Khai tử Quỹ Bình ổn giá xăng dầu?
Việc vừa xả vừa trích quỹ rõ ràng không mang lại hiệu quả cao trong bình ổn giá xăng dầu.
Thông tin từ cuộc họp mới nhất của Bộ Công Thương quanh việc sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu cho thấy nhiều ý kiến mong muốn loại bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) khỏi công thức tính giá cơ sở bởi hiệu quả của nó không cao.
Không thể vừa xả vừa trích
Nhiều năm trở lại đây, giới doanh nghiệp (DN) và chuyên gia đã nêu ý kiến trái chiều về Quỹ BOG. Báo cáo kết quả kiểm toán giai đoạn 2015-2016 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ ra hàng loạt bất ổn liên quan đến điều hành giá xăng dầu, trong đó có Quỹ BOG.
Tuy thừa nhận việc trích lập, quản lý và sử dụng BOG theo Nghị định 83 là cần thiết trong trường hợp giá xăng dầu thế giới có biến động nhưng KTNN vẫn cho rằng việc trích quỹ này vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, khi giá cơ sở tăng so với kỳ trước điều hành giá, cơ quan điều hành giá lại đồng thời thực hiện cả trích quỹ và chi Quỹ BOG.
Như vậy, khi bù trừ phần chi quỹ và phần trích quỹ cho nhau thì giá xăng dầu vẫn không được hỗ trợ nhiều và nhiều trường hợp vẫn phải tăng giá. Trong khi đó, thực tế, nhiều DN đầu mối vẫn còn tồn Quỹ BOG với giá trị lớn sau khi điều chỉnh tăng giá.
Để khắc phục tình trạng này, KTNN kiến nghị chỉ trích lập Quỹ BOG khi giá giảm để giá xăng dầu vẫn ổn định và tạo nguồn cho quỹ. Ngược lại, khi giá tăng thì sử dụng quỹ để bù đắp và không được trích quỹ để đạt mục đích bình ổn giá xăng dầu. Chỉ trong trường hợp thiếu quỹ thì mới tăng giá.
"Tuy nhiên, cũng cần phải cân đối mức chi sử dụng quỹ không nên quá cao, thời gian chi không nên kéo dài vì điều này sẽ dẫn đến giá bán xăng dầu trong nước thoát ly giá thế giới, nhanh cạn quỹ và khi đó buộc phải tăng giá" - KTNN lưu ý.
Về phía DN, nhiều ý kiến cũng kiến nghị loại bỏ Quỹ BOG ra khỏi công thức giá bởi đi ngược với thị trường. Ông Nguyễn Văn Tiu, Chủ tịch HĐQT Công ty Xăng dầu Tự lực I (Hà Nội), cho rằng Quỹ BOG hoạt động không hợp lý và thiếu bình đẳng với ngay các DN. "Thật ra, DN không thích quỹ này bởi nhiều hạn chế về hệ thống phân phối, bán hàng khiến họ bị âm quỹ. Phần nhiều DN dư quỹ chỉ là DN lớn" - ông Nguyễn Văn Tiu giải thích.
Ông Tiu đánh giá việc vừa xả Quỹ BOG vừa trích quỹ rõ ràng không mang lại hiệu quả cao trong bình ổn giá. Ví dụ, sử dụng quỹ 500 đồng mà đồng thời trích vào 300 đồng thì người tiêu dùng chỉ còn được lợi trong thời điểm đó là 200 đồng.
Theo ông Tiu, điều hành theo cơ chế thị trường là tốt nhất, giá xăng dầu lên thì người tiêu dùng chịu mà giá xuống thì họ hưởng lợi. Như thế, sẽ tránh tình trạng giá xăng dầu thế giới xuống mà trong nước vẫn neo cao vì phải trích lập quỹ nhưng giá lên thì không được hỗ trợ nhiều vì vừa xả vừa bị trích lại.
Việc trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vẫn còn nhiều bất cập Ảnh: TẤN THẠNH
Đưa giá xăng về thị trường
Một lý do khác khiến việc sử dụng BOG không còn cần thiết là bởi quỹ này chính là rào cản đưa giá xăng dầu đến với thị trường.
Ông Nguyễn Văn Tiu cho rằng xăng dầu tuy là mặt hàng thiết yếu, cần có sự quản lý nhất định nhưng không cần thiết phải dùng đến công cụ phi thị trường. Bỏ quỹ này sẽ giúp việc điều hành giá xăng dầu trở nên dễ dàng hơn. Thực tế, nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng không cần sử dụng đến Quỹ BOG mà vẫn có thể điều hành được. Ông Tiu cũng cho rằng trong bối cảnh cắt giảm thủ tục hành chính, đưa việc điều hành giá về một công thức đơn giản và hiệu quả nhất thì khi xem xét sửa đổi Nghị định 83, cần quyết liệt, mạnh dạn loại bỏ Quỹ BOG.
Trong khi đó, PGS-TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), nhìn nhận việc điều hành, quản lý BOG là rất phức tạp, nhất là trong việc cân đối giữa xả quỹ và trích quỹ. Nếu chỉ xả quỹ mà không trích thì sớm muộn sẽ cạn quỹ. Còn nếu trích quỹ trong mọi trường hợp thì dễ dẫn đến tâm lý bất bình từ phía người dân khi có những thời điểm giá xăng không được bù đắp đáng kể.
"Nếu không quản lý được hiệu quả nguồn quỹ này thì nên loại bỏ khỏi công thức tính giá xăng dầu. Cùng với đó, tạo ra những cơ chế để đưa giá xăng trở về đúng nghĩa thị trường, như tăng cường đầu mối, giảm độc quyền, loại bỏ tham nhũng chính sách, ưu ái cho DN thị phần... Đó mới chính là cách điều hành giá xăng dầu hợp lý" - ông Đào góp ý.
Ở góc độ khác, nhiều chuyên gia cũng không ít lần lên tiếng đề nghị có những giải pháp cẩn trọng trong quản lý BOG để tránh bị lợi dụng bởi thực tế, quỹ này được tạo nên từ túi tiền của người dân. Trong những thời điểm dư quỹ lớn, giá xăng dầu theo chiều giảm thì đó là một nguồn tiền nhàn rỗi, có thể được sử dụng cho mục đích khác. Tất nhiên, theo quy định, khoản dư quỹ phải được quản lý bởi Kho bạc Nhà nước. Song, để có thể kiểm soát minh bạch, cần có sự vào cuộc của cơ quan thanh tra, kiểm toán.
Cần rút ngắn chu kỳ điều hành giá
Một nội dung khác cũng đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp trong quá trình xem xét, rà soát, sửa đổi Nghị định 83 là rút ngắn chu kỳ điều hành giá xăng dầu.
Theo các chuyên gia và DN, nhịp độ 15 ngày điều hành giá một lần như hiện nay vẫn hơi dài. Theo họ, nên đưa giá xăng dầu về nhịp độ điều hành 7-10 ngày/lần để bám sát thị trường hơn.
Người lao động