MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kem Thủy Tạ thừa nhận chất lượng giảm sút do công nghệ cũ, cổ phiếu vẫn tăng gấp 4 lần?

20-05-2019 - 10:29 AM | Doanh nghiệp

Thủy Tạ đang quản lý nhiều cửa hàng có vị trí cực kỳ đắc địa tại Hồ Gươm.

Nếu ai đó lần đầu tiên đến thăm Hà Nội, nhất định sẽ phải đi dạo một vòng Hồ Hoàn Kiếm, ăn một que kem Tràng Tiền hoặc vào nhà hàng Thủy Tạ ven hồ và thưởng thức kem ly. Thương hiệu kem Thủy Tạ không quá đình đám như kem Tràng Tiền nhưng nó là lịch sử lâu đời gắn liền với Hà Nội. Ra đời từ năm 1954, kem Thủy Tạ đã có 65 năm đồng hành cùng người dân thủ đô, mang hương vị đặc trưng để thiết đãi bạn bè từ nơi xa đến.

Niềm tự hào một thời thừa nhận "chất lượng hiện nay đi xuống"

Theo một báo cáo của Euromonitor, thị phần kem của Thủy Tạ chỉ đạt khoảng 1,5% cả nước. Vì hệ thống phân phối đa phần ở các cửa hàng nằm trên phố Lê Thái Tổ trực thuộc công ty, trong khi các điểm bán không phủ rộng nhiều như kem Tràng Tiền.

Kem Thủy Tạ chỉ là một phần trong hoạt động sản xuất kinh doanh của CTCP Thủy Tạ, ngoài việc sản xuất và kinh doanh kem công nghiệp, Thủy Tạ còn kinh doanh nhà hàng, sản xuất Nước tinh khiết và kinh doanh vật tư ngành ảnh.

Số liệu kiểm toán năm 2018 cho thấy doanh thu thuần của Thủy Tạ đạt hơn 102 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2017 và chỉ thực hiện gần 85% kế hoạch năm, công ty lãi sau thuế 2,3 tỷ đồng, giảm gần 60% năm 2017 và chỉ thực hiện được 30,6% kế hoạch năm.

Niềm tự hào của Thủy Tạ, nhà máy kem công nghiệp công suất 1 triệu lít/năm sản xuất trên dây chuyền công nghệ Italia đã có tuổi đời 20 năm. Theo Ban điều hành công ty, hệ thống dây chuyền sản xuất kem và trang thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh đã được đầu tư từ lâu, chất lượng đã xuống cấp, thường xuyên hỏng hóc, sửa chữa thay thế nên ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của Công ty.

Báo cáo tài chính cho thấy kem vẫn là nguồn thu lớn nhất của công ty, đạt 47,4 tỷ đồng năm 2017 và 46 tỷ đồng năm 2018. Kế đến là mảng nhà hàng, đạt khoảng 34-35 tỷ đồng/năm.

Ban điều hành công ty thừa nhận chất lượng kem hiện nay đi xuống vì độ lạnh không đảm bảo do hệ thống máy móc thiết bị quá cũ, chưa được đầu tư kịp thời vì thế sản phẩm kem không có khả năng cạnh tranh với các hãng, ảnh hưởng đến việc bán hàng và tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó chi phí bán hàng lớn, đặc biệt chi phí khấu hao về tủ đông, trong khi hiệu quả công tác quản lý, quản trị hệ thống các đại lý kem có tủ thấp. Sự cạnh tranh của các đối thủ có tiềm lực ngày càng lớn, với nhiều sản phẩm mới hấp dẫn phù hợp với người tiêu dùng.

Cổ phiếu tăng gấp 4 lần từ đầu năm, xuất hiện cổ đông mới

Một điểm đáng chú ý, mặc dù kết quả kinh doanh sa sút nhưng cổ phiếu Thuỷ Tạ tăng phi mã kể từ tháng 12/2018 tới nay, trong bối cảnh thị trường không có nhiều đột biến. Cụ thể, trên thị trường Upcom, cổ phiếu TTJ của công ty đã tăng từ 20.000 đồng/cp lên 83.000 đồng/cp. Có thời điểm cổ phiếu này chạm ngưỡng 88.000 đồng/cp. Với mức giá này, Thuỷ Tạ được định giá hơn 250 tỷ đồng.

