MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khách hàng đòi ngân hàng trả tiền cả lãi và gốc, OceanBank nói chờ phán quyết của toà

29-08-2020 - 09:58 AM | Tài chính - ngân hàng

Tất cả khách hàng đều yêu cầu ngân hàng thực hiện việc trả cả gốc và lãi đã ghi trên sổ tiết kiệm cho đến thời điểm khách hàng nhận được tiền trả.

Ngày 28/8 - làm việc thứ ba trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Trần Thị Kim Chi và đồng phạm xảy ra tại ngân hàng Đại Dương (OceanBank) chi nhánh Hải phòng, Hội đồng xét xử dành phần lớn thời gian buổi sáng tiến hành xét hỏi khách hàng tham gia với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan về quá trình giao dịch gửi tiền và làm việc với nhân viên ngân hàng; hỏi một số cán bộ nhân viên hoặc nguyên là ngân viên của OceanBank chi nhánh Hải phòng với tư cách người làm chứng của vụ án; đồng thời tiếp tục xét hỏi các bị cáo Chi, Hoàng, Huệ, Nha để làm rõ hành vi, vai trò, trách nhiệm của các bị cáo trong vụ án.

Đại diện OceanBank: Liên quan đến tiền mồ hôi công sức đau xót của khách hàng, ngân hàng thực sự thấy đau xót

HĐXX lần lượt mời 17 khách hàng trình bày về việc gửi tiền và giao dịch gửi tiền, tổng số tiền của mỗi khách hàng cho đến thời điểm hiện nay và yêu cầu của khách hàng đối với ngân hàng. Các khách hàng đều khẳng định mình đã đến ngân hàng gửi tiền, đã kiểm tra thông tin trên sổ tiết kiệm. Tuy nhiên, ngày hôm qua trình bày trước tòa, bị cáo Lê Vương Hoàng nói, có trường hợp các bị cáo đến nhà khách hàng nhận tiền hoặc khách hàng trực tiếp mang tiền làm việc với Chi.

Trả lời câu hỏi của Chủ tọa phiên tòa Lê Đức Lập về yêu cầu đối với ngân hàng, tất cả khách hàng đều có chung câu trả lời là ngân hàng thực hiện việc trả cả gốc và lãi đã ghi trên sổ tiết kiệm cho đến thời điểm khách hàng nhận được tiền trả.

Sau phần trình bày của các khách hàng, HĐXX đặt câu hỏi với ông Nguyễn Tiến Hùng – người đại diện theo pháp luật của ngân hàng Đại Dương: "trong sự việc này, để xảy ra vụ án như vậy, theo ông vai trò các bị cáo trong vụ án này là như thế nào? Bị cáo Hoàng, Huệ và Nha có thực hiện được hành vi không nếu không có sự đồng ý của bị cáo Trần Thị Kim Chi"?

Trả lời HĐXX, ông Hùng nói: "mỗi hành vi chiếm đoạt có phương thức khác nhau và rất đa dạng. Nếu không có sự có mặt của bị cáo Chi thì các bị cáo khác cũng có thể thực hiện được. Bị cáo Chi là người phụ trách phần cứng, nhưng nếu để người khác lợi dụng con dấu hoặc giả chữ ký của mình thì người khác cũng có thể thực hiện được hành vi chiếm đoạt; Nhưng nếu có sự chỉ đạo của Chi thì hành vi thực hiện sẽ dễ hơn.

Đối với yêu cầu của các khách hàng về việc ngân hàng bồi thường tiền, HĐXX đề nghị đại diện ngân hàng có ý kiến. Ông Nguyễn Tiến Hùng nói: "về vấn đề này, tôi xin phát biểu đúng mực và đúng pháp luật bởi nó liên quan đến tiền mồ hôi công sức đau xót của khách hàng. Ngân hàng thực sự thấy đau xót. Ngân hàng là xương sống của nền kinh tế, để xảy ra bất cứ hành vi nào đều cần lên án và xử lý nghiêm khắc. Nhưng mặt khác lại liên quan đến tài sản nhà nước, chúng tôi không có quyền đồng thuận hay không đồng thuận với yêu cầu của khách hàng. Do vậy, chúng tôi mong muốn tòa án công bằng sáng suốt đưa ra bản án đúng pháp luật, bên nào gây thiệt hại sẽ phải thực hiện trách nhiệm".

Ông Hùng nói thêm "trách nhiệm bồi thường liên quan đến tội danh của các bị cáo. Nếu phạm tôi tham ô thì ngân hàng chịu trách nhiệm bồi thường; nếu phạm tội lừa đảo thì các bị cáo phải bồi thường".

