MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khắc phục những tồn tại của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài

Là điểm sáng trong thu hút đầu tư toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn cần khắc phục những tồn tại, hạn chế của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Thu hút FDI tăng trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, năm 2023 được đánh giá là một năm thành công của Việt Nam trong thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo đó, dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong năm 2023 đã đạt kỷ lục với 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022.

Đáng chú ý hơn, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, năm 2023 Việt Nam đã thu hút được hàng hoạt các dự án chất lượng cao như các dự án sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử, sản xuất chip…

Khắc phục những tồn tại của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài - Ảnh 1.

Năm 2023 Việt Nam đã thu hút được hàng hoạt các dự án chất lượng cao như các dự án sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử, sản xuất chip

Đồng tình với quan điểm trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Trong bối cảnh thu hút đầu tư toàn cầu suy giảm, thì năm 2023 dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng mạnh, cho thấy vai trò, vị trí của nước ta trong dòng chảy FDI toàn cầu được nâng lên.

"Việt Nam không chỉ là điểm đến đầu tư hấp dẫn mà còn chủ động, tích cực đầu tư ra bên ngoài, sang cả các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Canada… và trong các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Kết quả trên có được là do, năm 2023, Việt Nam tiếp tục triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chủ trì, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, đầu tư ra nước ngoài, xúc tiến đầu tư. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, đánh giá tác động của thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu tới thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đề xuất các giải pháp thu hút, hỗ trợ đầu tư mới áp dụng trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút FDI vào công nghệ chip, bán dẫn, hydrogen xanh…

Khắc phục những tồn tại của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài - Ảnh 2.

Vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong năm 2023 đã đạt kỷ lục với 36,6 tỷ USD

Vẫn còn những tồn tại cần khắc phục

Mặc dù thu hút dòng vốn đầu tư tực tiếp nước ngoài trong những năm gần đây tiếp tục khởi sắc, đặc biệt là năm 2023, cả dòng vốn FDI đăng ký mới và dòng vốn giải ngân đều tăng mạnh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn thẳng thắn nhìn nhận: Đầu tư nước ngoài trong tình hình mới còn nhiều vấn đề cần giải quyết, nhất là việc vận dụng, triển khai thực hiện cao nhất Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị và trước những thay đổi của bối cảnh toàn cầu và khu vực, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu.

“Trong nhiều năm qua, nước ta là điểm sáng toàn cầu trong thu hút FDI, nhưng liên kết giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước còn yếu, thiếu gắn kết, chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển giao công nghệ và cải thiện vị trí trong các chuỗi giá trị toàn cầu” – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm.

Từ những hạn chế trên, năm 2024, để thu hút hiệu quả hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy gắn kết giữa khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần có chính sách tăng sự kết nối giữa hai khu vực doanh nghiệp , những chính sách này bao gồm cả những giải pháp tạo cơ chế để doanh nghiệp FDI tăng cường kết nối với doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực trong nước, tạo cơ hội để doanh nghiệp trong nước rút ngắn khoảng cách với doanh nghiệp FDI, từ đó thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ giữa hai khu vực doanh nghiệp.

Để tăng cường thu hút FDI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; tiếp tục đưa vốn đầu tư công là vốn mồi để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế.

Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương đánh giá kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, xây dựng kế hoạch giai đoạn 2026-2030 gắn với các nghị quyết của Bộ Chính trị, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và địa phương.

Trong giai đoạn 2026-2030, cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 5.000 km đường cao tốc; hạ tầng đường sắt (đặc biệt là triển khai dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam), hệ thống cảng biển, các tuyến kết nối để hoàn thiện mạng lưới vận tải đa phương thức, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ngoài giải pháp đẩy nhanh vốn đầu tư công, để hạn chế những tồn tại của khu vực FDI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính; tiếp tục tham mưu cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư dễ dàng gia nhập và hoạt động trên thị trường theo quy định của pháp luật.

Mới đây, Fitch Ratings - một tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế, đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng ổn định, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam đang có lợi thế trong thu hút FDI nhờ viễn cảnh kinh tế tích cực.

Theo Nguyễn Hòa

Công thương

Trở lên trên