Kênh đầu tư vàng có “an toàn"?
Với những biến động khó lường của kinh tế - chính trị các nước trên thế giới, kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ chịu nhiều tác động. Vì thế, kênh đầu tư vàng đang được hướng tới như một nơi “trú ẩn” an toàn, có tính thanh khoản cao. Nhưng các chuyên gia kinh tế đều đưa ra lời khuyên là phải thận trọng và không nên “bỏ trứng vào một giỏ”.
Giá vàng thế giới và trong nước sẽ còn chịu nhiều biến động khó lường. Ảnh: H.Dịu.
Kênh an toàn?
Năm 2016 có thể nói là một năm khá thành công trong việc điều hành thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo NHNN, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ, thị trường vàng trong năm 2016 về cơ bản ổn định và tự điều tiết tốt. Chính vì thế, vào những thời điểm thị trường vàng thế giới biến động mạnh thì thị trường vàng trong nước tương đối ổn định. Sức hấp dẫn của vàng miếng suy giảm, doanh số mua, bán vàng đã giảm nhiều so với những năm trước. Thị trường vàng trong nước điều tiết tốt, nguồn vốn bằng vàng đang có xu hướng chuyển thành tiền hoặc các tài sản khác để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Vàng tuy cũng là một kênh khá hấp dẫn khi có tính thanh khoản cao, tương đối an toàn nhưng lợi nhuận vẫn hàm chứa rủi ro lớn thì người dân cần phải tìm ra phương thức đầu tư hợp lý hơn, nhất là khi Chính phủ không khuyến khích đầu tư vàng cùng những nỗ lực giảm tình trạng “vàng hóa”, “đô la hóa” trong dân.
Thực tế thị trường cho thấy, trong năm 2016, không ít lần thị trường vàng có ”phản ứng” mạnh trước diễn biến về kinh tế - chính trị của một số nền kinh tế lớn trên thế giới. Tiêu biểu nhất là đợt tăng giá ”khủng” của vàng vào đầu tháng 7/2016 khi sự kiện người dân Anh ủng hộ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) – Brexit và vào cuối năm 2016 sau khi có kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Những sự kiện này đã kéo theo giá vàng trong nước cũng tăng theo, thậm chí, nhiều lần trong năm, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới lên tới vài triệu đồng.
Những diễn biến trên cho thấy sự ”bất an” của vàng trong năm 2016. Nhưng nếu xét trên tương quan giữa ngoại tệ, bất động sản... thì vàng vẫn được xem là một trong những ”hầm trú ẩn” tài sản khá an toàn, nhất là tại Việt Nam, tâm lý găm giữ vàng dù ít hay nhiều vẫn còn ngự trị từ trước đến nay.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Ngô Trí Long, việc đầu tư vào vàng không được Nhà nước khuyến khích nên rất rủi ro. Hơn nữa, giá vàng luôn là một ẩn số không thể lường trước được, bởi giá vàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thực trạng kinh tế của các nước, giá ngoại tệ, giá dầu, lãi suất các nền kinh tế... Chính vì thế, vàng luôn là kênh đầu tư bất ổn, nếu đầu tư cần phải có sự thận trọng nhất định.
”Không nên bỏ trứng một giỏ”
Năm 2017 được đánh giá sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp với sự thay đổi các chính sách kinh tế của Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất, nền chính trị của một số nước đang thay đổi... nên chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến tình hình tiền tệ của tất cả các quốc gia.
”Một số nước đang chạy theo chủ nghĩa bảo hộ dân tộc, chủ nghĩa ”dân túy” được đẩy mạnh sẽ cản trở đến sự phát triển, sự toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới. Khi điều này vấp phải rào cản thì vàng sẽ là một nơi ”trú ẩn” an toàn, do đó, chắc chắn giá vàng sẽ còn biến động theo chiều hướng tăng”, PGS.TS. Ngô Trí Long nhận định.
Tuy nhiên, không phải nhìn nhận theo nghĩa giá vàng tăng thì đầu tư vào vàng sẽ được lợi, mà theo các chuyên gia, việc chọn hướng đầu tư đúng nghĩa là phải có phương pháp chiến lược, cũng như sự am hiểu nhất định về lĩnh vực muốn đầu tư, hơn nữa, nhà đầu tư phải có kinh nghiệm trong kinh doanh, biết ”chốt lời đúng lúc và cắt lỗ đúng thời điểm”.
PGS.TS. Ngô Trí Long chia sẻ, đặc điểm của giá vàng trong nước là hoàn toàn phụ thuộc vào giá vàng thế giới, nhưng bên cạnh đó còn phụ thuộc vào quan hệ cung cầu trong nước. Ví dụ như trước ngày Thần tài vừa qua, mặc dù giá vàng thế giới giảm nhưng giá vàng trong nước tăng, sau ngày này lại có diễn biến ngược lại. Điều này cho thấy rủi ro giá vàng cực kỳ khó lường trước được, vì thế, không ít người có kinh nghiệm trong kinh doanh cũng đã “chết” vì giá vàng.
Chính vì thế, nguyên tắc đầu tư được nhiều chuyên gia nhấn mạnh là “không nên bỏ trứng vào một giỏ”, phải biết cách lựa chọn những kênh đầu tư an toàn nhưng phải có lợi nhuận hợp lý và có tính thanh khoản cao. Vàng tuy cũng là một kênh khá hấp dẫn khi có tính thanh khoản cao, tương đối an toàn nhưng lợi nhuận vẫn hàm chứa rủi ro lớn thì người dân cần phải tìm ra phương thức đầu tư hợp lý hơn, nhất là khi Chính phủ không khuyến khích đầu tư vàng cùng những nỗ lực giảm tình trạng “vàng hóa”, “đô la hóa” trong dân.
Ước tính, số lượng vàng lưu trữ trong dân còn tới 500 tấn, Chính phủ và một số hiệp hội cũng đã lên tiếng yêu cầu NHNN tìm cách huy động lượng vàng dự trữ này, đồng thời thành lập sàn giao dịch vàng để hạn chế tình trạng buôn lậu vàng, giao dịch vàng “chui”. Tuy nhiên, đến nay, những giải pháp này vẫn chưa được thực hiện bởi ai cũng hiểu về rủi ro trong việc kinh doanh và găm giữ kim loại quý này.
Trong một hội thảo được tổ chức gần đây, đại diện NHNN đã cho rằng, nếu có nhiều tiền thì vị đại diện này sẽ đầu tư vào nhiều kênh, nhưng an toàn nhất vẫn là tiền gửi. Bởi lãi suất ngân hàng hiện nay nếu so với khoảng 5 năm trước là thấp, do lạm phát đang được giữ ở mức thấp, nhưng nếu so với một vài nước trong khu vực hiện nay thì lãi suất ngân hàng tại Việt Nam vẫn ở mức tương đối cao.
Nhìn chung, lời khuyên, dự báo của các chuyên gia chỉ mang tính chất tương đối trước những diễn biến khó lường của thời cuộc. Chính vì thế, việc lựa chọn kênh đầu tư hấp dẫn cho năm 2017 phụ thuộc vào sự am hiểu, kinh nghiệm của chính nhà đầu tư, thậm chí có thể phải dựa vào sự “may – rủi”. Tuy nhiên, với những người dân, việc tích trữ vàng đã trở thành một phong tục, để loại bỏ là điều rất khó, nên nếu chỉ lưu giữ để làm đồ lưu niệm, của hồi môn… thì vẫn có thể chấp nhận được.