MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Kênh đào Panama của Việt Nam” trị giá hơn 100 triệu USD có một hệ thống đặc biệt quan trọng

29-07-2024 - 08:52 AM | Kinh tế số

“Kênh đào Panama của Việt Nam” trị giá hơn 100 triệu USD có một hệ thống đặc biệt quan trọng

Hệ thống này giúp công trình được mệnh danh là “Kênh đào Panama của Việt Nam” vận hành một cách trơn tru.

Cách đây hơn 1 năm, vào ngày 25/7/2023, Bộ Giao thông Vận tải đã công bố mở luồng Đường thủy nội địa Quốc gia – kênh Nghĩa Hưng. Đây là cụm công trình kênh đào nối sông Đáy và sông Ninh Cơ. Kênh đào này thuộc dự án phát triển giao thông vận tải khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (Dự án WB6), nằm trên địa bàn của huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản, chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý các dự án đường thủy.

Do có mục đích sử dụng và cách thức vận hành tương tự như tuyến đường thủy nổi tiếng thế giới nên kênh Nghĩa Hưng được mệnh danh là "kênh đào Panama của Việt Nam". Tính đến nay, đây được coi là kênh đào lớn nhất ở Việt Nam, với tổng mức đầu tư là 107,19 triệu USD (tương đương với khoảng 2.300 tỷ đồng, tính theo giá trị tiền tệ ở thời điểm đó), bao gồm nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng ở trong nước.

“Kênh đào Panama của Việt Nam” trị giá hơn 100 triệu USD có một hệ thống đặc biệt quan trọng- Ảnh 1.

Vị trí của kênh đào nối sông Đáy - Ninh Cơ nằm ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Ảnh: TP

Kênh đào Nghĩa Hưng có chiều dài 1 km, chiều rộng dáy là 90 – 100 m, trong đó có một âu tàu rộng 17 m, dài 179 m và sâu 7 m để phục vụ cho tàu thuyền lưu thông qua. Công trình này còn giúp điều tiết thủy lợi và ngăn mặn.

Hệ thống đặc biệt tại "Kênh đào Panama của Việt Nam"

Hạng mục giá trị nhất của kênh đào Nghĩa Hưng chính là âu tàu. Phần này có 2 khu chờ tàu, bao gồm đầu âu tàu ở phía sông Ninh Cơ và đầu âu tàu ở phía sông Đáy. Mỗi đầu có 7 trụ neo và 3 cầu bộ hành. Theo các chuyên gia, trọng tải cho phép đi qua Âu Nghĩa Hưng lên đến 3.000 tấn.

Tương tự như cách vận hành của kênh đào Panama, khi tàu vào trong âu Nghĩa Hưng, cửa âu ở phía sau sẽ đóng kín. Các van sau đó sẽ điều tiết nhằm giúp mực nước ở trong âu bằng với mực nước tại cửa ra. Đến cuối cùng, cửa ở phía trước sẽ mở ra để cho tàu đi qua. Quá trình thực hiện thao tác đóng và mở âu tàu đều được lực lược kỹ sư giám sát nghiêm ngặt nhằm đảm bảo an toàn.

“Kênh đào Panama của Việt Nam” trị giá hơn 100 triệu USD có một hệ thống đặc biệt quan trọng- Ảnh 2.

Tại phòng điều khiển đặt tại tòa nhà nằm ở trung tâm âu tàu là nơi các kỹ sư vận hành hệ thống cửa, van điều tiết, camera giám sát và loa thông báo. Ảnh: TP

Bên cạnh đó, kênh đào Nghĩa Hưng còn có một nhà điều hành với một hệ thống đặc biệt nằm ở trung tâm âu tàu. Đó là hệ thống máy tính được lắp đặt để quan sát ra vào, camera cùng loa thông báo. Theo đó, khi có tàu đi qua hoặc đang chờ, các nhân viên sẽ nhìn qua màn hình quan sát và sau đó thông báo cho các chủ tàu chuẩn bị. Sau đó, máy điều kiến đón và mở cửa ở hai bên đầu âu tàu.

Kênh đào Nghĩa Hưng có thể cho phép 3 tàu (tùy theo khối lượng và kích thước) đi qua mỗi lần. Việc này không chỉ giúp giảm chi phí vận tải, bớt gánh nặng cho đường bộ mà còn giảm ô nhiễm môi trường.

“Kênh đào Panama của Việt Nam” trị giá hơn 100 triệu USD có một hệ thống đặc biệt quan trọng- Ảnh 3.

Âu tàu chính là phần quan trọng nhất của kênh đào Nghĩa Hưng. Ảnh: TP

Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, đến nay, kênh đào Nghĩa Hưng đã giúp đưa hàng nghìn con tàu chở hàng, vận tải dầu... đi qua. Công trình này giúp rút ngắn đáng kể được thời gian đi lại giữa khu vực sông Đáy và sông Ninh Cơ, đồng thời góp phần phát triển kinh doanh giao thương thuận tiện tại những vùng lân cận.

Đặc biệt, với các tàu có trọng tải từ 2.000 – 3.000 tấn, kênh đào Nghĩa Hưng giúp tiết kiệm được quãng đường di chuyển lên tới 100 km, tương ứng với 8 giờ lưu thông. Các tàu giờ đây chỉ cần 20 phút là có thể từ ven biển đi qua sông Ninh Cơ vào sông Đáy và ngược lại, từ đó giúp tiết kiệm chi phí nhiên liệu lên đến 20 triệu đồng.

“Kênh đào Panama của Việt Nam” trị giá hơn 100 triệu USD có một hệ thống đặc biệt quan trọng- Ảnh 4.

Kênh đào Nghĩa Hưng giúp các tàu rút ngắn được thời gian di chuyển, từ đó phát triển kinh doanh giao thương. Ảnh: TP

Từ trước tới nay, WB6 chính là dự án lớn nhất được đầu tư vào hạ tầng đường thủy nội địa ở khu vực phía Bắc nước ta. Dự án được thực hiện trên phạm vi 14 tỉnh/thành phố thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, đây là bước đột phá trong cải tạo hệ thống hạ tầng đường thủy nội địa tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời giúp kết nối vận tải thủy nội địa khu vực với vận tải ven biển nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội, giảm gánh nặng cho đường bộ vốn đang bị quá tải, cũng như giảm ô nhiễm, ùn tắc...

WB6 có tổng mức đầu tư lên tới 200 triệu USD. Trong đó, vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới là 170 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ là 30 triệu USD.

Minh Hằng

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên