MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kêu cứu vì trạm BOT "nở nồi"!

18-04-2019 - 11:25 AM | Xã hội

Với những dự án BOT đang triển khai, doanh nghiệp và người dân sẽ phải tốn thêm tiền khi đi trên các tuyến đường từ TP HCM qua Bình Dương đến Bình Phước .

Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước đã làm đơn "cầu cứu khẩn cấp" gửi Thủ tướng, Văn phòng Quốc hội… phản ánh tình trạng trạm BOT đang dần "nở nồi’ ở tỉnh này khiến người dân, DN oằn lưng trả tiền khi đi qua trạm.

"Đã nghèo còn mắc cái eo"

Theo Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước, là tỉnh nghèo nhưng hiện nay Bình Phước có tới 7 trạm thu phí, đã vậy theo dự kiến đến năm 2020 sẽ có thêm 2 trạm thu phí mới mọc lên là điều khó có thể chấp nhận được. Cụ thể, hiện Bình Phước có 5 dự án BOT, trong đó có 4 dự án đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường hiện hữu do địa phương quản lý và 1 dự án BOT trên Quốc lộ 14 do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quản lý. Tổng cộng 5 dự án này có 7 trạm thu phí đang hoạt động. Số trạm sẽ tăng lên thành 9 khi dự án BOT tuyến đường Đồng Phú - Bình Dương hoàn thành vào năm 2020. "Số trạm thu phí trên không chỉ nhiều mà quá gần nhau nên buộc lòng chúng tôi phải gửi đơn kêu cứu" - đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước bức xúc nói.

 Kêu cứu vì trạm BOT nở nồi!  - Ảnh 1.

Tỉnh Bình Phước hiện có đến 7 trạm BOT và tới đây thêm 2 trạm nữa, nâng tổng số lên đến 9 trạm, khiến doanh nghiệp than trời Ảnh: BÁCH VIỆT

Trong đơn kêu cứu, hiệp hội này tính toán nếu chở hàng hóa từ thị xã Phước Long (tỉnh Bình Phước) qua Bình Dương để đến TP HCM thì DN phải trả tiền cho 6 trạm thu phí dù quãng đường di chuyển chưa tới 200 km. "Mỗi lần đi nhập hàng hóa, nguyên liệu phải qua 6 trạm thu phí và mất phí tới 12 lần cho cả đi lẫn về. Hàng sản xuất xong và chở ngược lại TP HCM, ra cảng để đi tiêu thụ lại chịu thêm 12 lần phí nữa. Tổng cộng 24 lần phí đã khiến giá thành sản phẩm lên rất cao" - ông Võ Quang Thuận, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước, than vãn.

Từ đây, hiệp hội này cho rằng việc đặt trạm thu phí quá gần nhau như hiện nay là trái quy định vì thông tư của Bộ Tài chính ban hành năm 2013 yêu cầu khoảng cách tối thiểu giữa 2 trạm thu phí là 70 km. "Chúng tôi tha thiết cầu cứu khẩn cấp tới các cơ quan đơn vị trung ương cho tới địa phương vào cuộc một cách quyết liệt, thanh kiểm tra việc có hay không lợi ích nhóm tại các trạm thu phí BOT, giải quyết những vấn đề bức xúc của dư luận, xử lý nghiêm khắc những sai phạm của cá nhân tổ chức liên quan để xảy ra tình trạng chồng chéo các trạm BOT trên địa bàn Bình Phước" - đơn kêu cứu nêu rõ.

Lo "phí chồng phí" trên Quốc lộ 13

Các DN ở Bình Phước và Bình Dương còn "đau đầu" hơn khi vừa hay tin Quốc lộ 13 (nối Bình Phước với TP HCM) tới năm 2022 có thể nâng thêm tiền phí vì có thêm 1 dự án BOT mới ở đoạn qua Bình Dương. Đó là dự án "Cải tạo, mở rộng Quốc lộ 13" vừa được HĐND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương đầu tư tại kỳ họp HĐND mới đây. Theo tờ trình do Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm ký gửi HĐND, dự án này được đầu tư bằng hình thức BOT với tổng mức kinh phí trên 1.411 tỉ đồng (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng do ngân sách nhà nước chi trả).

Theo nội dung tờ trình, dự kiến Quốc lộ 13 sẽ mở rộng từ 6 lên 8 làn xe. Đoạn mở rộng dài 15 km từ khu vực giáp ranh với TP HCM đến gần trung tâm TP Thủ Dầu Một. Cả 2 làn mở rộng đều nằm bên phải hướng từ TP HCM đến Bình Dương. UBND tỉnh Bình Dương dự kiến sau khi dự án mở rộng Quốc lộ 13 hoàn thành sẽ sử dụng trạm 1 (tức trạm khu vực Vĩnh Phú Lái Thiêu - PV) và trạm 2 (trạm Suối Giữa - PV) để thu phí trên từng nhóm phương tiện nhằm thu hồi vốn đầu tư và mức tăng phí hằng năm không vượt quá theo quy định của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, đại diện Sở GTVT cho biết đây chỉ là dự kiến còn phương án thu phí, mức phí thế nào thì cơ quan chức năng của tỉnh cùng nhà đầu sẽ cân nhắc hợp lý và trình HĐND tỉnh thông qua.

Trong khi đó theo ghi nhận, Quốc lộ 13 đoạn qua Bình Dương, Becamex IDC đang có 2 trạm thu phí hoạt động. Đó là trạm 1 (tức trạm khu vực Vĩnh Phú Lái Thiêu) và trạm 2 (trạm khu vực Suối Giữa). Hai trạm này đã thu phí nhiều năm qua, dự kiến còn thu phí thêm 18 năm nữa. Việc thu phí này dựa vào 2 hợp đồng BOT ký kết giữa UBND tỉnh Bình Dương và Tổng Công ty Becamex IDC nhằm mở rộng Quốc lộ 13 trên tổng chiều dài 65 km từ đoạn giáp TP HCM đến đoạn giáp Bình Phước. Đó là hợp đồng ký kết năm 2002 về nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13 (đoạn giáp TP HCM đến khu vực Bến Cát của Bình Dương) có thời hạn thu phí 35 năm (từ 2002-2037) và hợp đồng ký kết năm 2004 về nâng cấp, mở rộng quốc lộ từ khu vực Bến Cát đến đoạn giáp với Bình Phước với thời hạn thu phí là 33 năm (từ 2004-2037). Như vậy, trên cùng một tuyến đường, "nợ cũ" 18 năm nữa người dân và DN mới trả xong thì sắp tới sẽ phải trả thêm "nợ mới" cho nhà đầu tư.

Vì ngân sách có hạn (!?)

Sau khi Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước làm đơn cầu cứu, UBND tỉnh Bình Phước đã mời đại diện hiệp hội gặp đối thoại. Tại buổi gặp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh lý giải rằng tỉnh này điều kiện khó khăn, hỗ trợ từ ngân sách trung ương có hạn nên kêu gọi đầu tư BOT là rất cần thiết. Về dự án BOT mới từ Đồng Phú - Bình Dương, ông Minh cho rằng nó sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội tại địa phương phát triển.

Phản bác lập luận của ông Minh, ông Võ Quang Thuận khẳng định các trạm BOT đang ảnh hưởng trực tiếp đến không chỉ DN mà còn ảnh hướng tới chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. "Nếu tỉnh Bình Phước giảm được 1 trạm BOT trên địa bàn thì chỉ số năng lực cạnh tranh của DN cũng như của tỉnh sẽ tăng lên (Bình Phước đang xếp hạng 62/63 tỉnh, thành phố về chỉ số năng lực cạnh tranh). Vì vậy, nếu tỉnh không có giải pháp nào ngoài chủ trương "thêm trạm BOT" thì chắc chắn chúng ta sẽ rất khó khăn trong kêu gọi đầu tư" - ông Thuận khẳng định.

Tương tự, liên quan đến lý do chấp thuận chọn hình thức BOT để mở rộng Quốc lộ 13, báo cáo thẩm tra của HĐND tỉnh Bình Dương nêu: "Hiện nay, trong điều kiện ngân sách nhà nước có hạn và nguồn vốn ODA ngày càng giảm, hình thức đầu tư đối tác công tư trong nước (tức là hình thức PPP, trong đó BOT là dạng trực thuộc PPP - phóng viên) có vai trò quan trọng trong việc huy động vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng của tỉnh".

Tuy nhiên, nhiều người lập luận rằng Bình Dương hoàn toàn có thể vận dụng hình thức đầu tư khác để không xuất hiện thêm hay kéo dài thêm thời gian thu phí của các trạm BOT trên Quốc lộ 13, bởi thực tế Bình Dương hiện là một trong những tỉnh giàu vì thu ngân sách mạnh.

Kiến nghị trong... vô vọng

Ông Dương Hùng Việt, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh Bình Phước, khẳng định việc trạm BOT bủa vây trên các trục đường chính ở tỉnh này khiến các thành viên trong hiệp hội liên tiếp kiến nghị các sở - ngành, lãnh đạo tỉnh nhưng không được lắng nghe, giải quyết.


Theo Bách Việt - Như Phú

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên