Khắc phục các dự án lấn vịnh Nha Trang: Không thể hất xuống biển là xong
Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa có ý kiến gì về báo cáo tình hình khắc phục việc lấn biển của các dự án.
- 17-10-2017Vụ lấn vịnh Nha Trang: Không để sự việc "chìm xuồng"
- 16-10-2017Cần trả lại bình yên cho vịnh Nha Trang
- 14-10-2017Vụ lấp trái phép gần 13 ngàn m2 vịnh Nha Trang: Xử phạt công ty Hòn Rùa
Chiều 26-10, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức họp báo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2017. Nhiều ý kiến đã đề cập đến trách nhiệm cơ quan chức năng và việc khắc phục của nhà đầu tư đối với 2 dự án lấn vịnh Nha Trang là dự án Khu du lịch Champarama Resort & Spa (gọi tắt là dự án Champarama) do Công ty CP Khu du lịch Champarama làm chủ đầu tư và dự án Trồng rừng, nuôi rong biển kết hợp du lịch sinh thái đảo Hòn Rùa (gọi tắt là dự án Hòn Rùa) do Công ty TNHH Du lịch sinh thái Hòn Rùa làm chủ đầu tư.
Bộ VH-TT-DL cho tồn tại diện tích lấn vịnh?
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Khắc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa, cho biết chính Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã đồng ý cho tồn tại diện tích lấn biển thắng cảnh cấp quốc gia vịnh Nha Trang đối với dự án Champarama (dự án Rusalka cũ). Theo ông Hà, trước thời điểm năm 2005, tỉnh Khánh Hòa đã thỏa thuận giao đất cho Rusalka (trong đó có khoảng 7 ha lấn biển - PV). Lúc đó, vịnh Nha Trang chưa phải là thắng cảnh cấp quốc gia nên chưa chịu điều chỉnh bởi Luật Di sản. Năm 2016, dự án thay đổi tư cách pháp nhân với tên gọi Champarama. Tỉnh Khánh Hòa đã đo đạc lại thì phát hiện dự án lấn thêm 2,4 ha so với thỏa thuận giao đất ban đầu. "Vì vậy, tháng 11-2016, UBND tỉnh mới có văn bản xin ý kiến Bộ VH-TT-DL về 2,4 ha lấn biển này. Ngày 7-2-2017, Bộ VH-TT-DL trả lời UBND tỉnh là phù hợp với định hướng quy hoạch nên thống nhất với một số nội dung của dự án, nói chung là thống nhất phần 2,4 ha này" - ông Hà nói.
Phần diện tích lấn biển của dự án Hòn Rùa vẫn chưa khắc phục xong. Ảnh: Kỳ Nam
Tiếp đó, trong quá trình thi công, chủ đầu tư tiếp tục lấn hơn 1,7 ha (như Báo Người Lao Động phản ánh) và bị xử phạt 105 triệu đồng, đồng thời buộc khắc phục, trả lại nguyên trạng.
"Phải chia sẻ với doanh nghiệp"
Ông Mai Xuân Hưng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Khánh Hòa, tỏ ra rất "chia sẻ" với nhà đầu tư (!). "Nguyên tắc dưới biển thì phải có chân ta-luy. Vì vậy, khi họ đổ đất ra thì họ lấn. Về phía nhà nước, nói thiệt là mình cũng phải chia sẻ với doanh nghiệp" - ông Hưng nói. Theo ông Hưng, sở này đã kiểm tra và có báo cáo về tình hình khắc phục việc lấn vịnh Nha Trang đối với dự án Champarama (lấn hơn 1,7 ha) và dự án Hòn Rùa (lấn gần 1,3 ha). Dự án Champarama đã khắc phục xong, dù đất đá vẫn còn đổ ngổn ngang. Còn dự án Hòn Rùa thì vẫn chưa đâu vào đâu trong khi thời gian cho phép khắc phục, trả lại nguyên trạng đã hết. "Sở TN-MT sẽ tham mưu cho tỉnh về giải pháp khắc phục. Không thể đem hất xuống biển là xong. Nếu đất đá chở ra lấn biển thì việc khắc phục phải chở lại vào bờ" - ông Hưng nhấn mạnh.
Về trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với các dự án lấn vịnh Nha Trang, ông Mai Xuân Hưng thừa nhận về phần kiến trúc là trách nhiệm của Sở Xây dựng, còn quản lý đất đai là của Sở TN-MT.
Ông Huỳnh Ngọc Bông, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết đã nhận 2 báo cáo của Sở TN-MT về tình hình khắc phục diện tích lấn vịnh Nha Trang của 2 dự án nói trên và đã trình Thường trực UBND tỉnh. Dù báo cáo cho rằng dự án Champarama đã khắc phục xong nhưng Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa có ý kiến thống nhất hay không với báo cáo này. "Không bao che cho ai cả, chúng tôi xử một cách nghiêm khắc và sẽ có những giải pháp tích cực nhất yêu cầu chủ đầu tư khắc phục các vấn đề trên" - ông Bông nói.
Người lao động