MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nền kinh tế số 1 châu Âu đưa loạt ông lớn gõ cửa Việt Nam: Sự phát triển "thần kỳ" buộc nước EU hành động

Sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam được quốc tế đánh giá cao trong những năm gần đây.

Mắt xích quan trọng trong chính sách của Hungary

Ngày 19/1, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hungary, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hungary. Diễn đàn nhằm mở cơ hội hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Hungary là một trong những nước đi đầu trong lĩnh vực sản xuất điện tử, dược phẩm, y tế, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất phụ tùng xe hơi,... và là nước duy nhất thuộc khu vực Trung-Đông Âu có quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng thu hút vốn đầu tư nước ngoài với những lĩnh vực nêu trên và được xác định là mắt xích quan trọng trong chính sách "hướng đông" của Hungary.

Hiện Hungary đang đầu tư vào Việt Nam với hơn 21 dự án và hơn 72,26 triệu USD vốn đăng ký, chủ yếu trong lĩnh vực chế biến, chế tạo. Ở chiều ngược lại, Việt Nam có 2 dự án đầu tư vào Hungary với tổng vốn là 5,8 triệu USD. Thương mại song phương giữa hai nước trong năm 2022 đạt trên 1,2 tỷ USD, tăng 1,63 lần so với năm 2019, nhờ lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA).

Thủ tướng Viktor Orbán khẳng định, Hungary ủng hộ EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA). Ông cũng hứa hẹn, với vai trò và vị trí của mình trong EU, Hungary sẽ tiếp tục thúc đẩy để các nước còn lại sớm phê chuẩn EVIPA, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam có mặt nhiều hơn trên thị trường EU.

Thủ tướng Hungary nhấn mạnh: "Việt Nam tăng trưởng rất nhanh và chúng tôi mong muốn có đầu tư của Việt Nam. Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh đầu tư sang Việt Nam".

photo-1706236782998

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hungary Viktor Orbán. Ảnh: TTXVN

 Việt Nam phát triển "thần kỳ": Bộ trưởng Romania kêu gọi nắm bắt cơ hội

Trong chuyến thăm chính thức Romania, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc tại tỉnh Prahova vào ngày 21/1. Tại đây, Thủ tướng được đón tiếp bởi Bộ trưởng Kinh tế, Doanh nghiệp và Du lịch Romania Radu Stefan Oprea cùng lãnh đạo tỉnh và đại diện doanh nghiệp. Cuộc gặp nhằm thảo luận về tiềm năng và cơ hội hợp tác đầu tư giữa Romania và Việt Nam.

Bộ trưởng Oprea nhấn mạnh sự phát triển "thần kỳ" của Việt Nam với tăng trưởng nhanh trong nhiều năm và quy mô dân số đã đạt 100 triệu người. Ông kêu gọi các doanh nghiệp Romania nắm bắt cơ hội hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, và Romania cũng có thể được coi như một cửa ngõ cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường 500 triệu dân của châu Âu.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Prahova, ông Aurelian Gogulescu, cũng xem Việt Nam là "con hổ" tiếp theo của châu Á, nhấn mạnh tiềm năng lớn trong mối quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Tổng thống Đức dẫn đoàn doanh nghiệp "gõ cửa" Việt Nam

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam vào ngày 23/1. Tháp tùng Tổng thống Đức tới Việt Nam là phái đoàn các công ty hàng đầu về máy đường hầm, trang trại gió và vật tư công nghiệp. Điển hình trong số các doanh nghiệp này là Herrenknecht, công ty thống trị thị trường toàn cầu trong lĩnh vực máy khoan hầm, đã từng cung cấp công cụ cho dự án tàu điện ngầm ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner cho biết, năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều của Đức và Việt Nam đạt hơn 11 tỷ USD. Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu. Trên 350 doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Việt Nam. Tính đến tháng 5/2023, Đức có 444 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,36 tỷ USD, đứng thứ 18/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Trước đó, trong năm 2023, theo kết quả khảo sát do Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) thực hiện, có tới 91% doanh nghiệp Đức muốn mở rộng hoặc tiếp tục đầu tư tại Việt Nam. Đầu tư Đức vào Việt Nam không chỉ thể hiện qua số lượng dự án mà còn qua sự tự tin của các doanh nghiệp Đức trong việc kinh doanh tại đây, với 88% doanh nghiệp cảm thấy hài lòng hoặc đánh giá tình hình kinh doanh tốt.

