Kệ thế giới, giá vàng SJC vẫn tăng lên sáng đầu tuần
Giá vàng trong nước được điều chỉnh tăng nhẹ trong bối cảnh trên thị trường thế giới, giá kim loại quý tiếp tục đi xuống trước thềm cuộc họp quan trọng của Fed.
- 18-09-2022Triển vọng giá vàng tuần tới phủ màu xám xịt
- 16-09-2022Franc Thụy Sỹ cao nhất 7 năm so với euro, vàng bị bán tháo khiến giá lao dốc xuống đáy 2 năm
- 15-09-2022Giá vàng SJC đi ngang bất chấp vàng thế giới chưa ngừng đà giảm
Giá vàng trong nước được điều chỉnh tăng nhẹ trong bối cảnh trên thị trường thế giới, giá kim loại quý tiếp tục đi xuống trước thềm cuộc họp quan trọng của Fed.
Khảo sát đầu giờ sáng nay (19/9), giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang ở ngưỡng 65,8 – 66,6 triệu đồng/lượng, tăng 100 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào – bán ra so với giá khảo sát cuối tuần trước. Chênh lệch giá mua vào - bán ra vẫn ở mức 800 nghìn đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng DOJI bán lẻ tại Hà Nội cũng tăng 100 nghìn đồng/lượng ở mỗi chiều mua bán, đang niêm yết ở mức 65,55 – 66,55 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua vào - bán ra ở mức 1 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá kim loại quý đang tiếp tục đi xuống khi đồng USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng.
Hiện giá vàng giao ngay trên Kitco ở mức 1.672,7 USD/ounce, giảm 3,2 USD, tương đương 0,19% so với chốt phiên trước.
Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank, giá vàng thế giới đang được giao dịch ở mức 48 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 17,8 triệu đồng/lượng.
Biểu đồ: Kitco
Trong tuần trước, giá vàng đã mất đến 80 USD/ounce, đóng cửa ở mức 1.661USD/ounce – thấp nhất tính từ tháng 4/2020. Giá vàng giao hợp đồng tương lai tháng 12/2022 giao dịch chốt phiên gần nhất ở 1.682,6 USD/ounce, giảm 2,7% trong tuần.
“Giá vàng giảm bởi những kỳ vọng về khả năng Fed sẽ nâng lãi suất mạnh tay hơn. Số liệu mới công bố cho thấy nhu cầu lao động tại Mỹ vẫn ở mức cao. Doanh số bán lẻ hiện cũng đang ở mức phù hợp. Thực tế này sẽ khiến cho Fed tiếp tục với quy trình thắt chặt chính sách tiền tệ trong tương lai gần, chuyên gia nhận định.
Kỳ vọng về khả năng nâng lãi suất 75 điểm cơ bản trong phiên ngày thứ Tư tuần này và sau đó thêm 75 điểm cơ bản trong tháng 11/2022 đang gây ra rất nhiều áp lực suy giảm lên giá vàng, đồng USD và lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ không ngừng tăng.
“Sự vững vàng của toàn bộ nền kinh tế nói chung đã lấy đi vị thế tài sản an toàn từ vàng. Trong khi đó, kỳ vọng nâng lãi suất đang đẩy cao lãi suất thực, như vậy cũng không có lợi cho giá vàng. Kết quả khi có thêm đợt nâng lãi suất của Fed, giá vàng sẽ yếu đi thêm trong ngắn hạn”, chuyên gia về kim loại quý tại Gainesville Coins – ông Everett Millman phân tích.
Khả năng giá vàng hạ sâu hơn không thể bị loại bỏ, chuyên gia phân tích cao cấp tại quỹ OANDA – ông Edward Moya nhận định.
“Nếu Fed gây ngạc nhiên với mức điều chỉnh 100 điểm cơ bản vào tuần tới, chúng ta hoàn toàn có thể dự báo về khả năng giá vàng sẽ xuống dưới mốc 1.600USD/ounce, triển vọng giá vàng thậm chí sẽ xấu đi. Thế nhưng nếu các nhà hoạch định chính sách vẫn giữ mốc nâng lãi suất 75 điểm cơ bản, giá vàng sẽ không hạ quá sâu. Dù vậy thị trường cũng vẫn nên chuẩn bị cho khả năng Fed sẽ vẫn duy trì tốc độ nâng lãi suất trong cuộc họp vào tháng 11. Tất cả những yếu tố này sẽ khiến cho giá vàng chịu thêm áp lực”, ông Moya nói với Kitco News.
BizLive