biến hình"
- 06-05-2017Nghi phạm vụ cướp ngân hàng ở Trà Vinh đã dùng 1,5 tỷ để trả nợ
- 04-05-2017Camera của dân chụp được hình giống nghi phạm cướp ngân hàng
Theo thông tin trên báo Dân Trí, Công an tỉnh Trà Vinh đang tiếp tục điều tra, làm rõ nhiều tình tiết quan trọng của vụ án cướp Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Phòng Giao dịch thị xã Duyên Hải, do bị can Lê Lâm Hưng (29 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Ninh, kỹ sư điện thuộc Ban Quản lý nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3) thực hiện.
Theo cơ quan công an, qua quá trình điều tra, bị can Hưng khai đã lên kế hoạch thật tỉ mỉ, chi tiết để thực hiện vụ cướp. Hưng cùng gia đình thuê căn nhà cách ngân hàng Vietcombank gần 1km, biết rõ đây là ngân hàng mới hoạt động, nhân viên ít nên mới chọn là địa điểm thực hiện vụ cướp.
Trước khi thực hiện vụ cướp khoảng 1 tháng, Hưng lên TP Hồ Chí Minh mua súng (loại bắn đạn bi) với giá 500 ngàn đồng, kính râm, túi vải… để thực hiện vụ cướp. Tuy nhiên, nhiều lần Hưng không thực hiện vì sợ khi phạm tội sẽ ảnh hưởng đến việc làm của vợ. Một tuần sau, Hưng mượn xe bạn 4 lần rồi hóa trang đến ngân hàng Vietcombank định thực hiện vụ cướp nhưng tới nơi lại không làm vì sợ bị bắt.
Bị can Lê Lâm Hưng - Ảnh: Công an nhân dân
Sau đó, Hưng lâm vào cảnh nợ nần do làm ăn thua lỗ và thua cá độ bóng đá. Để có tiền trả nợ, Hưng quyết định thực hiện vụ cướp.
Sáng 26/4, Hưng mượn xe máy của bạn vào thị xã Duyên Hải với ý định cướp ngân hàng. Hưng đến quán cà phê gần đó ngồi chờ đến 11h trưa nhưng không thực hiện mà lại đổi ý định nên về nhà ăn cơm.
Sau đó, Hưng quay trở lại ngân hàng để thực hiện vụ cướp đầu giờ buổi chiều nhưng do nhiều người giao dịch nên ngồi ở quán cà phê để chờ. Đền 16h30 cùng ngày, khi thấy ngân hàng chỉ còn 6 nhân viên, Hưng mới ra tay thực hiện vụ cướp.
Liên quan đến vụ việc, thông tin thêm trên báo Tri thức trực tuyến, 10 ngày sau, Hưng bị bắt khẩn cấp. Cảnh sát thu giữ được tại nơi làm việc của nghi phạm 10 triệu đồng và 35.900 USD, tiền tang vật trong vụ cướp.
“Chủ nợ đòi quá, em làm liều. Em đã suy nghĩ và lên kế hoạch rất kỹ trước khi gây án. Lúc gây án, em đã nghĩ mình có thể bị bắt ngay tại đó (ngân hàng – PV) hoặc 1-2 ngày sau. Em không có ý định bỏ trốn. Những ngày chưa bị bắt, em xem như có thêm một ngày nữa ở bên gia đình, vợ con” - Báo Tri thức trực tuyến dẫn lời Hưng thú nhận.
Báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn thông tin từ thượng tá Huỳnh Văn Khởi - Trưởng phòng tham mưu (PV11) kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Trà Vinh ngày 16/5 cho biết, Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an vừa có điện khen Công an tỉnh Trà Vinh vì đã xuất sắc trong điều tra, phá nhanh vụ dùng súng cướp ngân hàng Vietcombank ở thị xã Duyên Hải.
Ông Khởi cũng cho biết trung tướng Nguyễn Công Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đã nhiệt liệt biểu dương chiến công của Công an tỉnh Trà Vinh.
Đồng thời, Tổng cục cảnh sát đề nghị Giám đốc Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo điều tra, củng cố hồ sơ chặt chẽ để đưa đối tượng ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật; Đề xuất các hình thức khen thưởng xứng đáng cho các tập thể, cá nhân lập chiến công trong điều tra vụ án đặc biệt nghiêm trọng này.
Điều 133. Tội cướp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009):
1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.
Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo
Đời sống pháp luật