photo-1706236803404

Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải đón Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân tại Sân bay Quốc tế Nội Bài. Ảnh: TTXVN

 Việt Nam có thể trở thành "con hổ châu Á"

Trong những năm gần đây, nhiều phân tích của các chuyên gia, tổ chức và truyền thông quốc tế đã chỉ ra các dấu hiệu cho thấy Việt Nam có triển vọng trở thành "con hổ mới của châu Á".

Theo phân tích của tờ báo Le Petit Journal (Pháp) năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ khi đây là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á ghi nhận mức tăng trưởng dương liên tục qua 2 năm 2020 và 2021, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Tờ báo nổi tiếng của Thụy Sĩ Agefi cũng đồng quan điểm với báo Pháp, đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế đang trỗi dậy của khu vực. Một trong những động lực của sự tăng trưởng này là sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhận định từ các trang Delano (Luxembourg) và Thai Enquirer (Thái Lan) cũng cho thấy Việt Nam đang trên đà tăng trưởng nhờ chính sách mở cửa và sức hấp dẫn đầu tư FDI. Tờ Wall Street Journal (Mỹ) lưu ý rằng Việt Nam đã chiếm được một số thị phần xuất khẩu công nghệ khi thế giới đang "vẽ lại" bản đồ thương mại.

photo-1706236843011

Ảnh: TTXVN

Việt Nam tiếp tục phát triển vượt trội vào năm 2024

Báo cáo Triển vọng thường niên năm 2024 công bố ngày 23/1 của Tổ chức Tư vấn Chính sách Asia House (Anh) dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vượt trội so với các nước láng giềng trong khu vực vào năm 2024. Các ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam ngày càng thu hút đầu tư nước ngoài, nhờ độ mở cửa và các điểm mạnh cơ bản của nền kinh tế.

Trong 10 tháng đầu năm 2023, vốn thực hiện dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đạt khoảng 18 tỷ USD, tương đương 73% tổng số vốn FDI đăng ký trong cùng kỳ. Điều này đáp ứng xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư quốc tế.

Nền kinh tế Việt Nam đang ghi nhận sự phát triển mạnh của môi trường khởi nghiệp công nghệ và đầu tư công vào trí tuệ nhân tạo (AI), nhằm chuyển đổi số và nâng cao vị thế của các công ty công nghệ Việt Nam trên trường quốc tế.

cang-1705916732504508958519.jpg

Việt Nam cũng đang là nước đi đầu trong việc triển khai các dự án blockchain. Việt Nam đang tận dụng công nghệ này để cải thiện hiệu quả ngành logistics, đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Báo cáo cho thấy, các doanh nghiệp trong nước cũng đang sản xuất các sản phẩm có sức cạnh tranh toàn cầu. Điều này được hỗ trợ bởi thị trường lao động mạnh mẽ (với 69% dân số trong độ tuổi lao động). Năm 2024, dự báo AI sẽ định hình lại nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam và thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất.

Việt Nam là một quốc gia sản xuất nông nghiệp lớn và được nhận định sẽ hưởng lợi từ đầu tư AI vào nông nghiệp để tối ưu năng suất và quản lý nguồn lực.

Chính sách xanh của Việt Nam sẽ là yếu tố then chốt trong năm 2024. Việc tiếp tục thúc đẩy và mở rộng các ưu đãi nhằm thu hút và phân bổ nguồn tài chính xanh sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam và giúp xây dựng khả năng phục hồi trước các cú sốc khí hậu.

Báo cáo Triển vọng thường niên năm 2024 kết luận rằng, bất chấp các thách thức từ bất ổn, xung đột ở nhiều nơi trên thế giới và tác động của biến đổi khí hậu, châu Á dự kiến sẽ trở thành động lực chính của tăng trưởng toàn cầu.

Theo Duy Anh

Đời sống và Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên