MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khách sạn 4-5 sao rơi vào khủng hoảng trống phòng, tuy nhiên vẫn chưa xuất hiện tình trạng bán tháo, cắt lỗ

04-09-2020 - 17:15 PM | Bất động sản

Hiện nay có nhiều thông tin ồ ạt cắt lỗ tài sản khách sạn nhưng có chăng đó chỉ là những tài sản khách sạn 2-3 sao, khách sạn gia đình nhỏ lẻ, còn những khách sạn cao cấp 4-5 sao đa phần sở hữu bởi các chủ đầu tư lớn có tiềm năng tài chính từ các ngành nghề kinh doanh khá tốt nên vẫn cầm cự được.

Báo cáo mới nhất của Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, dịch Covid-19 đã khiến phân khúc khách sạn 3-5 sao tại Hà Nội lần đầu tiên rơi vào tình trạng khủng hoảng trống phòng mặc dù giá dịch vụ tại các cơ sở lưu trú giảm tới 40-60%.

Khảo sát cho thấy, khách sạn Pan Pacific ưu đãi hơn 40% còn 1.9 triệu đồng/1 đêm phòng Deluxe, tặng 500 nghìn đồng cho dịch vụ ẩm thực, ưu đãi 30% ăn uống tại nhà hàng và bar; InterContinental Hanoi Landmark 72 giá 4 triệu đồng/đêm với ưu đãi: Buffet sáng, trưa hoặc bữa tối cho 2 người, miễn phí nâng hạng phòng, ưu đãi 20% tại nhà hàng, quán bar, giảm 30% khi đặt phòng thứ 2; miễn phí dịch vụ trong khách sạn.

Đặc biệt, khách sạn Metropole giá 1,160 triệu đồng/ngày bao gồm phòng ngủ thuộc khu vực Opera Wing, sử dụng hồ bơi, phòng gym và một số đồ uống không cồn tại bar...

Mặc dù giảm giá mạnh, nhưng công suất bình quân sử dụng buồng phòng khá thấp, uớc tính khối khách sạn 1-5 sao đạt 10.6%, giảm 53.4 % so với cùng kỳ năm 2019, cụ thể: Khách sạn Lotte đạt 30%, Khách sạn Metropole 25%, Crown Plaza Hà Nội 18%; Deawoo 7%...

Nguyên nhân phân khúc khách sạn cao cấp 3-5 sao rơi vào khủng hoảng trầm trọng bởi các khách sạn này chủ yếu phục vụ khách quốc tế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, hiện nay lượng khách quốc tế sang Việt Nam rất ít.

Mặc dù, hầu hết các khách sạn đều có tỷ lệ lấp đầy chưa từng có tuy nhiên quan sát trên thị trường có thể thấy hầu như không xuất hiện tình trạng chuyển nhượng, bán tháo hay cắt lỗ. Hiện nay các khách sạn đnag rao bán chuyển nhượng ồ ạt chủ yếu là những khách sạn dưới 3 sao nhỏ lẻ.

"Hiện nay có nhiều thông tin ồ ạt cắt lỗ tài sản khách sạn nhưng có chăng đó chỉ là những tài sản khách sạn 2-3 sao, khách sạn gia đình nhỏ lẻ, còn những khách sạn cao cấp 4-5 sao đa phần sở hữu bởi các chủ đầu tư (CĐT), nhà đầu tư (NĐT) lớn có tiềm năng tài chính từ các ngành nghề kinh doanh khá tốt nên vẫn cầm cự được", ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương cho biết.

Đại diện Savills cũng khẳng định: "Tôi nghĩ, hiện tại và trong các tháng tới đây sẽ không có quá nhiều các dự án bán tháo, bán lỗ như tin đồn. Đối với các dự án khách sạn chất lượng (4-5 sao) không có hiện tượng bán lỗ. Mà những dự án này do ảnh hưởng bởi dịch nên có thể sẽ đưa ra mức giá phù hợp hơn. Nếu trước đây họ không muốn bán ra thì với tình hình dịch bệnh như hiện nay các CĐT/NĐT sẽ sẵn sàng ngồi lại trao đổi, cởi mở hơn để thương lượng chứ không phải bán với giá thấp hoặc bán tháo", ông Mauro khẳng định.

Khảo sát thực tế cho thấy do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách du lịch giảm mạnh nên nhiều khách sạn ở trung tâm Hà Nội đã rơi vào tình trạng hiu hắt, ế ẩm. Không ít cơ sở lưu trú đã phải đóng cửa, rao bán hoặc giảm giá kịch sàn. Các thông tin rao bán khách sạn chủ yếu tập trung tại các khách sạn nhỏ lẻ 2-3 sao tại  các phố Hàng Gai, Hàng Buồm (Hoàn Kiếm), Đặng Thai Mai, Trúc Bạch , Quảng An (Tây Hồ)...là những nơi trước đây kinh doanh khách sạn "hái ra tiền" cho khách Tây thuê.

Tuy nhiên, trong số những khách sạn nhỏ đang được rao bán thật cũng có những lời rao bán khách sạn 4-5 ảo, do môi giới tự chào mời. Đơn cử như khách sạn Grand Vista Hanoi bị “rao bán” trên các trang bất động sản với con số 950 tỷ đồng. Trao đổi với chúng tôi, đại diện chủ đầu tư khách sạn – Bà Nguyễn Cẩm Tú hoàn toàn bất ngờ và bức xúc vì tin đồn này ảnh hưởng rất lớn tới độ tín nhiệm của khách sạn. 

"Ban pháp lý của doanh nghiệp đã vào cuộc để điều tra rõ nguồn tin, một mặt để bảo vệ hình ảnh khách sạn, mặt khác để cảnh báo cho các khách sạn khác tại Hà Nội về chiêu trò trục lợi này", bà Tú cho biết.

Trao đổi thêm với chúng tôi về cách các khách sạn 4-5 sao đang thực hiện để có thể tiếp tục hoạt động bối cảnh của dịch bệnh Covid-19, bà Tú cho biết, hiện nay nhiều khách sạn đã giảm mạnh giá phòng lên tới 70-80% với các gói nghỉ dưỡng tại thành phố, tạo cơ hội trải nghiệm dịch vụ chất lượng 5 sao cho chính khách hàng tại thành phố.

Sáng tạo các gói dịch vụ mới Thị trường khách sạn tại Hà Nội ghi ấn tượng với những combo – những gói dịch vụ vô cùng sáng tạo và hấp dẫn. Hotel du Parc cho ra mắt “Phòng giải trí” được trang bị nhiều trò chơi hấp dẫn cho cả gia đình với ưu đãi 50% chỉ còn VND150,000/giờ. Pan Pacific ra chương trình Bếp bánh Mùa hè của con chỉ từ VND300,000/bé, tạo hoạt động mùa hè lý thú bổ ích. Hay như Grand Vista Hanoi với combo Swim & Snack, chỉ VND250,000/ người bao gồm vé bơi, đồ uống và đồ ăn nhẹ.

Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, thị trường hàng không nội địa sẽ phục hồi khoảng giữa năm 2021, còn thị trường quốc tế sẽ vào tầm cuối 2021. Điều này cho thấy, phải đến cuối năm 2021 khi thế giới kiểm soát được dịch, giao thương quốc tế mới được trở lại bình thường, thì lúc đó thị trường khách sạn mới có thể hồi phục hoàn toàn. 

Từ nay cho tới lúc phục hồi hoàn toàn, đây là thời gian khách sạn cần liên tục thích nghi thay đổi, đồng thời tận dụng để xây dựng và củng cố quan hệ với khách hàng, cho họ biết khách sạn đã và đang nỗ lực phòng chống dịch và giới thiệu về các chương trình ưu đãi đang chạy.

Lan Nhi

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên