MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khách không thiếu, chỉ thiếu sân bay

Trong khi tốc độ tăng trưởng của ngành hàng không đang ở mức 17-20%, nhiều hãng hàng không tư nhân đang xếp hàng xin chờ cấp phép bay thì vẫn tồn tại một cái “khó” là hạ tầng sân bay không đáp ứng được, mà điển hình là Tân Sơn Nhất.

Hiện, có đến 3 hãng hàng không tư nhân đang “xếp hàng” nộp hồ sơ xin cấp phép bay lên Cục Hàng không Việt Nam gồm SkyViet, Vietstar và mới đây nhất là Viet Bamboo Airways.

Hãng hàng không SkyViet trên cơ sở chuyển đổi của Công ty Bay dịch vụ hàng không (Vasco - Công ty con của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam), hai đối tác góp vốn còn lại đến từ Ngân hàng Kỹ Thương (Techcombank) là Công ty Quản lý quỹ (Techcom Capital) và Công ty Phát triển dự án (Techcom Developer). Tuy nhiên, dù đã thành lập được 1 năm nhưng đến nay SkyViet vẫn chưa thể đi vào hoạt động do các vướng mắc về thủ tục xin cấp phép.

Theo Vietnam Airlines, các vướng mắc này hiện chưa có phương án và lộ trình giải quyết dứt điểm nên đã gây ra sự lãng phí nguồn vốn góp, mục đích ban đầu đặt ra khi góp vốn thành lập công ty cũng không đạt được. Vì vậy, hai cổ đông đến từ Techcombank đã đề nghị rút vốn khỏi SkyViet. Như vậy, có thể nói rất có thể SkyViet sẽ “chết yểu” khi chưa kịp cất cánh.

Tiếp đến là Hãng hàng không Vietstar Airlines của Công ty Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt. Mặc dù thủ tục đã hoàn tất song hiện hãng hàng không này cũng đang phải chờ đợi để được cấp phép. Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, về cơ bản, hồ sơ cấp phép của Vietstar Airlines đã đáp ứng đầy đủ. Tuy nhiên, do phương án hoạt động của Vietstar liên quan nhiều đến Tân Sơn Nhất mà sân bay này lại đang quá tải.

Đầu tháng 4/2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản chính thức trả lời về việc “hoãn” cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar. Theo đó, việc cấp phép sẽ được xem xét sau khi đã hoàn thành xây dựng thêm nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay theo đúng Phương án điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mới đây, Hãng hàng không Viet Bamboo Airways của Tập đoàn FLC cũng rục rịch bước chân vào thị trường này. Hiện hồ sơ của hãng này đã được Cục Hàng không tiếp nhận và đang trong quá trình xem xét, đánh giá.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Hàng không, hiện đang có sự mâu thuẫn giữa Nghị định 92/2016 về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không và Luật Đầu tư 2014. Trong khi Nghị định 92 quy định, doanh nghiệp nộp hồ sơ về Cục Hàng không, Cục sẽ báo cáo lên Bộ Giao thông vận tải, Bộ sẽ báo cáo tiếp lên Thủ tướng. Còn Luật Đầu tư năm 2014 quy định các dự án đầu tư trong lĩnh vực vận tải hàng không phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.

Vướng mắc này đang được Cục Hàng không kiến nghị lên Bộ GTVT có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ.

Còn phải nhắc đến việc “ngỏ lời” của Hãng hàng không AirAsia. Được biết, đây là lần thứ 4 hãng này muốn vào thị trường Việt Nam bằng việc bắt tay với Công ty Gumin do ông Trần Trọng Kiên làm tổng giám đốc. Theo đó, liên doanh có vốn 1.000 tỷ đồng, Gumin sở hữu 70%, AirAsia nắm phần còn lại.

Với những lời đề nghị trên có thể thấy sự tăng trưởng chóng mặt của hàng không Việt Nam đang trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư như thế nào.

Lãnh đạo Cục Hàng không khẳng định, tiềm năng của ngành vận tải hàng không vẫn còn để các nhà đầu tư tham gia.

Hiện, tốc độ tăng trưởng vận tải hàng không Việt Nam đang ở “top đầu” thế giới, đứng thứ 3 trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Trong khi tốc độ tăng trưởng hàng không dân dụng của khu vực ở mức trung bình 7%/năm thì ở Việt Nam đang tăng khoảng 17-20%/năm.

“Trong 10-15 năm tới, hạ tầng hàng không phát triển đến đâu thì hàng không sẽ phát triển đến đấy, chưa thể bão hòa. Bằng chứng là hiện 3 hãng hàng không nội địa hiện tại gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific đều có những kế hoạch đầu tư lớn cho đội tàu bay”, lãnh đạo Cục Hàng không nhìn nhận.

Theo Phan Trang

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên