Khai thác 'mỏ vàng' bancassurance
Với tốc độ tăng trưởng 3 con số mỗi năm, bancassurance - kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng - đang là tiềm năng vàng để các doanh nghiệp đua nhau khai thác.
- 23-02-2019Vì sao hơn 20 năm, bảo hiểm nhân thọ vẫn chưa tạo được niềm tin cho khách hàng?
- 23-01-2019Bảo hiểm tiền gửi: Góp phần đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng
- 05-01-2019Thu nhập tăng, dân số già, viện phí tăng,...sẽ giúp cho ngành bảo hiểm phi nhân thọ ăn nên làm ra
"Nhất cử lưỡng tiện"
Phân phối bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng đang được xem là tiềm năng vàng cho các doanh nghiệp khi tăng trưởng mạnh mẽ thời gian qua. Điển hình là sự hợp tác của Manulife và Ngân hàng Sài Gòn (SCB). Sau 3 năm hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, doanh thu phí bảo hiểm của doanh nghiệp này đã tăng hơn 100% so với kế hoạch.
Tương tự, kết quả kinh doanh bancassurance của Prudential - VIB trong 3 năm qua cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mới của VIB năm 2018 tăng hơn 200% so với năm 2017 và hơn 260% so với 2016. Đặc biệt, sản phẩm liên kết đơn vị PRU - Đầu tư linh hoạt, giải pháp vừa cung cấp sự bảo vệ tài chính, vừa giúp khách hàng được linh hoạt chọn quỹ đầu tư để gia tăng tích lũy tài sản, đã có hàng chục ngàn hợp đồng chỉ trong 10 tháng đầu năm 2018.
Trường hợp của VPBank và AIA cũng thế. Hợp tác từ cuối năm 2017, và chỉ sau vài tháng kinh doanh, doanh thu từ khoản hỗ trợ ban đầu theo hợp đồng với AIA đóng góp gần 900 tỷ đồng vào thu nhập ngoài lãi trong năm 2017 cho VPBank. Công ty chứng khoán VNDirect nhận định giai đoạn 2018 - 2020, VPBank có thể thu thêm 1.445 tỷ đồng tiền hoa hồng từ việc bán bảo hiểm.
Nhiều ngân hàng khác cũng thu về hàng trăm tỷ đồng từ những hợp đồng độc quyền hàng chục năm với đối tác bảo hiểm như Techcombank ký hợp đồng độc quyền với Manulife thời hạn 15 năm, SHB bắt tay với Dai-ichi Việt Nam hợp tác chiến lược thời hạn 15 năm, Sacombank có chiến lược dài hơi nhất với Dai-ichi khi ký kết hợp tác phân phối bảo hiểm qua ngân hàng với thời hạn lên đến 20 năm.
Số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, hiện có khoảng 8% dân số Việt Nam tham gia bảo hiểm nhân thọ. Trong khi đó, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, số lượng hợp đồng bảo hiểm được khai thác qua bancassurance với 856.953 hợp đồng, tăng 89% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng ghi nhận là số hợp đồng khai thác mới qua kênh ngân hàng tăng 180% so với cùng kỳ năm trước, và doanh thu phí khai thác mới của kênh này chiếm 17,8% tổng doanh thu khai thác mới toàn thị trường.
Ông Trần Vĩnh Đức - quyền Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, năm 2018, ngành bảo hiểm nhân thọ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với tổng doanh thu đạt 115.982 tỷ đồng. Năm 2019, nền kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục đà tăng trưởng cao, dự kiến GDP tăng 6,8 - 7%. Thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, trong đó, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ sẽ tăng trên 25%.
Ngược lại, việc tận dụng được mạng lưới phân phối của ngân hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ được tiếp cận nguồn dữ liệu khổng lồ của ngân hàng mà bancassurance mang lại.Nhờ sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng, danh mục sản phẩm dịch vụ cung cấp cho khách hàng của các ngân hàng tăng thêm mà không cần tăng vốn đầu tư. Hơn nữa, các sản phẩm bảo hiểm được bán đồng thời với cho vay giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro mất vốn.
Tiếp tục khai phá
Chính tiềm năng to lớn của thị trường cùng nhu cầu thực tế của khách hàng gia tăng mạnh mẽ khiến các doanh nghiệp không thể bỏ qua cơ hội này. Sau thành công với các ngân hàng VPBank, Citibank, ACB, SeABank..., AIA Việt Nam tiếp tục ký kết với Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) tăng cường khai phá bancassurance.
Chia sẻ tại cuộc gặp báo chí hồi tháng 12/2018, ông Ng Keng Hooi - Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn AIA đánh giá cao về tiềm năng vàng của kênh phân phối này khi mà Việt Nam với mức tăng dân số nhanh chạm mốc 100 triệu người, GDP tăng trưởng mức cao hơn.
Xây dựng niềm tin với đối tác SCB và các khách hàng của kênh bancassurance sẽ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của Manulife Việt Nam trong những năm hợp tác tiếp theo.
Ở góc độ đối tác của doanh nghiệp bảo hiểm, Ngân hàng VPBank cũng chọn phát triển bảo hiểm qua ngân hàng là một trong những trọng tâm chiến lược. "Bảo hiểm nhân thọ là giải pháp quan trọng mà chúng tôi cung cấp cho các phân khúc khách hàng cá nhân có khả năng tài chính tốt cũng như cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình để họ bảo vệ gia đình trước những khó khăn có thể gặp phải trong cuộc sống", ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc VPBank cho biết.
Theo ước tính của Tập đoàn bảo hiểm Swiss Re, tiềm năng khai thác các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam lên tới 700 tỷ USD dựa vào tỷ lệ tử vong dự tính. Việt Nam cũng có những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tương tự các thị trường đang phát triển khác tại châu Á với tốc độ tăng trưởng GDP cao cùng sự gia tăng của phân khúc trung lưu với tổng tài sản và thu nhập sau thuế tăng mạnh. Tỷ lệ doanh thu bảo hiểm qua ngân hàng chỉ ở mức 6% trong tổng số phí bảo hiểm, trong khi trên thế giới tỷ lệ này là 70%, vì thế, tiềm năng ở thị trường Việt Nam còn rất lớn để các doanh nghiệp khai phá.