Trần Thi Kim Chi đã chỉ đạo các bị cáo lập sổ viết tay theo dõi các giao dịch, tiền gửi và tiền lãi trả cho khách hàng

Trong phiên làm viêc ngày 28/8, HĐXX, đại diện Viện kiểm sát và luật sư của các bên tiếp tục xét hỏi các bị cáo Chi, Hoàng và Nha. Đại diện Viện kiểm sát lần lượt yêu cầu các bị cáo xác nhận lại trước tòa đã tham gia thực hiện và ký bao nhiêu thẻ tiết kiệm không có trong hệ thống và ký với tư cách gì. Cả 3 bị cáo Lê Vương Hoàng, Nguyễn Thị Minh Huệ đều xác nhận các nội dung trong cáo trạng và không có thêm ý kiến gì.

Trả lời câu hỏi của luật sư Mai Tiến Dũng (bào chữa cho bị cáo Trần Thị Kim Chi) về việc đối với một số thẻ tiết kiệm giá trị nhỏ mở ngoài hệ thống thì sau khi giao dịch viên lập và ký xong thì ai giữ, bị cáo Lê Vương Hoàng trả lời là Hoàng có giữ.

Cũng liên quan đến việc giữ phôi thẻ tiết kiệm, bị cáo Chi trình bày tại tòa: tại nhiều thời điểm bị cáo ra khỏi cơ quan, để tránh việc khách hàng đến gửi tiết kiệm phải chờ lâu, Chi có ký sẵn một số phôi thẻ tiết kiệm giao cho nhân viên. Trường hợp nếu có khách hàng tất toán sổ tiết kiệm thì bị cáo Chi cho biết việc tất toán không cần phải có sự có mặt tham gia của lãnh đạo chi nhánh.

Khi luật sư Dũng hỏi bị cáo Hoàng có từng nhận thẻ tiết kiệm Chi đã ký trước không, Hoàng không khẳng định và trả lời là đã lâu rồi nên không nhớ. Hoàng nói, có một thời gian bị cáo được phân công làm đầu mối giữ sổ đầu ngày và trả lại cuối ngày (nếu không sử dụng hết). Lê Vương Hoàng trình bày: theo chỉ đạo từ Trần Thị Kim Chi, với sổ ngoài hệ thống, nếu khách hàng mang tiền đến nộp thì mang đến quỹ chỗ Nha kiểm đếm cho khách hàng yên tâm, sau đó mới nộp lại cho Chi. Tuy nhiên, bị cáo Chu Văn Nha phủ nhận và nói Nha chưa từng thực hiện thu tiền của khách hàng vào rồi lại bỏ ra.

Theo vị đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa, trong thời gian từ năm 2012 đến tháng 8/2017, các bị cáo đã làm với rất nhiều khách hàng, số tiền rất lớn đều để ngoài hệ thống, không thông qua phần mềm của ngân hàng để quản lý, vậy các bị cáo tính toán số tiền, ghi chép các giao dịch, tiền lãi trả cho khách hàng như thế nào? Bị cáo Lê Vương Hoàng trình bày: để quản lý thì Trần Thị Kim Chi đã yêu cầu bị cáo lập sổ viết tay theo dõi. Như trường hợp khách hàng Nguyễn Thị Phương. Bà Phương là khách hàng lớn của Chi, do Chi trực tiếp giao dịch và tự theo dõi tiền. Có lúc Chi bận ra ngoài, bà Phương đến lĩnh lãi hàng tháng thì Chi chỉ đạo Hoàng tính lãi trả cho bà Phương và cuối ngày báo cáo lại Chi. Các giao dịch thì bị cáo đều ghi vào sổ và báo cáo Chi, có bứt tích và chữ ký của Chi.

Sau khi bị cáo Hoàng trình bày điều này, đại diện Viện Kiểm sát cho tòa biết: "trong quá trình điều tra, cơ quan An ninh điều tra đã thu giữ cuốn sở ghi chép. Các bị cáo đã được xem và xác nhận sổ này bị cáo đã lập, ghi chép số tiền, số sổ, tiền lãi đến hạn phải thanh toán. Cho nên mặc dù hành vi vi phạm diễn ra trong thời gian dài mà các bị cáo vẫn quản lý được, theo dõi sổ tiết kiệm ngoài hệ thống, theo dõi tiền trả lãi… Điều này hoàn toàn phù hợp với diễn biến vụ án đã được điều tra và lời khai của các bị cáo trong phiên tòa xét xử. Cơ quan điều tra đã giám định bút tích và dấu vết của các bị cáo đã ghi chép trong cuốn sổ này". Bị cáo Lê Vương Hoàng đã xác nhận và không có ý kiến khác về điều này.

Hôm nay 29/8 tòa tiếp tục làm việc với phần xét hỏi của các luật sư.

Hương Đào

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên