Khai thác cạn vị trí đắc địa, các đập thuỷ điện bị dồn thế hiểm: Xây dựng khủng nhưng không ra điện, thiên tai chực lăm le, người dân nơm nớp lo sợ
Các địa điểm thuận lợi dần trở nên khan hiếm khiến các nhà xây dựng đập thuỷ điện khắp thế giới tìm đến những khu vực nguy hiểm hơn.
- 17-03-2022Căng thẳng Nga - Ukraine sẽ làm giảm sản lượng hàng triệu chiếc ô tô trong vòng 2 năm
- 17-03-2022Trung Quốc ra lệnh phong toả như ‘thêm dầu vào lửa’: Chuyên gia dự báo ‘năm lần bảy lượt’ cũng không lường được bất ổn của thị trường năng lượng
- 16-03-2022Câu hỏi trị giá 140 tỷ USD: Nga có thể bán kho vàng trăm tấn của mình không?
Đập thuỷ điện bị dồn vào thế hiểm
Tuyết đã rơi dày trong nhiều ngày trên dãy Himalaya của Ấn Độ. Sau đó, vào sáng ngày 7/2/2021, một phần đỉnh núi Ronti nứt và đổ sập. Trận tuyết lở có khối lượng đá và băng đủ đề lấp đầy 12.000 bể bơi Olympic và di chuyển với tốc độ 193 km/h đổ xuống chân thung lũng sông Ronti Gad.
Ma sát làm tan băng và tạo ra một trận đại hồng thuỷ hoành hành trên dòng chảy của con sông, tàn phá 2 nhà máy thuỷ điện và khiến hơn 200 công nhân và người dân thiệt mạng.
Sự cố này không phải là điều bất ngờ. Kể từ khi con đập lớn được công bố cách đây 2 thập kỷ, các nhà khoa học đã cảnh báo rằng thung lũng là một địa điểm nguy hiểm vì dễ có động đất và tuyết lở.
Nhà sản xuất điện lớn nhất của Ấn Độ NTPC Ltd. đã tiến hành dự án Tapovan Vishnugad. Vào năm 2013, dự án này cùng với hơn 30 con đập khác trong khu vực đã bị hư hại do lũ quét và hồ băng tràn. Sau đó là vụ sạt lở năm 2021 kể trên.
NTPC đã không nao núng khi dự án chưa kịp sản sinh điện năng đã phải trải qua hai thảm hoạ thiên nhiên trong vòng chưa đầy một thập kỷ. Các công nhân xây dựng vẫn đang bận rộn dọn dẹp các mảnh vỡ và sửa chữa cấu trúc bị lún nứt.
Công nhân sửa chữa nhà máy thuỷ điện Tapovan Vishnugad, Ảnh Bloomberg
Nhiều người dân địa phương nghĩ rằng cuộc sống của họ sẽ tốt hơn nếu không có thuỷ điện. Bhawan Rana là trưởng làng Raini, nơi mà người dân có thể nhìn thấy một trong những con đập bị cuốn trôi. Vị trưởng làng chia sẻ: "Bất cứ khi nào trời mưa, chúng tôi lại lo sợ cho mạng sống của mình. Việc xây dựng bất cẩn đã làm lung lay nền móng những ngôi nhà của chúng tôi".
Sản xuất năng lượng từ thuỷ điện là yếu tố quan trọng để kiểm soát sự nóng lên toàn cầu. Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) đang kêu gọi tăng gấp đôi thuỷ điện vào năm 2050. Đây được coi là một bước hướng tới phát thải ròng bằng 0. Nhưng chi phí 1.000 tỷ USD trong kế hoạch mở rộng toàn cầu sẽ chỉ giúp tăng thêm khoảng 500 GW, tương đương 38% công suất hiện tại.
Kể từ năm 1982, khi nhà máy thuỷ điện đầu tiên đi vào hoạt động trên sông Fox River ở Wisconsin, các hệ thống phụ trợ đã tập trung vào các điểm có hiệu quả kinh tế, nơi các dòng chảy đủ nhanh để quay tuabin.
Nhưng 140 năm sau, những nơi đắc địa nhất ở các nước phát triển đã được khai thác. Các nhà xây dựng bắt đầu chuyển đến các khu vực nguy hiểm hơn như dãy Himalaya hoặc sâu trong khu bảo tồn như Amazon.
Làng Raini. Ảnh: Bloomberg
Xây dựng trên những dữ liệu lỗi thời
Phần lớn các dự án mới nằm ở các quốc gia đang phát triển. Các dự án này thường xuyên bị trì hoãn, thiếu hụt ngân sách hoặc được đặt ở các vị trí nguy hiểm. Chúng gặp nhiều rủi ro hơn từ tác động của biến đổi khí hậu, từ đó hạn chế tiềm năng giúp ngăn chặn sự nóng lên trong tương lai.
Theo các nhà khoa học, các con đập mới được tạo ra mà không sử dụng mô hình khí hậu hoặc dựa vào những dữ liệu đã cũ. Những con số lỗi thời đánh giá quá cao lượng mưa hoặc đánh giá quá thấp nguy cơ tiềm tàng từ lũ lụt và sạt lở đất. Điều này đặt ra câu hỏi về tính khả thi tài chính của địa điểm mới. Công nhân và người dân địa phương cũng đối mặt với rủi ro.
Homero Paltán, nhà nghiên cứu nước và khí hậu tại Ngân hàng Thế giới và Đại học Oxford, cho biết: "Các dự án thuỷ điện thường được lên kế hoạch theo khí hậu trong quá khứ, thứ mà có thể không còn phù hợp nữa. Điều này không được thảo luận kỹ lưỡng và nó gây ra hậu quả cho thị trường năng lượng toàn cầu".
Phía thượng nguồn của Tapovan, dự án thuỷ điện nhỏ Rishiganga là dự án đầu tiên bị san phẳng vào tháng 2/2021. Ngoài thiên tai, lưu lượng nước giảm do sông băng rút dần là một vấn đề lớn đối với ngành này ở Ấn Độ.
Dự án Vishnuprayag 400 MW, hạ nguồn của Tapovan, là một trong những dự án đầu tiên trong khu vực. Nhưng việc duy trì hoạt động vô cùng khó khăn khi dự án liên tục phải đóng cửa bảo trì do lũ lụt và sạt lở đất gây ra.
Song, hạn hán mới là mối quan tâm lớn hơn nhiều so với lũ lụt. Theo Paltán, khoảng 80% các dự án thuỷ điện hiện có và đã được lên kế hoạch ở các nước đang phát triển lại nằm tại các khu vực dự kiến hạn hán kéo dài hơn 10%.
Ví dự như đập thuỷ điện Belo Monte của Brazil đã không sản xuất nổi công suất 11,2 GW. Ngay cả khi tất cả 24 tuabin hoạt động lần đầu tiên vào năm 2021, sản lượng trung bình chỉ đến 3,6 GW do hạn hán.
Một kỹ sư kiểm tra tua bin tại nhà máy thuỷ điện Vishnuprayag. Ảnh: Bloomberg
Xương sống của năng lượng tái tạo chưa sẵn sàng cho thế kỷ 21
Sự kết hợp giữa hiện tượng nóng lên toàn cầu và nạn phá rừng đang làm suy yếu tính kinh tế của dự án. Amazon của Brazil đã mất một khu vực có diện tích bằng bang Connecticut của Mỹ vào năm 2021.
Sự bùng nổ về các công viên gió hay trang trại mặt trời không làm giảm đi nhu cầu về thuỷ điện. Việc sử dụng năng lượng tái tạo thất thường chỉ làm tăng sự phụ thuộc vào năng lượng có thể chuyển đổi hoặc dự phòng như thuỷ điện hoặc hạt nhân.
Chẳng hạn như Ấn Độ, quốc gia có kế hoạch tăng 4 lần năng lượng tái tạo, nhưng sẽ cần nhiều thuỷ điện, điện hạt nhân và pin hơn để tránh phụ thuộc vào than đá và khí đốt làm nguồn năng lượng dự trữ.
Theo IEA, năng lượng mặt trời sẵn sàng để phát triển gấp 20 lần vào năm 2050, tiếp theo là lượng gió tăng gấp 11 lần. Mặc dù pin công nghiệp và hydro xanh có thể đóng vai trò cân bằng, nhưng nếu hydro không tăng gấp đôi quy mô, thế giới có thể vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để hỗ trợ lưới điện. Năng lượng hạt nhân cũng đã sẵn sàng để tăng gấp đôi vào năm 2050, nhưng ngần ấy là không đủ để bù đắp cho sự thiếu hụt các tuabin chạy trên sông.
Cao Nguyên Tây Tạng chính là nơi nhìn thấy rõ nhất mối đe doạ đối với thuỷ điện. Nơi đây thường được gọi là "tháp nước châu Á" bởi vì nó chứa nhiều băng nhất ngoài các vùng cực. Tốc độ tan băng đã tăng gấp đôi trong 20 năm qua và 2/3 số sông băng có thể biến mất vào cuối thế kỷ 21.
Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal và Pakistan đang gấp rút khai thác thuỷ điện càng nhiều càng tốt vì hiện tượng nóng lên toàn cầu đang mang lại nhiều rủi ro hơn. Trung Quốc đã có kế hoạch xây dựng siêu đập lớn nhất nước trong một thung lũng sâu gấp 5 lần hẻm núi Grand Canyon.
Công suất thuỷ điện ở các khu vực. Nguồn: Hiệp hội Thuỷ điện Quốc tế.
Wolfgang Schwanghart, nhà địa lý tự nhiên tại đại học Potsdam ở Đức, cho biết các địa điểm tốt đã bị khai thác hết. Các dự án lớn ngày càng lùi sâu vào những khu vực nguy hiểm hơn.
Trong một nghiên cứu mà ông công bố năm 2016, Schwanghart đã lập bản đồ 2.359 hồ băng trên dãy Himalaya và phát hiện ra rằng 56 dự dán thuỷ điện nằm ở vị trí gần hồ có nguy cơ bị hư hại trong trường hợp hồ tràn.
Tổng cộng có khoảng 90% đập thuỷ điện đã được xây dựng ở Đông Á và 50% có nguy cơ bị đe doạ bởi dòng chảy của sông và lũ lụt tái diễn nhiều lần. Nhưng chưa đến 20% trong số 500 GW tiềm năng trên dãy Himalaya được khai thác. Một nghiên cứu công bố trên trang Nature Energy năm 2017 cho biết 39% tiềm năng thuỷ điện nằm ở châu Á – Thái Bình Dương, 25% ở Nam Mỹ và 24% ở châu Phi.
Sự gia tăng dân số và nhiệt độ tăng khiến nông dân phụ thuộc nhiều hơn vào hệ thống thuỷ lợi. Các thành phố và các ngành công nghiệp mở rộng cũng cần đến nước ngọt. Các con đập thậm chí có thể tạo ra căng thẳng địa chính trị.
Tất cả những vấn đề trên cho thấy thuỷ điện, xương sống của năng lượng tái tạo trong lịch sử, chưa sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu thế kỷ 21. Các nhà máy thuỷ điện cũ cần phải được nâng cấp và giảm chi phí công nghệ.
Theo Bloomberg