Khác biệt về thực lực và kinh nghiệm sẽ tạo đột phá tái cơ cấu hệ thống ngân hàng
Với những khác biệt căn bản so với giai đoạn trước, các ngân hàng nhận nhiệm vụ tham gia tái cơ cấu tới đây đều đã sẵn sàng và kỳ vọng sớm mở ra không gian tăng trưởng mới.
- 18-01-2024Thủ tướng mời các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém
- 11-01-2024Đầu năm 2024, nhiều ngân hàng trình phương án tái cơ cấu
- 23-04-2023HDBank trình ĐHCĐ tiếp tục tham gia chương trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng
Tiến độ tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém dự kiến sắp có bước quan trọng, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước vừa gửi tới Quốc hội. Các ngân hàng mua lại bắt buộc là CBBank, OceanBank, GPBank lần lượt được Chính phủ quyết định chủ trương chuyển giao.
Trước đó, trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước cũng đã cho biết ba ngân hàng trên cùng với DongABank được định hướng chuyển giao bắt buộc. Các đầu mối nhận chuyển giao được gợi mở thời gian qua gồm Vietcombank, VPBank, MB và HDBank. Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, công tác định giá đã từng bước hoàn thành.
Khác biệt từ những ngân hàng Top đầu
Kể từ năm 2011, quá trình tái cơ cấu các ngân hàng thương mại đặt ra và triển khai cho đến nay, một trong những yêu cầu hàng đầu là cần có nguồn lực lớn và không dùng ngân sách nhà nước.
Thực tiễn đã có những phương án tái cơ cấu tự nguyện như SHB sáp nhập Habubank, HDBank sáp nhập DaiABank thành công và nhanh chóng tăng trưởng liên tục ngay sau đó. Hay trường hợp tự tái cơ cấu qua thu hút nguồn vốn mới từ cổ đông mới như tại TPBank.
Tuy nhiên, từ năm 2015, khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện mua lại bắt buộc 3 ngân hàng nói trên, cũng như đưa DongABank vào kiểm soát đặc biệt, hướng giải pháp ưu tiên tập trung ở việc lựa chọn các tổ chức mạnh trực tiếp tham gia tái cơ cấu. Đến nay, với 4 ngân hàng Top đầu hệ thống được gợi mở nhận nhiệm vụ này đã định hình, có những nền tảng khác biệt để kỳ vọng tạo đột phá.
Trả lời cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 vừa qua, Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng cho rằng không phải ngân hàng nào cũng đủ năng lực để nhận chuyển giao bắt buộc. Đây cũng chính là điểm khác biệt lớn so với giai đoạn trước.
Cụ thể, cả VPBank, Vietcombank, MB và HDBank đều là những ngân hàng thương mại lớn với tiềm lực tài chính hàng đầu hệ thống, hiệu quả hoạt động dẫn đầu thị trường, các chuẩn mực quản trị điều hành đều đã đáp ứng các thông lệ tốt nhất; trong đó, Vietcombank đã sớm hoàn tất áp dụng Basel II (theo Thông tư 41) trước thời hạn nhiều năm trước, HDBank đã triển khai toàn diện Basel III trong năm 2023 và sẵn sàng áp dụng từ năm 2024...
So với giai đoạn trước, nếu như Vietcombank từng gặp khó khăn trong cân đối tỷ lệ an toàn vốn (CAR) bởi cơ chế tăng vốn điều lệ chưa thực sự linh hoạt, thì những năm gần đây việc được trả cổ tức bằng cổ phiếu đã tháo gỡ một cách căn bản. Trong khi đó, tại HDBank, tỷ lệ CAR theo chuẩn Basel II đã lên tới 13,7% tại 31/3/2024, đạt tới hơn 150% mức tối thiểu Ngân hàng Nhà nước yêu cầu; hay tại VPBank đã đạt tới 15,92%.
Cùng với nền tảng tài chính mạnh, hiệu quả hoạt động Top đầu ngành, cả 4 ngân hàng dự kiến tham gia nhiệm vụ tái cơ cấu và nhận chuyển giao bắt buộc nói trên đều đang kiểm soát tỷ lệ ở xấu ở nhóm thấp trong hệ thống.
Đã cân nhắc kỹ lưỡng, cơ hội mới cho tăng trưởng
Cùng với những khác biệt so với giai đoạn trước về thực lực nói trên, chia sẻ bên lề hội nghị toàn ngành hồi đầu năm 2024, ông Phạm Quốc Thanh - Tổng giám đốc HDBank nhấn mạnh đến một cơ sở quan trọng khác để góp phần tạo đột phá quá trình tái cơ cấu. Đó là kinh nghiệm.
Năm 2013, HDBank tiên phong tham gia tái cơ cấu, sáp nhập DaiABank và mua lại công ty tài chính tiêu dùng SGVF. Ngân hàng hậu sáp nhập tăng trưởng mạnh ngay sau đó, đến nay đã nối dài chuỗi tăng trưởng hơn 11 năm liên tục, với các chỉ số tài chính ở Top đầu ngành.
"Chúng tôi không phải cho nghỉ việc một nhân viên nào trong quá trình sáp nhập hai định chế này. Hệ thống Corebanking được tích hợp chỉ trong vài tháng từ DaiABank về HDBank. Hệ thống lõi của SGVF đã chuyển giao từ Singapore về Việt Nam cho HDBank đảm bảo an toàn, ổn định, liên tục. Sau khi sáp nhập khu vực DaiABank trước đây thậm chí đã vươn lên thành đơn vị dẫn đầu hệ thống về kinh doanh", ông Phạm Quốc Thanh cho biết.
Tổng giám đốc HDBank cho biết thêm, thực hiện định hướng của Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua ngân hàng đã chủ động tích lũy các nguồn lực để sẵn sàng nhận nhiệm vụ tiếp theo. HDBank tin tưởng và cam kết sẽ thực hiện thành công nhiệm vụ được giao.
Về triển vọng thành công, bên cạnh các yếu tố nền tảng tài chính và kinh nghiệm, trả lời tại ĐHĐCĐ vừa qua, Phó Chủ tịch HĐQT VPBank Bùi Hải Quân lưu ý rằng, khác biệt và thuận lợi hiện nay so với giai đoạn trước là Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi, bổ sung) mới được Quốc hội thông qua đã có những điều kiện mở đường, tạo thuận lợi để ngân hàng tiếp nhận chuyển giao bắt buộc.
Những điều kiện mở đường, tạo thuận lợi đó cũng chính là cơ sở để các ngân hàng nhận chuyển giao kỳ vọng sẽ tạo cơ hội mở ra không gian tăng trưởng mới.
"Cổ đông hoàn toàn yên tâm vì chúng tôi đã cân nhắc kỹ lưỡng, việc này hoàn toàn dựa trên lợi ích của ngân hàng và cổ đông", ông Bùi Hải Quân nói. Và như gợi mở thời gian qua, ngân hàng tham gia nhiệm vụ này sẽ được tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn, được mở room cho nhà đầu tư nước ngoài lên hơn 30%, cùng các cơ chế hạch toán, dự trữ bắt buộc, tái cấp vốn... thuận lợi mà Luật Các tổ chức tín dụng đã quy định.
Tại ĐHĐCĐ vừa qua, ông Phạm Như Ánh - Tổng giám đốc MB cũng chia sẻ mong muốn sớm nhận chuyển giao ngân hàng bắt buộc trong năm nay hoặc 2025 để mở ra không gian phát triển mới. Đây vừa là không gian tăng trưởng mới cho các đầu mối nhận chuyển giao như MB, Vietcombank, HDBank, VPBank, cũng chính là cơ hội cho các ngân hàng chuyển giao để hướng tới tạo đột phá và tạo hiệu quả cho quá trình tái cơ cấu chung của ngành.