Kết quả giám định: “Trợ thủ” đắc lực của Hứa Thị Phấn giả chữ viết
Theo Kết luận giám định số 4358 ngày 4/10/2017, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an xác định 9 cá nhân không ký và viết tên trên các Phiếu thu và Giấy nộp tiền khống gửi giám định, mà chữ viết tên tại mục khách hàng của Hà Quốc Cường và Khổng Đức Tường do bị can Bùi Thị Kim Loan viết.
- 13-03-2018Hoàn tất cáo trạng truy tố Hứa Thị Phấn chiếm đoạt, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín hơn 6.300 tỷ đồng
- 06-03-2018Các bị can đã khai gì về “bà trùm” Hứa Thị Phấn?
- 30-01-2018Cơ quan điều tra nghi ngờ tình trạng sức khỏe của bị can Hứa Thị Phấn
Ngày 10/3/2018, VKSND Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố đối với bà Hứa Thị Phấn , nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng Đại Tín (sau đổi thành VNCB và nay là CB), nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư phát triển Phú Mỹ và 27 đồng phạm vì gây thiệt hại 6.362 tỷ đồng cho Ngân hàng Đại Tín.
Con số thiệt hại liên quan đến 2 hành vi trong đó có việc hạch toán thu khống, đẩy dư nợ khống cho Công ty Phương Trang để bị can Phấn rút tiền sử dụng mục đích cá nhân, gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 5.256 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, bản chất hành vi rút ruột hơn 5.256 tỷ tiền của Ngân hàng Đại Tín đối với hành vi của bị can Phấn được xác định rõ ràng là: khi Ngân hàng Đại Tín có tiền (5.256 tỷ), bà Phấn chỉ đạo thu khống (nhiều lần) vào tài khoản cá nhân, công ty thuộc nhóm Phú Mỹ để chứng minh có tiền đầu vào; chuyển số tiền đang có của Ngân hàng Đại Tín tương ứng vào tài khoản đó cho mình để sử dụng (lập sổ tiết kiệm hoặc hạch toán trả nợ khoản vay của mình trước đó…), rồi chỉ đạo chi khống cho Công ty Phương Trang để đẩy dư nợ khống cho Công ty Phương Trang mà vẫn đảm bảo cân đối trên hệ thống và che giấy hành vi phạm tội.
Trong tổng số tiền 16.451 tỷ giải ngân 82 khoản vay và 1 khoản phát hành trái phiếu của Công ty Phương Trang đến nay xác định còn dư nợ là 9.402 tỷ.
Tài liệu điều tra đã chứng minh bị can Phấn sử dụng hơn 5.256 tỷ, Công ty Phương Trang thực nhận hơn 3.936 tỷ tiền giải ngân bằng tiền mặt, số tiền còn lại là hơn 208 tỷ (9.402 tỷ - 5.256 tỷ - 3.936 tỷ).
Số tiền hơn 208 tỷ này nằm trong số tiền 4.554 tỷ Ngô Thị Ngân (thủ quỹ chính Ngân hàng Đại Tín) nhận tiền mặt từ NHNN, không đem về nộp kho quỹ ngân hàng theo lệnh điều chuyển vốn, mà tự ý đem đến phòng làm việc của bị can Hứa Thị Phấn tại Tầng 6 Tòa nhà Lam Giang (không phải trụ sở Ngân hàng Đại Tín) giao cho khách hàng mà không ký chứng từ. Cho nên Ngô Thị Ngân phải chịu trách nhiệm về số tiền này.
Về giám định, định giá: Để có căn cứ giải quyết vụ án, Cơ quan điều tra đã trưng cầu cơ quan chuyên môn tiến hành giám định, định giá. Kết quả như sau:
Kết luận giám định chữ ký và chữ viết tên: Kết luận giám định số 4358 ngày 4/10/2017, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an xác định 9 cá nhân gồm Lâm Kim Dũng, Hồ Văn Tân, Nguyễn Văn Lâm, Khổng Đức Tường, Hứa Hữu Đạt, Hồ Tuấn Kiệt, Hà Quốc Cường, Nguyễn Thị Kim Loan và Nguyễn Thị Đoan Trang, không ký và viết tên trên các Phiếu thu và Giấy nộp tiền khống gửi giám định, mà chữ viết tên tại mục khách hàng của Hà Quốc Cường và Khổng Đức Tường do bị can Bùi Thị Kim Loan (thư ký bà Phấn) viết; còn lại không đủ cơ sở kết luận chữ ký và chữ viết tên tại mục khách hàng có phải cho Bùi Thị Kim Loan viết và ký hay không.
Kết luận giám định số 6237 ngày 29/12/2017, Viện Khoan học hình sự, Bộ Công an xác định 3 cá nhân gồm Trương Thị Tuyết Nga, Trần Khai Nam và Trần Kỳ Phong, không ký và viết tên trên các Phiếu thu và Giấy nộp tiền khống gửi giám định; không đủ cơ sở để kết luận chữ ký và chữ viết tên tại mục khách hàng có phải do Bùi Thị Kim Loan viết và ký không.
Kết luận giám định số 6402 ngày 29/12/2017, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an xác định Nguyễn Kim Hiếu không ký và viết tên trên các phiếu thu khống gửi giám định; mà chữ viết tên tại mục khách hàng của Nguyễn Kim Hiếu có các đặc điểm giống chữ viết của bị can Bùi Thị Kim Loan; nhưng không đủ cơ sở để kết luận chữ viết tên tại mục khách hàng do Loan viết ra.
BizLive