Kem Thủy Tạ thừa nhận chất lượng giảm sút do công nghệ cũ, cổ phiếu vẫn tăng gấp 4 lần vì đất vàng? - Ảnh 1.

Giá cổ phiếu TTJ trong 6 tháng gần đây

Nếu nhìn vào doanh thu lợi nhuận từ việc bán kem để định giá Thuỷ Tạ, có thể mức giá trên được coi là "trên trời", tuy nhiên nếu xem xét các vị trí đắc địa của các nhà hàng Thuỷ Tạ đang quản lý mới thấy công ty này đang sở hữu nhiều đất vàng hiếm có. 

Kem Thủy Tạ thừa nhận chất lượng giảm sút do công nghệ cũ, cổ phiếu vẫn tăng gấp 4 lần vì đất vàng? - Ảnh 2.

Cafe Thủy Tạ và nhà hàng Long Vân là nhà hàng nổi duy nhất trên hồ Hoàn Kiếm

Nhà hàng cafe Thuỷ Tạ và nhà hàng Long Vân là chuỗi nhà hàng duy nhất sát mép hồ Hoàn Kiếm. Các nhà hàng Đình Làng, Mamarosa, cửa hàng ảnh Hồng Vân đều nằm trên phố Lê Thái Tổ thuộc tuyến phố đi bộ Hồ Gươm, nhà máy kem Thuỷ Tạ nằm ở số 2 Lương Yên chỉ cách trung tâm khoảng 3km. 

Kem Thủy Tạ thừa nhận chất lượng giảm sút do công nghệ cũ, cổ phiếu vẫn tăng gấp 4 lần vì đất vàng? - Ảnh 3.

Hiệu quả sản xuất kinh doanh của các nhà hàng của Thuỷ Tạ, đáng chú ý hiệu ảnh mang về doanh thu gần 13 tỷ một năm, lợi nhuận gộp đạt 1,58 tỷ đồng

Kem Thủy Tạ thừa nhận chất lượng giảm sút do công nghệ cũ, cổ phiếu vẫn tăng gấp 4 lần vì đất vàng? - Ảnh 4.

Hiệu ảnh Hồng Vân đối diện quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục

Cơ cấu cổ đông của Thuỷ Tạ đang có sự thay đổi lớn. Ngân hàng ACB cùng hai cổ đông lớn là Nguyễn Mạnh Hà và Nguyễn Minh Hương đã thoái toàn bộ vốn ở vùng giá khoảng 40.000 đồng/cp. Một cổ đông lớn mới xuất hiện là công ty TNHH Xây dựng và dịch vụ Thương Mại Đức Khang đã mua 590.000 cổ phiếu tương đương 19,67%, một cổ đông Lã Xuân Hoà mua 10%, ngoài ra cổ đông lớn nhất của Thủy Tạ là Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro - công ty thuộc tập đoàn BRG) nắm 51%, công ty TNHH Rồng vàng Thái Bình Dương nắm 11,175%. Như vậy 4 cổ đông lớn đang nắm giữ gần 92% vốn công ty.

Toàn bộ HĐQT và Ban Kiểm soát đã viết đơn từ nhiệm, ĐHCĐ lần này Thuỷ Tạ sẽ bầu lại tất cả các thành viên HĐQT cũng như Ban Kiểm soát cho nhiệm kỳ 2019-2024.

Tăng vốn gấp 10 lần lên 300 tỷ

Để mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của thương hiệu kem, tại đại hội cổ đông lần này, HĐQT Thuỷ Tạ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ từ 30 tỷ lên 300 tỷ đồng để có nguồn lực tài chính đáp ứng định hướng phát triển của công ty trong thời gian tới.

Công ty đặt kế hoạch 106 tỷ đồng doanh thu và 6,94 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gần gấp 3 lần thực hiện năm 2018.

Tâm An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên