Khám phá kinh ngạc về quan tài 16 tấn chứa đầy kho báu trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng
"Lần đầu tiên sau 2.000 năm, chúng ta có cơ hội xác định xem những gì Tư Mã Thiên viết có đúng hay không”.
Năm mươi năm trước, một hoạt động đào giếng định kỳ ở ngoại ô Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, đã dẫn tới việc bất ngờ phát hiện ra một bức tượng bằng đất sét nung, cỡ người thật.
Khi chính quyền tiếp tục cho khai quật, họ nhận thấy bức tượng kia chỉ là một trong số hàng nghìn bức tượng thuộc đội quân đất nung đứng canh gác cho giấc ngủ ngàn thu của Tần Thủy Hoàng - Hoàng đế có công thông nhất Trung Hoa cách đây hơn 2000 năm.
Việc khai quật đường hầm Binh mã dũng số 1 và số 2 suốt nhiều thập kỷ đã đưa các nhà khảo cổ học Trung Quốc từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. Nếu như đường hầm Binh mã dũng số 1 chứa hơn 8000 binh lính, cùng hàng trăm tượng kỵ binh và chiến xa tứ mã; thì đường hầm Binh mã dũng số 2 chứa mô hình trận thế kỵ binh và cung thủ với độ tinh xảo và phong phú hiếm có trên đời.
Giải mã quan tài 16 tấn trong quần thể lăng mộ Tần Thủy Hoàng
Nửa thế kỷ sau ngày đầu tiên phát hiện, quần thể lăng mộ khổng lồ của Tần Thủy Hoàng tiếp tục khiến sử gia, giới khảo cổ kinh ngạc với bí mật mới của nó.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một chiếc quan tài chứa đầy kho báu được giấu bên trong quần thể lăng mộ Tần Thủy Hoàng rộng lớn, Express.co.uk (Anh) thông tin cuối tháng 5/2024.
The Times (Anh) đưa tin, chiếc quan tài nặng 16 tấn này chứa đầy kho báu - bao gồm áo giáp, vũ khí, 6.000 đồng xu, ngọc bích, cặp lạc đà bằng vàng, cũng như đồ dùng và đồ gốm để sử dụng ở thế giới bên kia - được khai quật từ một ngôi mộ cổ nằm được tìm thấy năm 2011 trong quần thể lăng mộ của Tần Thủy Hoàng.
Đến nay, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã phát hiện tổng 9 ngôi mộ cổ thuộc quần thể lăng mộ huyền thoại của Tần Thùy Hoàng. 9 ngôi mộ này đều được phát hiện năm 2011, xung quanh được bảo vệ bởi hàng ngàn binh lính đất nung.
Thông thường, việc khai quật mộ cổ không được triển khai tại khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Tuy nhiên, ngôi mộ đã "bị mục nát đáng kể" và nỗi lo về sự xuống cấp hơn nữa cuối cùng đã khiến các nhà khảo cổ học khai quật và kiểm tra nó sau hơn một thập kỷ phát hiện.
Hiện, giới chuyên gia đang tiến hành phân tích chiếc quan tài này để xác định xem đây có phải là nơi an nghỉ cuối cùng của Công tử Cao - con trai của vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc - hay không.
Nhận định ban đầu của các chuyên gia tham gia nghiên cứu mộ cổ chứa quan tài 16 tấn này là "Kiểu mộ nguyên vẹn này rất hiếm. Cả quan tài lẫn kho báu của nó đều không bị bọn trộm mộ cướp bóc trong suốt hai thiên niên kỷ qua. Hầu hết các ngôi mộ cổ phát hiện năm 2011 đều đã bị cướp nên chúng tôi không có nhiều hy vọng khi kiểm tra quan tài. Nhưng hóa ra nó không bị cướp. Chúng tôi rất kinh ngạc vì điều này" - Người dẫn đầu cuộc khai quật Jiang Wenxiao cho biết.
Công việc tiếp theo của các chuyên gia là xác định ai là người được chôn cất bên trong quan tài chứa đầy kho báu vô giá này.
Ngôi mộ cổ mới được mở ra này chỉ là một trong nhiều ngôi mộ trong quần thể lăng mộ rộng lớn. Theo National Geographic, Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh xây dựng lăng mộ khổng lồ này ngay sau khi ông lên ngôi Vua Tần vào năm 246 trước Công nguyên, khi mới 13 tuổi.
Phần lớn những gì chúng ta biết về Tần Thủy Hoàng, việc xây dựng lăng mộ xa hoa và tốn kém của ông và những bí mật về các khu vực chưa được khai quật đều bắt nguồn từ một tác phẩm đồ sộ 2.000 năm tuổi có tên là "Sử ký" của Tư Mã Thiên được viết từ năm 109 TCN đến 91 TCN.
"Sử ký" kể lại câu chuyện về con trai của Tần Thủy Hoàng - Công tử Cao, người phải chịu số phận bi thảm. Sau khi Tần Thủy Hoàng qua đời, người con trai cả của ông là Phù Tô theo lệ sẽ lên kế vị ngai vàng.
Nhưng do âm mưu của Triệu Cao và tả thừa tướng Lý Tư, Hồ Hợi - con trai thứ 18 của Tần Thủy Hoàng, đã lên nắm quyền.
Theo như câu chuyện kể lại trong "Sử ký", Công tử Cao đã chứng kiến anh chị em của mình đều bị giết hoặc tự tử, và đã cân nhắc đến việc chạy trốn khỏi đất nước. "Nhưng Công tử Cao nhận ra rằng gia đình mình sẽ bị truy đuổi vì điều đó nên đã đối mặt với Hồ Hợi (khi đó đã lên ngôi, gọi là Tần Nhị Thế Hoàng đế) và được hoàng đế ban chết.
Theo "Sử ký", Công tử Cao đã thể hiện mong muốn cuối cùng trước khi chết với Tần Nhị Thế Hoàng đế là được an nghỉ trong khu lăng mộ của Tiên đế - tức Lăng mộ Tần Thủy Hoàng.
Với cuộc khai quật quan tài gần đây này, các nhà khảo cổ đang tự hỏi liệu ngôi mộ mà họ mở ra đó có chứa hài cốt của Công tử Cao hay không.
Trả lời phỏng vấn với Telegraph, Phó giáo sư Hui Ming Tak Ted, nhà sử học về triều đại nhà Tần và phó giáo sư tại Đại học Oxford (Anh) cho biết cuộc khai quật mang đến cơ hội thú vị để kiểm tra tính lịch sử của truyền thuyết.
“Lần đầu tiên sau 2.000 năm, chúng ta có cơ hội xác định xem những gì Tư Mã Thiên viết có đúng hay không”, ông nói.
Tham khảo: PM, Express (UK), MSN
Đời sống Pháp luật