MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khám sức khỏe liên tục vẫn không phát hiện ung thư: Bác sĩ lý giải nguyên nhân

16-06-2019 - 18:27 PM | Sống

Theo các bác sĩ chuyên khoa ung bướu, người dân lo sợ bệnh ung thư hoảng hốt đổ xô đi tầm soát ung thư và tin rằng tầm soát có thể phát hiện ra đủ thứ bệnh.

Khám thường xuyên vẫn ung thư giai đoạn cuối

Chị Nguyễn Thu Phương (35 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ chị muốn đi tầm soát ung thư nhưng mỗi cơ sở y tế có một gói tầm soát khác nhau. Ví dụ, chị Phương tìm hiểu có gói tầm soát ung thư hay gặp ở phụ nữ chỉ có giá 2,1 triệu đồng biết được các nguy cơ bệnh ung thư.

Với đủ các gói khác nhau, mỗi nơi một giá. Chị Phương đến Bệnh viện K trung ương làm tầm soát và chỉ riêng tầm soát ung thư cổ tử cung đã mất khoảng 2,4 triệu đồng chưa kể tiền thuốc (do chị bị viêm âm đạo).

Tuy nhiên, sau khi tầm soát xong ung thư cổ tử cung, chị Phương yên tâm hơn vì các gói tầm soát có giá trị 3, 4 năm sau chị mới phải tầm soát lại.

Trường hợp của chị Lê Thị Hòa (39 tuổi, Long Biên, Hà Nội), chị có u ở tuyến giáp vì thế 6 tháng chị đều đặn đi kiểm tra và sinh thiết tuyến giáp 1 lần. Chị Hòa lo sợ ung thư tuyến giáp mà không biết rằng mình đang sợ quá đã lạm dụng tầm soát ung thư tuyến giáp.

 Khám sức khỏe liên tục vẫn không phát hiện ung thư: Bác sĩ lý giải nguyên nhân - Ảnh 1.

Lạm dụng tầm soát ung thư không tốt như nhiều người nghĩ.

Mới đây, bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ – trưởng Khoa Ung bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết nhiều người nghĩ tầm soát ung thư là cần thiết và mua đủ các gói tầm soát ung thư mà không biết rằng tầm soát cần phải có tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

Bác sĩ Vũ đã gặp trường hợp bệnh nhân lớn tuổi bị ung thư gan giai đoạn cuối, bệnh nhân rất sốc vì tháng nào bệnh nhân cũng đi tầm soát ung thư.

Theo như lời bệnh nhân chia sẻ vì gia đình có điều kiện nên bệnh nhân rất chăm đi khám sức khỏe và có gói tầm soát ung thư nào bệnh nhân cũng mua.

TS Vũ cho rằng người dân chưa hiểu về tầm soát ung thư và tin rằng tầm soát có thể phát hiện ra nhiều bệnh ung thư điều này hoàn toàn sai.

Theo bác sĩ Vũ trong tầm soát ung thư tuyến giáp nếu bệnh nhân lo lắng quá và thường xuyên tầm soát, bác sĩ can thiệp các thủ thuật sinh thiết còn gây hại cho sức khỏe hơn.

Ung thư tuyến giáp là một trong những bệnh ung thư tiến triển chậm, nhiều nghiên cứu đã chứng minh tầm soát ung thư tuyến giáp chỉ gây thêm biến chứng do việc điều trị gây ra, mà không giúp ích gì cho bệnh nhân.

Không riêng gì ung thư giáp, ung thư vú cũng tương tự, bác sĩ Vũ cho biết có bệnh nhân mới 30 tuổi được cho chụp XQ tuyến vú (nhũ ảnh) và trên phim có một nốt mờ nhỏ và cô này vô cùng hoảng sợ. Được bác sĩ giải thích hẹn 6 tháng sau kiểm tra bệnh nhân tạm yên tháng hơn.

Theo bác sĩ Vũ không nên chỉ định chụp nhũ ảnh cho phụ nữ dưới 40 tuổi do mô vú người trẻ rất dày khiến nhũ ảnh thiếu chính xác, đồng thời chụp XQ tuyến vú trên người trẻ sẽ khiến mô vú hấp thu tia X và tự nó là yếu tố nguy cơ gây ung thư vú.

 Khám sức khỏe liên tục vẫn không phát hiện ung thư: Bác sĩ lý giải nguyên nhân - Ảnh 2.

TS BS Phùng Thị Huyền - Bệnh viện K trung ương

Nguy cơ âm tính giả

Theo TS BS Phùng Thị Huyền – trưởng khoa Nội 6, Bệnh viện K Trung ương có nhiều người quen của bác sĩ lo sợ mắc ung thư và đi xét nghiệm tầm soát. Tuy nhiên, các kết quả tầm soát ung thư tiền triệu chẳng có gì ngoài tờ kết quả xét nghiệm máu. Các xét nghiệm này không dùng cho chẩn đoán ung thư mà chỉ mang tính chất tham khảo.

Việc lạm dụng như thế gây tổn hại cho người bệnh đặc biệt gây lo lắng cho bệnh nhân. Hơn nữa, bác sĩ Huyền cho rằng lạm dụng tầm soát có thể mang lại kết quả dương tính giả từ chính các xét nghiệm không cần thiết đó. Với các kết quả dương tính giả này bệnh nhân sẽ phải làm thêm các xét nghiệm khác để chẩn đoán xem mình có "thực sự" bị ung thư không dẫn đến tốn kém và thậm chí có thể gây ra những can thiệp quá mức ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ngoài ra, khi sử dụng các test sàng lọc không phù hợp, có thể dẫn đến kết quả âm tính giả, tức là người bệnh có thể đang mắc ung thư nhưng xét nghiệm trả lời không có nguy cơ mắc ung thư.

Bác sĩ Huyền cho rằng, khi cần sàng lọc ung thư sớm phải được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tùy từng đối tượng, tùy từng bệnh nhân bác sĩ sẽ cho sàng lọc để phát hiện sớm ung thư. Việc phát hiện sớm là chìa khóa vàng trị ung thư nhưng không phải lạm dụng bằng các xét nghiệm.

Mặc dù nhiều loại ung thư có thể chữa khỏi, đặc biệt khi được chẩn đoán ở giai đoạn sớm nhưng tốt nhất nên có biện pháp ngăn ngừa, phòng bệnh trước khi chúng có cơ hội xảy ra.

Cách phòng bệnh tốt nhất là không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu và đồ uống có cồn, duy trì cân nặng hợp lý, thường xuyên rèn thể dục, thể thao. Xây dựng chế độ ăn giàu hoa quả, rau, protein không chỉ tốt cho sức khỏe nói chung, mà còn giúp ngăn ngừa một số bệnh ung thư.

Theo Ngọc Anh

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên