Khẩn cấp tái xuất 1,8 triệu tấn lúa mì nhiễm cỏ kế đồng khỏi Việt Nam
Cỏ kế đồng đã được ghi nhận gây hại cho hơn 27 loại cây trồng, xâm hại đồng cỏ và môi trường tại 40 quốc gia trên tất cả các châu lục trên trái đất trừ Châu Nam Cực giá lạnh. Chính vì vậy, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam xếp loại cỏ này là đối tượng kiểm dịch thực vật (KDTV), cỏ xâm hại. Thế nhưng, lẫn trong 1,8 triệu tấn lúa mì nhập khẩu (NK), cỏ kế đồng đã được đưa vào Việt Nam, cần kịp thời ngăn chặn, không để phát tán ra môi trường.
- 03-11-2018“Sát thủ” cỏ kế đồng có thể gây thiệt hại hàng trăm triệu USD
- 18-10-2018Dừng tái xuất lúa mì nhiễm cỏ, ngành thực phẩm thở phào
- 11-10-20181,6 triệu tấn lúa mì nhập khẩu vào Việt Nam nhiễm cỏ kế đồng nguy hiểm
Kế đồng - loài cỏ xâm hại nguy hiểm
Cỏ kế đồng (Cirsium arvense) là loài cỏ lưu niên gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp (NN) và xâm hại môi trường tại các nước mà chúng xuất hiện do tính thích nghi cao, sinh sản và lây lan rất nhanh bằng cả hình thức vô tính và hữu tính. Loài cỏ này có khả năng phát triển tại các vùng khí hậu khác nhau, từ vùng khô hạn đến vùng đất ngập nước xem kẽ, từ vùng sản xuất NN, đường giao thông... Mỗi cây có thể sản sinh ra 5.000 hạt dễ dàng phát tán nhờ gió, dòng nước, kênh mương thuỷ lợi, động vật và hoạt động của con người. Rễ cỏ có thể ăn sâu xuống 3m và lan rộng đến 6m, từ các đoạn rễ sẽ hình thành nên các cây mới để tiếp tục xâm hại. Loài cỏ này đã được ghi nhận gây hại cho hơn 27 loại cây trồng, xâm hại đồng cỏ và môi trường tại 40 quốc gia trên tất cả các châu lục trên trái đất (trừ Châu Nam Cực giá lạnh). Chính vì vậy, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam xếp loại cỏ này là đối tượng KDTV, cỏ xâm hại.
Cần tái xuất các lô lúa mì nhiễm cỏ kế đồng
Từ ngày 8.5.2018 đến nay Cơ quan KDTV đã phát hiện hơn 1,8 triệu tấn lúa mì bị nhiễm cỏ kế đồng và bắt buộc phải áp dụng biện pháp xử lý theo quy định. Việc áp dụng biện pháp xử lý tái xuất thuộc thẩm quyền của Cơ quan bảo vệ và KDTV và được thực hiện hằng ngày đối với các lô hàng bị nhiễm đối tượng KDTV. Tuy nhiên, để tránh thiệt hại cho DN, Cục BVTV đã nhiều lần họp, thông tin cho DN về vấn đề này và yêu cầu DN lựa chọn nguồn hàng đáp ứng yêu cầu, ký hợp đồng pháp lý ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của đối tác xuất khẩu và có giải pháp chủ động lựa chọn nguồn hàng đáp ứng quy định pháp luật của Việt Nam, ràng buộc trách nhiệm của đối tác xuất khẩu để tránh thiệt hại. Cục BVTV cũng đã trực tiếp làm việc với các cơ quan KDTV và cơ quan đại diện thương mại các quốc gia có liên quan, yêu cầu thực hiện các giải pháp kiểm soát triệt để cỏ kế đồng trên hàng XK sang Việt Nam.
Vì cỏ kế đồng là cỏ dại, các phương pháp xông hơi khử trùng, xử lý nhiệt, xử lý hơi nước nóng, chiếu xạ… không đảm bảo hiệu quả diệt trừ và không thể áp dụng đối với các tàu hàng lúa mì NK trọng lượng lên tới hàng chục nghìn tấn. Do đó, ngành KDTV buộc phải chọn giải pháp là đốt hoặc nghiền các vật thể cỏ kế đồng lẫn trong các container lúa mì. Do vậy, các Chi cục KDTV vùng I (Hải Phòng) và vùng II (TPHCM) phải cử cán bộ giám sát các lô hàng từ cầu cảng tới lúc vận chuyển lên container chở về kho của các nhà máy xay xát để giám sát và hướng dẫn xử lý, ngăn chặn hạt cỏ kế đồng nào phát tán ra ngoài môi trường gây nguy hại cho nền NN nước nhà. Tuy nhiên, đây là giải pháp tình thế, không thể áp dụng lâu dài và vẫn tiềm ẩn nguy cơ hạt cỏ kế đồng phát tán trong quá trình bốc dỡ, vận chuyển.
Mặc dù đã thông báo cho các doanh nghiệp và cơ quan KDTV của các nước xuất khẩu và đã có hơn 6 tháng để các DN chủ động kế hoạch kinh doanh, đàm phán và lựa chọn nguồn hàng hoá đáp ứng quy định pháp luật của Việt Nam nhưng cho đến nay, tình hình không được cải thiện. Chỉ tính từ 17.10.2018 đến 10.11.2018 đã có thêm hơn 200.000 tấn lúa mì bị nhiễm cỏ kế đồng NK vào Việt Nam. Vì vậy, để đảm bảo ngăn chặn hiệu quả loài cỏ nguy hại này vào Việt Nam cần phải xem xét sớm áp dụng giải pháp quyết liệt hơn là tái xuất các lô hàng vi phạm và cao hơn là cân nhắc tạm ngừng NK nếu các lô lúa mì NK vẫn tiếp tục nhiễm cỏ kế đồng với mức độ nghiêm trọng như hiện nay.
Lao động