Kéo giảm sự chênh lệch trong thụ hưởng chính sách BHXH giữa nam và nữ
Nhiều ý kiến cho rằng cần bình đẳng trong thụ hưởng chính sách BHXH giữa nam và nữ theo nguyên tắc đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều để giữ người lao động ở lại mạng lưới an sinh
- 05-06-2024Những thay đổi quan trọng về BHYT từ 1-7-2024 người lao động cần biết
- 03-06-2024Người lao động đẫm mồ hôi trên công trường đường dây 500 kV
- 30-05-20243 nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng lao động tăng nhiều nhất
Góp ý cho dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng đang có sự chênh lệch khá lớn về mức hưởng các chế độ chính sách của BHXH giữa lao động nam và lao động nữ. Trong khi đó, họ có cùng mức đóng, thậm chí lao động nam phải đóng góp vào quỹ BHXH nhiều hơn do thời gian lao động dài hơn.
Đơn cử như chế độ hưu trí. Để đạt mức hưởng hưu tối đa, lao động nam cần 35 năm tham gia BHXH trong khi lao động nữ cần 30 năm. Đặc biệt, trong lần sửa đổi này, dự thảo Luật đã đề xuất giảm số năm đóng tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm, tuy nhiên cách tính tỉ lệ lương hưu tại mốc 15 năm lại có sự chênh lệch giữa nam và nữ.
Cụ thể, mức hưởng hưu của lao động nữ có 15 năm tham gia BHXH bằng 45% bình quân tiền lương tính đóng BHXH nhưng với nam tỉ lệ hưởng chỉ 33,75%. Nhiều người lo ngại rằng dù việc giảm số năm đóng tối thiểu sẽ tạo cơ hội cho những người tham gia BHXH muộn có lương hưu nhưng cũng sẽ kéo giảm mức lương hưu tối thiểu của nam xuống rất thấp. Tỉ lệ hưởng lương hưu quá thấp cũng không hấp dẫn người lao động ở lại hệ thống BHXH.
Bà Huỳnh Thị Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lạc Tỷ (quận Bình Tân, TPHCM), cho rằng khi quy định giảm điều kiện số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm được thông qua, lao động nam nghỉ hưu khi đóng BHXH 15 năm chỉ được hưởng mức lương hưu bằng 33,75% lương tháng bình quân đóng BHXH, không thể đủ sống.
Từ những lý do trên, bà Hà đề nghị xóa sự chênh lệch về tỉ lệ hưởng lương hưu giữa lao động nam và nữ. "Cần bình đẳng giữa lao động nam và nữ, bởi Khi về hưu thì nam hay nữ đều cần tiền để sống, cần chi trả các chi phí ăn uống, khám bệnh như nhau. Với tỉ lệ lương hưu thấp như vậy, lao động nam khi nghỉ hưu sẽ không đủ sống" - bà Hà nói.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề xuất nên lấy tỉ lệ hưởng hưu khi đóng đủ 15 năm BHXH cho cả nam và nữ là 45 %, sau đó, với mỗi năm đóng, lao động nam được cộng thêm 1,5%. Như vậy, lao động nam sẽ đạt đủ 75% sau 35 năm đóng BHXH mà mức lương hưu tối thiểu sẽ không quá thấp.
Không chỉ chế độ hưu trí, lao động nam còn chịu thiệt thòi về chế độ thai sản, nhất là trợ cấp một lần khi sinh con trong trường hợp lao động nam có vợ sinh con nhưng chỉ có chồng tham gia BHXH hoặc cả hai cùng tham gia nhưng vợ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.
Nhiều ý kiến cho rằng mức trợ cấp được tính bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con là quá thấp bởi trong trường hợp này, lao động nam phải chịu áp lực kinh tế rất lớn do vợ không thể đi làm.
Báo người lao động