Khách rủ nhau 'bùng', nợ xấu vay tiêu dùng tăng cao
Thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên, sự xuất hiện của tín dụng đen cùng nhiều yếu tố khách quan khác đã đẩy nhiều công ty tài chính tiêu dùng, ngân hàng khó tiếp cận người vay cùng tỉ lệ nợ xấu ngày càng tăng.
- 31-10-2023Cho vay tiêu dùng đuối sức vì khách "bùng" nợ vay
- 18-10-2023Khách hàng “thắt lưng, buộc bụng”, vay tiêu dùng gặp khó
- 15-10-2023Xử lý quỵt nợ vay tiêu dùng
Tại Hội thảo “Gỡ khó cho vay tiêu dùng - đẩy lùi tín dụng đen” được tổ chức ngày 31/10, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, tín dụng cho vay tiêu dùng đang sụt giảm mạnh do nợ xấu tăng cao. Theo ông Hùng, đến 31/8/2023, dư nợ cho vay phục vụ đời sống toàn hệ thống đạt khoảng 2.671.000 tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 0,35% so với 31/12/2022, nợ xấu chiếm trên 4%.
Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của 16 công ty tài chính là 135.945 tỷ đồng (chiếm khoảng hơn 5% dư nợ cho cho vay phục vụ đời sống). Tuy nhiên, nợ xấu của các công ty tài chính đến nay đã lên đến 8-10%, cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro, nợ xấu tăng cao.
Ông Lê Quốc Ninh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng cũng cho hay, tín dụng tiêu dùng đang trong giai đoạn khó khăn nhất trong vòng hơn 15 năm qua.
Dư nợ cho vay của nhóm công ty tài chính tiêu dùng tính tới cuối tháng 6/2023 giảm 10,2% so với cuối năm 2022. Nợ xấu của nhóm công ty tài chính cũng tăng từ mức 10,7% cuối 2022 lên 12,5% cuối tháng 6/2023 - theo thống kê của Fiingroup.
Theo ông Ninh, số nợ xấu này rất đáng báo động. Nguyên nhân của tình trạng này ngoài kinh tế khó khăn, thu nhập của người lao động giảm còn do các công ty tài chính bị đánh đồng với các tổ chức tín dụng đen, khách hàng cố tình “bùng” nợ; hoạt động gian lận ngày càng tinh vi và gia tăng…
Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết thêm, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện cho khách hàng và người dân tiếp cận vốn.
Song song với đó, Ngân hàng Nhà nước còn chỉ đạo các ngân hàng thương mại, công ty tài chính tiêu dùng (do Ngân hàng Nhà nước cấp phép), các quỹ tín dụng… cải cách thủ tục hành chính, mở rộng mạng lưới và các sản phẩm dịch vụ tài chính số để người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận vốn vay.
Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn, Phó trưởng Phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) kể, thời gian qua, lực lượng công an đã khởi tố 90 vụ án với hơn 400 bị can hoạt động tín dụng đen .
Đáng lưu ý là có nhiều băng nhóm hoạt động liên quan đến công nghệ cao, thậm chí có cả đối tượng là người nước ngoài vào Việt Nam thành lập các công ty rồi thuê nhân viên là người Việt Nam. Hoạt động tín dụng đen chủ yếu trên môi trường không gian mạng và cho vay với lãi suất lên đến hàng nghìn phần trăm/năm.
Khoản vay có số tiền rất nhỏ nhưng cộng lãi suất với các khoản phí thì số tiền người vay phải trả rất lớn. Về tình hình tội phạm tín dụng đen trong những tháng tới, thiếu tá Sơn dự báo sẽ diễn biến rất phức tạp.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, khuyến nghị mức lãi suất và các khoản phí cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tối đa chỉ nên 20-25%/năm. Đây là mức phù hợp đảm bảo khả năng chi trả của người vay cũng như đặc thù của hoạt động cho vay tiêu dùng.
Tiền phong