MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kéo lương hưu gần lại người lao động

04-11-2017 - 16:25 PM | Xã hội

Quy định về lương hưu của lao động nữ nếu áp dụng sẽ tác động không tốt đến nhiều đối tượng khi tham gia BHXH

Sau khi Báo Người Lao Động và các cơ quan thông tin phản ánh những bất cập về cách tính lương hưu gây thiệt thòi đối với lao động nữ (LĐN) từ ngày 1-1-2018, mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung xác nhận đã ký văn bản trình Chính phủ các phương án để xử lý vấn đề này. Trong đó có phương án tạm thời chưa thực hiện khoản 2, điều 56 Luật BHXH mà kéo dài tới năm 2022 mới thực hiện.

BHXH sẽ gánh chịu tổn thất

Trao đổi với phóng viên, luật sư Cao Thế Luận, Công ty Luật Kao Kiến, cho rằng quy định này nếu áp dụng không chỉ gây thiệt thòi quyền lợi cho LĐN mà còn tác động mạnh đến tâm lý của các đối tượng khác khi tham gia mạng lưới an sinh xã hội. Ngoài đảm nhận vai trò lao động như nam giới, LĐN họ còn có thiên chức làm mẹ. Phụ nữ sau khi sinh thì sức khỏe sẽ giảm sút rõ rệt nên việc quy định tuổi hưu cho phụ nữ là 55 thấp hơn 5 tuổi so với nam giới xuất phát từ lý do này. Chính vì những sự quan tâm, ưu tiên của nhà nước mà đông đảo lực lượng LĐN an tâm cống hiến sức lao động của mình trong sản xuất, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội, làm cho nguồn nhân lực của đất nước trở nên dồi dào, phát triển.

"Việc tăng số năm đóng BHXH, tức là LĐN phải đóng BHXH 30 năm mới được hưởng mức lương hưu tối đa 75% thay vì 25 năm như hiện tại. Chưa hết, LĐN phải áp dụng ngay từ đầu năm 2018 không có lộ trình từng năm, trong khi đó lao động nam mãi đến năm 2022 mới triển khai. Quy định này đã hoàn toàn đi ngược lại chủ trương chăm lo cho LĐN của nhà nước và gây ra những bất mãn. Chắc chắn nhiều người rời khỏi mạng lưới an sinh và điều này sẽ gây ảnh hưởng, mất mát to lớn về nguồn nhân lực đối với đất nước; đặc biệt, chính sách BHXH sẽ phải gánh chịu những tổn thất nặng nề" - ông Luận bày tỏ.

Lao động nữ mong mỏi chính sách BHXH phải công bằng, bảo đảm quyền lợi người tham gia Ảnh: KHÁNH AN

Bà Trần Thị Dung, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty TNHH Kollan - một doanh nghiệp có hơn 2.000 lao động tại KCX Linh Trung 1, quận Thủ Đức, TP HCM, cho biết đặc thù của ngành may mặc là môi trường làm việc chịu nhiều tác động của các yếu tố như bụi, tiếng ồn, ánh sáng… Nhiều công nhân (CN) bị bệnh nghề nghiệp như đau lưng, đau cột sống, bị thoát vị đĩa đệm… Bà Dung cho biết nhiều LĐN tại công ty, nhất là lao động ngoại tỉnh, họ không biết tới cây son, thỏi phấn, chứ chưa nói chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe. Đã có không ít CN nữ bị ung thư tới gần giai đoạn cuối mới phát hiện. Áp lực cơm áo gạo tiền khiến họ không có điều kiện chăm sóc cho bản thân.

"Là cán bộ CĐ, mỗi khi thương lượng, chỉ cần đề xuất thành công khoảng dăm chục ngàn tiền lương cho CN là chúng tôi rất vui. Vì với CN chỉ cần 10.000 đồng thôi cũng có thể coi là một bữa ăn của họ rồi. Vậy mà, quy định của BHXH về giảm tỉ lệ lương hưu của LĐN có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 giảm tới mấy trăm ngàn đồng/tháng của LĐN hưởng lương hưu. Sao không tăng quyền lợi cho LĐN mà BHXH lại cắt giảm của họ đi? Tôi thực sự rất sốc và bức xúc vô cùng. Tôi và nhiều chị em CN không đồng tình với chính sách này và đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm xem xét, sửa đổi" - bà Dung kiến nghị.

Đừng để lương hưu trở nên xa vời

Tiếp xúc với phóng viên, số đông LĐN đều bày tỏ sự không hài lòng với quy định tại khoản 2, điều 56 Luật BHXH 2014. Họ cho rằng Bộ LĐ-TB-XH là cơ quan tham mưu xây dựng Luật BHXH, vì vậy phải có trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ tính toán các giải pháp hợp lý để bảo đảm quyền lợi cho LĐN. Trước mắt, nên dừng thực hiện khoản 2, điều 56, Luật BHXH.

Chị Phan Thị Hương, nhân viên bảo vệ tại quận Phú Nhuận, TP HCM, tâm sự: "Tuổi nghề nhân viên bảo vệ vốn ngắn nên bản thân tôi chưa từng nghĩ đến việc được lãnh lương hưu, chỉ ráng làm được đến đâu hay đến đó. Thế nhưng, khi nghe thông tin về quy định giảm lương hưu từ năm 2018, tôi không chỉ bất ngờ mà còn thấy bất bình. Ai không muốn có lương hưu để sống khi về già, song nếu chính sách BHXH mà đối xử thiếu công bằng với người thụ hưởng như quy định khoản 2, điều 56, thì việc hưởng lương hưu đối với chúng tôi ngày càng xa vời".

Bà Lê Thị Thiên Trang, Phó Chủ tịch CĐ Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, cho biết bà sinh năm 1963 và đúng ngày 1-4-2018 sẽ nghỉ hưu. Với 34 năm đóng BHXH, nếu nghỉ hưu tháng 12-2017, bà sẽ được hưởng mức lương hưu tối đa 75% cho 25 năm đóng BHXH, 9 năm còn lại sẽ được hưởng thêm 4,5 tháng trợ cấp cho thời gian đóng BHXH dư ra. Thế nhưng, nếu nghỉ hưu sau 3 tháng nữa, bà chỉ còn được hưởng thêm 2 tháng trợ cấp một lần cho thời gian đóng BHXH dư ra (chỉ còn dư ra 4 năm).

"Tôi may mắn làm việc trong khu vực nhà nước, được tính thời gian đóng BHXH ngay từ đầu nhưng vẫn còn chịu thiệt thòi như vậy khi quy định mới có hiệu lực; còn với nhiều chị em lao động trực tiếp, thời gian đóng BHXH ít hơn thì việc giảm lương hưu sẽ tác động rất lớn, nhất là những người đóng BHXH dưới 30 năm. Tôi thấy Luật BHXH quy định như thế là quá thiệt thòi cho LĐN, đột ngột bị giảm lương hưu sẽ làm cho nhiều chị em bị sốc" - bà Trang trình bày. Từ thực tế này, bà Trang kiến nghị Quốc hội nên có nghị quyết cho tạm dừng thực hiện điều 56 Luật BHXH cho đến khi có quy định mới về kéo dài tuổi hưu của người lao động.

Nhiều người sẽ lãnh "một cục"

Theo ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch CĐ Công ty Nidec Việt Nam, chính sách mới ban hành, chưa kịp áp dụng mà đã bị người lao động phản ứng, điều đó cho thấy luật chưa đi vào đời sống. "Báo chí đã phân tích khá chi tiết về những thiệt thòi của LĐN nếu quy định trên được áp dụng; các đại biểu Quốc hội cũng đã lên tiếng thì chúng tôi hy vọng sẽ có thay đổi. Nếu không, tôi e rằng NLĐ nói chung và người lao động sẽ mất niềm tin vào chính sách, luật pháp; rất nhiều người sẽ lãnh BHXH một lần, không chờ lãnh lương hưu" - ông Hồng nói.

Theo Nhóm PV

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên