'Khám một bệnh nhân được 27.000 đồng mà còn trừ ngược, trừ xuôi'
“Không lý gì cùng là một bệnh nếu chữa ở xã chỉ được dùng thuốc hạ áp giá 100 đồng/viên. Còn lên tỉnh, huyện lại được cấp thuốc đắt tiền hơn", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu bất cập.
- 29-05-2023CPI tháng 5/2023 tăng 2,43%
- 29-05-2023Samsung đã đầu tư 19 tỷ USD vào Việt Nam, tỉnh nào được rót vốn nhiều nhất?
“Nên xem xét công bố hết COVID-19”
Là người phát biểu đầu tiên tại diễn đàn Quốc hội sáng 29/5, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) cho biết: Từ giữa năm 2022, trên diễn đàn Quốc hội, ông từng đề xuất “nên xem xét công bố hết COVID-19”.
Theo ông Hiếu, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế chuẩn bị hồ sơ chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B và công bố hết dịch tại Việt Nam.
“Từ kinh nghiệm thực tiễn qua các đợt chống dịch, tôi cho rằng Việt Nam đến nay, có thể yên tâm công bố hết COVID-19 bởi đã hội tụ đủ các yếu tố cần thiết”, ông Hiếu nói.
Đại biểu đoàn Bình Định nhấn mạnh, khi không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A, cần coi COVID-19 là bệnh lý chuyên khoa và xử lý như các bệnh lý chuyên khoa khác. Việc chi trả cũng cần ứng xử như các bệnh lý khác, nghĩa là do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả.
Theo ông Hiếu, trải qua ba năm chống dịch, chúng ta cần rút ra bài học kinh nghiệm từ những thành công và sai lầm trong quá khứ.
“Tôi còn nhớ khi quyết định thành lập bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 cơ sở Hoàng Mai trên một bãi đất trống, Thủ tướng đã trực tiếp vận động các doanh nghiệp đóng góp tài chính, dồn sức xây dựng để trong 1 tháng đã hoàn thành và đi vào hoạt động.
Hàng nghìn bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch đã khỏi bệnh và xuất viện từ đây. Chúng ta đã chứng kiến cả một hệ thống vào cuộc với hơn 100% sức lực nhưng hết dịch vẫn nhiều điều đáng tiếc xảy ra, những bài học kinh nghiệm vô cùng xương máu.
Vì vậy, chúng ta cần khẩn trương chuẩn bị cả vật chất, văn bản pháp luật, quy trình, hướng dẫn cần thiết để ứng phó tốt hơn với các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai hoặc khả năng COVID-19 bùng phát trở lại”, ông Hiếu cho hay.
Bất cập chính sách "bóp nghẹt" y tế xã, phường
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Lân Hiếu cũng cho rằng, sự bất hợp lý về chính sách đã bóp nghẹt sự phát triển của các trạm y tế xã phường.
“Không lý gì cùng là một bệnh nếu chữa ở xã chỉ được dùng thuốc hạ áp giá 100 đồng/viên. Còn lên tỉnh, huyện lại được cấp viên thuốc đắt tiền hơn. Một đêm trực tiền thù lao chẳng đáng là bao; khám một bệnh nhân được 27.000 đồng mà còn trừ ngược trừ xuôi”, ông Hiếu bày tỏ.
Vậy làm cách nào để một hệ thống dày công xây dựng từ nhiều thế hệ đi trước không bị teo tóp và mất hoàn toàn chức năng điều trị? Theo ông Hiếu, cần thử nghiệm một mô hình mới. Coi các trạm y tế xã phường là phòng khám của trung tâm y tế quận huyện. Các tiêu chuẩn con người là tương đương nhau, cả người bệnh và nhân viên y tế.
"Khi đã vận hành trơn tru, chúng ta sẽ tiến lên một bước nữa. Phối hợp giữa bệnh viện tỉnh và các trung tâm y tế quận huyện. Các bác sỹ giỏi ở tỉnh sẽ về huyện làm việc định kỳ trong tuần, những bệnh nhân sau mổ sẽ được khám lại ở huyện khi hệ thống đã liên thông thực sự”, ông Hiếu nêu.
“Y tế còn bộn bề công việc, rất mong Quốc hội, Chính phủ, người dân có góc nhìn khách quan, cảm thông để ủng hộ, để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ vô cùng quan trọng là chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngày càng tốt hơn”, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho hay.
Cùng mối quan tâm đến y tế cơ sở, đại biểu Nguyễn Văn Huy (tỉnh Thái Bình) cho rằng, do thiếu hướng dẫn cụ thể khi thay đổi nên dẫn tới tình trạng không thống nhất, có sự khác nhau về mô hình tổ chức của trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã. Điều kiện về thuốc, trang thiết bị y tế tại trạm y tế xã chưa bảo đảm để thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Theo ông Huy, cần phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; thể chế rõ phạm vi của y tế tuyến huyện, y tế tuyến xã và y tế thôn, bản gắn với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng tuyến.
Bên cạnh đó, ông Huy cũng đề nghị quan tâm đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế chi trả của quỹ bảo hiểm y tế theo hướng tăng chi cho y tế cơ sở. Thực hiện điều động, luân phiên hợp lý bác sĩ, cán bộ y tế để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã.
“Để góp phần khắc phục tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc, cần quan tâm chăm lo các giải pháp để tăng thu nhập, bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng và phát triển bản thân đối với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở nói riêng, tương xứng với đặc thù công việc và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”, ông Huy nói.
Tiền Phong